Tôn trọng sự tự chủ, độc lập trong quản lý tài chính của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài chính về các vấn đề liên quan đến Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, các quy định tại Thông tư rất tôn trọng sự tự chủ, độc lập trong quản lý tài chính của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc tiếp nhận và sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích và hoạt động lễ hội trong thời gian qua có những bất cập, trong đó “rộ” lên xu hướng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

TS. Nguyễn Minh Phong: Theo tôi nhận thấy, việc tiếp nhận và sử dụng tiền công đức, tài trợ các di tích và hoạt động lễ hội trong thời gian qua diễn ra rất phức tạp, bất cập, xuất phát từ rất nhiều nguyên do.

Trước tiên, đây là một vấn đề xã hội chứ không phải góc độ tài chính nhà nước. Nói cách khác, nguồn tiền công đức, tài trợ tại các di tích và hoạt động lễ hội rất đa dạng, không nằm trong kế hoạch ngân sách cũng như cách thức quản lý chi tiêu ngân sách nhà nước. Do đó, không thể tham chiếu theo các quy định của Nhà nước để đánh giá.

Thứ hai, từ trước nay, chúng ta chưa có quy định nào cụ thể về vấn đề này mà thường hành động theo thông lệ, theo truyền thống, theo sự tự giác và theo đặc điểm riêng của mỗi đơn vị, tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau quản lý.

Thứ ba, trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng có những nguồn tài chính lớn, thậm chí là khổng lồ, đang “chảy” vào các đơn vị tôn giáo, các sự kiện để tài trợ cho các hoạt động này. Điều này không phải là xấu, tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra và xã hội quan tâm ở đây là sự minh bạch, là mục tiêu sử dụng, liệu có hay không lợi ích nhóm trong việc quản lý sử dụng các khoản tiền công đức, tài trợ.

Chính vì thế, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực “định hình” một cơ chế để đảm bảo minh bạch, công bằng về vấn đề này cũng như sự chấp thuận giữa các đơn vị quản lý di tích, hoạt động lễ hội, cá nhân đóng góp và góc độ quản lý Nhà nước. Tất nhiên, việc hình thành cơ sở pháp lý này là một quá trình kéo dài.

Phóng viên: Theo đánh giá của ông, vừa qua Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội có ý nghĩa như thế nào?

TS. Nguyễn Minh Phong: Việc ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC đã thể hiện sự nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cố gắng “định hình” một khung khổ pháp lý tương đối mở, nhưng đồng thời cũng tương đối rõ ràng để định hướng quản lý các hoạt động tài chính của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo trở nên minh bạch hơn, được xã hội giám sát, chấp nhận.

Tiếp đó, Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính so với các dự thảo trước thì đã có sự tiếp thu các ý kiến góp ý, sự cầu thị và dung hòa rất cao. Gần như đã loại bỏ hầu hết các chi tiết mang tính chất cá biệt hóa các hoạt động tài chính hoặc đi quá sâu vào quản lý tài chính…

Do đó, có thể nói rằng, Thông tư số 04/2023/TT-BTC mang tính chất định hướng chung với hai mục tiêu rất quan trọng, đó là: Cần phải có tài khoản để trở nên minh bạch hóa và phục vụ cho mục tiêu của các cá nhân đóng góp tiền. Còn lại, các quy định tại Thông tư rất tôn trọng sự tự chủ, độc lập trong quản lý tài chính của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Không có các quy định gây khó hay gây ra chi phí bổ sung, cơ hội cho các đơn vị này.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm công tác tuyên truyền hiệu quả và có những hướng dẫn cụ thể hơn nữa thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội cũng như các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

Tuy nhiên, một trong những điểm mà tôi cũng cho rằng cần nghiên cứu điều chỉnh và hướng dẫn kỹ lưỡng hơn để tránh việc cứng nhắc trong triển khai Thông tư số 04/2023/TT-BTC là quy định buộc phải mở tài khoản.

Theo đó, việc mở tài khoản chỉ có thể thực hiện dễ dàng ở những đô thị, thành phố lớn, hoặc các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo mà ở đó có những người thành thạo về tài chính, về công nghệ để tạo được tài khoản hay thu chi, quản lý, tài khoản. Còn ở vùng sâu vùng xa, những địa bàn khó khăn, các ngân hàng thương mại không ở gần thì việc mở tài khoản rất khó thực hiện.

Vì thế, quy định chung là như vậy nhưng vẫn nên có những hướng dẫn để loại bỏ các ràng buộc không cần thiết cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo… Để làm sao cho quá trình thực hiện, họ có thể dựa vào đức tin, dựa vào tôn giáo, dựa vào mục tiêu cao cả của các tôn giáo, chứ không phải giống như mục tiêu phòng, chống tham nhũng của Luật Ngân sách Nhà nước.

Phóng viên: Ông có quan điểm thế nào trước ý kiến cho rằng, việc ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTClà để Nhà nước có thể quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích và hoạt động lễ hội?

TS. Nguyễn Minh Phong: Ý kiến này đưa ra là không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại khi Thông tư số 04/2023/TT-BTC đã ban hành. Có thể trước đó đã có đề xuất gây ra những phản ứng khi mà bắt buộc mở tài khoản tiếp nhận, rồi phải cụ thể chủ tài khoản là ai… Tựu chung lại là quản lý tài chính của lễ hội, tôn giáo như ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, ở tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, như tôi đã nói, các chi tiết đem lại ý kiến trái chiều như vậy đã được loại bỏ. Các quy định tại Thông tư mang tính định hướng chung chứ không phải định hướng “thu về” Nhà nước quản lý.

Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo được tự quyết định và phải chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Phóng viên: Để thực hiện đạt kết quả tích cực Thông tư số 04/2023/TT-BTC thì cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Phong: Trước hết, cần phải tổ chức tuyên truyền rõ mục tiêu Thông tư và các nội dung quy định, đặc biệt là cách thức thực hiện. Đồng thời, cần trao quyền cho các đơn vị quản lý chức năng ở địa phương để hướng dẫn sao cho giảm thiểu các chi tiết không cần thiết, đặc biệt là phải đề cao được giá trị của các khoản tiền công đức, tài trợ này để các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các đơn vị quản lý di tích và tổ chức hoạt động lễ hội sử dụng đúng mục đích. Theo đó, song song với việc tuyên truyền, thượng tôn pháp luật thì cũng cần phải đề cao tính nhân văn, đề cao giá trị xã hội mà những khoản tiền đó hướng tới.

Cuối cùng, cơ quan quản lý cũng tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản biện, các ý kiến phân tích để tổng hợp. Ý kiến nào phù hợp thì tiếp tục tiếp thu và điều chỉnh vì như chúng ta biết rằng nhận thức là một quá trình. Việc luật hóa và quản lý bằng luật lại càng phải là một quá trình chứ không thể một lần là có thể hoàn thiện hết.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Gia Hân (Thực hiện)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ton-trong-su-tu-chu-doc-lap-trong-quan-ly-tai-chinh-cua-cac-co-so-tin-nguong-to-chuc-ton-giao.html