Tôn trọng quyền bày tỏ ý kiến của con trẻ

Trò chuyện với con trẻ tưởng chừng như rất dễ bởi người lớn cho rằng 'trẻ con nói gì nghe nấy'. Thế nhưng, đó chưa phải là quan niệm đúng trong xã hội hiện đại. Trò chuyện với con là cả một nghệ thuật đòi hỏi cha mẹ đôi khi cũng phải là 'nghệ sĩ'.

Cha mẹ cần là người mở lòng trước. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần là người mở lòng trước. Ảnh minh họa

Để con được nói lên ý kiến cá nhân

Nhiều quan niệm của cha mẹ cho rằng vì con cái là sở hữu của mình nên việc bắt buộc phải nghe người lớn nói là điều đương nhiên. Thêm nữa, có suy nghĩ cho rằng, đứa trẻ không có khả năng làm bất cứ việc gì và vì thế, chúng phải được “người lớn dạy”.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, trẻ càng được bộc lộ quan điểm sớm thì càng có khả năng tự lập và tư duy sáng tạo.

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy - giảng viên Khoa Công tác xã hội Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng: “Nhiều chứng minh gần đây cho thấy, tự mỗi đứa trẻ có thể làm được những việc mà mình tự lựa chọn và suy nghĩ, nhờ đó sinh ra những năng lực tuyệt vời đang ẩn giấu. Vì vậy, những gì cha mẹ nên làm không phải là yêu cầu, bắt buộc con làm cái này, cái kia hoặc hướng dẫn, chỉ bảo con.

Thay vào đó, hãy tin tưởng vào sức mạnh hiện hữu ở con, để không cản trở sự phát triển khả năng tự nhiên, bẩm sinh của con. Vì vậy, hãy để con được bày tỏ quan điểm cá nhân, nói lên suy nghĩ của chúng về mọi việc”.

Trên thực tế, nhiều cha mẹ luôn vội vàng ngắt lời khi con nói, hoặc thấy việc trình bày của con quá rườm rà. Đó chính là sự không tin tưởng của cha mẹ dành cho trẻ. Bởi người lớn tin rằng, con vẫn mãi mãi là trẻ nhỏ, chỉ có thể làm theo ý kiến của cha mẹ mới là đúng, là ngoan.

Đúng là người lớn có vốn sống, kinh nghiệm và sự từng trải nhất định nên chắc hẳn nhìn nhận mọi vấn đề đều tốt hơn. Thêm nữa, việc dạy con cũng xuất phát từ tình yêu thương, mong muốn những điều tốt đẹp cho con, vì vậy mới dạy dỗ, khuyên bảo.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy cho rằng: “Hàng trăm trẻ nhỏ sẽ là hàng trăm cá thể khác biệt. Chúng ta không thể áp sở thích, đường hướng học tập của trẻ này lên trẻ khác. Chúng ta không thể để một đứa trẻ thích vận động ngồi một chỗ làm thơ, hay bắt một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật phải học tốt về các con số.

Mỗi đứa trẻ mỗi sở thích, mỗi khả năng khác nhau. Nếu như không lắng nghe, không trò chuyện với con, thì vô tình cha mẹ đang kìm hãm những ước mơ của con. Bởi vậy, khuyến khích cha mẹ hãy để trẻ tự do thể hiện cá tính của mình, bộc lộ bản thân và hãy chia sẻ với con thật nhiều”.

Có những việc, trẻ rất muốn được thử sức làm theo ý kiến của mình, vì vậy, cha mẹ cũng nên để trẻ thoải mái sáng tạo trong một khuôn khổ nào đó. Đôi khi, để con nhìn thấy được kết quả từ hành động của mình chính là cách dạy tốt để trẻ tự rút ra bài học mà không cần người lớn phải “nói nhiều”.

Hoặc ít nhất, nếu nhìn thấy trước “hậu quả”, cha mẹ cũng hãy cứ để con bày tỏ, nói hết suy nghĩ rồi mới cùng con phân tích, giải thích để con hiểu vấn đề, đừng vội ngắt lời con trong mỗi cuộc nói chuyện.

Gợi ý để con đưa ra nhiều câu hỏi

Nghiêm Xuân Khang – học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Đại Yên (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi khi con định nói chuyện gì đó, lúc đầu mẹ rất chú ý, sau đó lại cầm điện thoại nhắn tin nên con không muốn nói thêm gì nữa.

Vì con nghĩ có nói mẹ cũng không chú ý. Con mong muốn có nhiều cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con, để có thể nói lên suy nghĩ của mình, nhưng thời gian để trò chuyện đều rất ngắn nên lâu dần, con không muốn nói chuyện gì nữa”.

Chắc hẳn, cuộc sống bận rộn, điều này không phải hiếm gặp, vì vậy, cha mẹ hãy để ý nhiều hơn tới con.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Thanh Thủy đưa ra lời khuyên: “Khi nói chuyện, cha mẹ cũng cần có “kỹ năng”. Trong cuộc trò chuyện, dù là chuyện quan trọng hay chỉ là chuyện vui, cần chú ý hoàn toàn vào con. Khi ngồi xuống nói chuyện với con, cha mẹ hãy đảm bảo rằng không có gì có thể gây gián đoạn cuộc hội thoại.

Đừng để con bày tỏ trong khi bố mẹ đang dán mắt vào điện thoại hoặc vừa nghe con nói vừa liếc mắt xem dở tập phim nào đó, hãy hoàn toàn tập trung vào câu chuyện của trẻ. Điều này sẽ dạy con rằng, trong một cuộc giao tiếp, ai cũng cần được tôn trọng. Và con sẽ cảm thấy những tâm tư của mình thực sự quan trọng với cha mẹ, sẽ giúp con mở lòng hơn rất nhiều và sẵn sàng chia sẻ”.

Đôi lúc, chính cha mẹ cảm thấy “căng thẳng” khi bắt đầu cuộc trò chuyện, nhất là để giải thích về những việc con đã làm sai. Vì vậy, hãy biến cuộc nói chuyện thật thoải mái, gợi ý để con đưa ra nhiều câu hỏi hơn. Khi đó, câu chuyện sẽ dễ dàng mở ra các nút thắt, cũng chính là lúc cha mẹ hiểu con đang cần gì, nghĩ gì.

Mỗi câu hỏi của con, cũng là cơ hội để người lớn phân tích, giải thích và giải tỏa cho con, lúc này cuộc nói chuyện sẽ thực sự có hiệu quả.

Đôi khi, trong cuộc nói chuyện, con có thể sẽ phản ứng lại những câu nói của cha mẹ bằng cử chỉ hình thể như nheo mắt, nhíu mày, trầm tư... Vì vậy, cha mẹ đừng bỏ qua những cử chỉ đó mà hãy khuyến khích con thể hiện chúng bằng lời nói. Việc này cũng thể hiện cha mẹ đang rất chú ý đến ý kiến của con và trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ câu chuyện thay vì giữ trong lòng.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Thanh Thủy cho rằng: “Có những câu hỏi của con, bố mẹ không trả lời được, bởi không phải lúc nào người lớn cũng đúng và cái gì cũng biết.

Trẻ có góc nhìn của trẻ và mong muốn được bảo vệ suy nghĩ đến cùng. Vì vậy, cha mẹ cần khéo léo để con “nghe lời” một cách thoải mái chứ không phải miễn cưỡng, trong lòng vẫn còn những ấm ức, vậy thì khúc mắc không bao giờ được giải quyết triệt để mà nảy sinh mâu thuẫn. Trẻ càng hỏi nhiều, cha mẹ càng hiểu con hơn và chính trẻ cũng sẽ có những câu trả lời cho mình”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/ton-trong-quyen-bay-to-y-kien-cua-con-tre-PJmJa9dGg.html