Tôn trọng chức năng chính của vỉa hè

Dù các cơ quan, lực lượng chức năng thường xuyên ra quân chấn chỉnh, nhưng hiện nay tình trạng người dân, tổ chức, đơn vị chiếm dụng vỉa hè để đậu xe, kinh doanh, buôn bán... vẫn diễn ra ở rất nhiều con đường từ các quận khu vực trung tâm đến các huyện vùng ven của thành phố. Ở những đường phố thuộc các quận nội thành, vỉa hè thường bị các xe đẩy, tủ, bàn, ghế… 'chiếm lĩnh' để bán nước giải khát, đồ ăn, thuốc lá, thực phẩm… hoặc biến thành chỗ đậu ô-tô, xe máy. Còn ở các quận, huyện ngoại thành, vỉa hè thường trở thành chợ mỗi buổi sáng, chiều. Bên cạnh đó, nhiều đoạn vỉa hè đã, đang xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Tại một số con đường ở quận 3, 5, 10, Phú Nhuận, Tân Bình…, nhiều đoạn vỉa hè bị sụt lún, lồi lõm,…

Dù các cơ quan, lực lượng chức năng thường xuyên ra quân chấn chỉnh, nhưng hiện nay tình trạng người dân, tổ chức, đơn vị chiếm dụng vỉa hè để đậu xe, kinh doanh, buôn bán... vẫn diễn ra ở rất nhiều con đường từ các quận khu vực trung tâm đến các huyện vùng ven của thành phố. Ở những đường phố thuộc các quận nội thành, vỉa hè thường bị các xe đẩy, tủ, bàn, ghế… "chiếm lĩnh" để bán nước giải khát, đồ ăn, thuốc lá, thực phẩm… hoặc biến thành chỗ đậu ô-tô, xe máy. Còn ở các quận, huyện ngoại thành, vỉa hè thường trở thành chợ mỗi buổi sáng, chiều. Bên cạnh đó, nhiều đoạn vỉa hè đã, đang xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Tại một số con đường ở quận 3, 5, 10, Phú Nhuận, Tân Bình…, nhiều đoạn vỉa hè bị sụt lún, lồi lõm,…

Dễ dàng nhận thấy vỉa hè bị chiếm dụng trái phép là do công tác quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương chưa nghiêm túc, có dấu hiệu lỏng lẻo. Từ nhiều năm trước, Sở Giao thông vận tải thành phố đã giao vỉa hè cho các quận, huyện quản lý (cả đầu tư xây dựng, bảo dưỡng…). Vì vậy, chuyện vỉa hè bị "biến mất" hoặc xuống cấp, hư hỏng mà không khắc phục kịp thời thuộc trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan chức năng quận, huyện. Từ chỗ bị chiếm dụng, không những làm mất đi không gian dành cho người đi bộ, vỉa hè còn bị xuống cấp, hư hại nhanh hơn. Bên cạnh đó, tuổi thọ của vỉa hè cũng bị rút ngắn do ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân còn thấp. Vào những khung giờ cao điểm, khi mật độ xe cộ quá đông đúc, xảy ra kẹt xe, chuyện người đi đường chạy xe máy lên vỉa hè đã trở nên bình thường trên nhiều tuyến đường.

"Văn hóa vỉa hè" đã hình thành và tồn tại lâu đời. Chính quyền thành phố cũng đã có những chính sách, giải pháp dung hòa để không triệt tiêu "văn hóa vỉa hè" nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu mỹ quan, văn minh, hiện đại trong quá trình phát triển thành phố. Chẳng hạn, thành phố đã cho kẻ vạch sơn cho phép sử dụng một phần vỉa hè để phục vụ nhu cầu kinh doanh, buôn bán của những người dân có nhà, cửa hàng, quán… nằm ở mặt tiền đường phố có vỉa hè đủ rộng. Tuy vậy, chức năng cơ bản của vỉa hè cần được tôn trọng và giữ gìn. Việc sử dụng một phần vỉa hè để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, du lịch, văn hóa… cần sớm được quy hoạch cụ thể, xác định rõ khu vực, đường phố nào có thể sử dụng hoặc không được "đụng đến" vỉa hè. Cùng với đó, chính quyền cần có giải pháp hợp tình, hợp lý, tạo sinh kế mới phù hợp đối với những người dân có cuộc sống phụ thuộc vào vỉa hè. Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong công tác quản lý vỉa hè, xử lý nghiêm những trường hợp xâm phạm hoặc xâm hại vỉa hè; nhất là đề cao trách nhiệm người đứng đầu địa phương.

HÀ CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-biet-dan-ban/ton-trong-chuc-nang-chinh-cua-via-he-646472/