Tôn trọng tiếng nói của người dân qua phản biện

Qua phản biện, MTTQ thành phố Hà Nội và nhân dân đã giúp chính quyền các cấp tiếp thu, điều chỉnh nhiều dự thảo chính sách, dự án, đề án, chương trình hành động sát với đời sống xã hội.

Hội nghị phản biện phí, lệ phí của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Chức- Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho rằng, phản biện xã hội là nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo về chính sách, pháp luật của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Từ đó phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

“Không nên quan niệm phản biện xã hội là sự phản bác, sự phủ nhận những chính sách chuẩn bị ban hành, mặc dù có thể có, nhưng đó chỉ là sự phủ nhận những nội dung không phù hợp, không đúng thực tế”- ông Chức nhấn mạnh.

Chia sẻ về cách làm, theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn, để thực hiện tốt công tác phản biện, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp phản biện xã hội với HĐND, UBND thành phố. Ủy ban MTTQ các cấp đã tích cực, chủ động sáng tạo, phối hợp với chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác phản biện xã hội theo quy định.

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đi đầu cả nước trong hoạt động phản biện xã hội. Tuy đây là nội dung mới nhưng Ủy ban MTTQ TP đã tổ chức được 34 hội nghị phản biện xã hội vào các dự thảo, nghị quyết, tờ trình... của UBND thành phố trình tại các kỳ họp HĐND thành phố. Ủy ban MTTQ cấp huyện tổ chức 194 hội nghị phản biện xã hội. Ủy ban MTTQ cấp xã tổ chức 1.193 hội nghị phản biện xã hội gắn với các nội dung thiết thực, cụ thể. Kết quả, các cuộc phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ TP thực hiện đều được UBND TP Hà Nội ghi nhận, chỉnh sửa, hoàn thiện văn bản, giới khoa học, nhân dân đánh giá cao, HĐND thành phố thông qua.

Điển hình như các cuộc phản biện về dự thảo Nghị quyết “Sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố”. Đây là hoạt động thiết thực, góp tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, nhà khoa học, nhà quản lý để HĐND thành phố thông qua nhằm chấn chỉnh, quản lý tốt hơn hoạt động trông giữ xe trên địa bàn thành phố, chống ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Hoặc, hội nghị phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố “Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020”.

Trước khi phản biện đã đi khảo sát thực tế, vì vậy, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đưa ra ý kiến rất xác đáng. Bên cạnh đó, những phản biện ý nghĩa, liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân như “Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”…, đã thực sự tôn trọng tiếng nói của người dân.

Đề cập tới lực lượng tham gia phản biện, ông Chức cũng cho biết, khi triển khai hoạt động phản biện, nhiều ý kiến cho rằng, Mặt trận làm sao có lực lượng giám sát được, HĐND hùng mạnh như vậy còn chưa “ăn ai”.

“Nhưng theo tôi, ở MTTQ thì lực lượng tham gia hoạt động này rất dồi dào, bởi Mặt trận là tổ chức liên minh các tổ chức xã hội, trong đó hội tụ rất nhiều nhân sỹ, trí thức, các chuyên gia, người có kinh nghiệm thực tiễn. Vấn đề là huy động, tập hợp lực lượng như thế nào để phát huy sức mạnh tổng hợp của Mặt trận. Tùy từng nội dung phản biện mà huy động lực lượng phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao”- ông Chức nhấn mạnh.

Hạnh Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phan-bien/ton-trong-tieng-noi-cua-nguoi-dan-qua-phan-bien-tintuc423186