Tồn tại nhiều vấn đề 'nóng' trong thực hiện bình đẳng giới

Những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách thiết thực, từng bước cải thiện, nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, sự chênh lệch về bình đẳng giới (BĐG) giữa các vùng miền, các dân tộc đang là những vấn đề thách thức. Đây cũng là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 9-11.

Quân y BĐBP giúp phụ nữ, trẻ em DTTS tiếp cận với dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Viết Hà

Bạo lực gia đình diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, công tác BĐG tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội và đạt được nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ được nâng lên, các quan hệ kinh tế, xã hội cũng bình đẳng hơn. Việc ứng xử trong mỗi gia đình, kể cả vùng sâu, vùng xa, xu hướng tôn trọng và nâng cao vị thế phụ nữ ngày càng phổ biến. Điều đó chứng minh việc tuyên truyền về BĐG đã bao quát hết các đối tượng vùng miền và những chương trình, dự án được triển khai có hiệu quả.

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu quốc gia về BĐG vẫn tồn tại một số hạn chế. Phụ nữ và trẻ em gái về cơ bản vẫn thiệt thòi và yếu thế hơn so với nam giới, dẫn tới bạo lực gia đình và xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em gái, nạn mua bán phụ nữ, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống... là các vấn đề cần tiếp tục được quan tâm. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016 xảy ra 14.790 vụ bạo lực gia đình với số nạn nhân là 13.524 người, trong đó, 1.627 trẻ em bị bạo lực và xâm hại tình dục, nạn nhân trẻ em gái chiếm 84%. 8 tháng của năm 2017, có 832 vụ bạo lực và xâm hại tình dục, nạn nhân là trẻ em gái chiếm 92%. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc đã xét xử 1.880 vụ xâm hại trẻ em với 1.976 bị cáo. Qua các số liệu cho thấy, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoài phạm vi gia đình, nạn xâm hại tình dục đối với trẻ em gái có chiều hướng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp.

Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) cho biết, theo thống kê năm 2010, cứ 3 phụ nữ được hỏi thì có 1 người bị bạo lực thể xác, tình dục hoặc tinh thần. 58% phụ nữ đã kết hôn bị bạo lực tình dục, thể xác hoặc tinh thần; 27% cho rằng từng bị cả 3 loại bạo lực trên. Đây chỉ là con số thống kê, thực tế số liệu này có thể lớn hơn nhiều.

“Một bộ phận nữ giới chưa nhận thức được đầy đủ về quyền được BĐG của mình, chấp nhận chịu bạo hành, chịu phân biệt đối xử một cách hiển nhiên. Vì thế, để cải thiện tình trạng bất BĐG, bên cạnh các chương trình hành động, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự bảo vệ của hệ thống pháp luật, trước hết, tất cả mọi người cần tự giác thay đổi quan niệm về BĐG, nữ giới cần phải tự nâng cao trình độ, sự hiểu biết để tự bảo vệ mình và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Qua đó, khẳng định ý thức về quyền được bình đẳng của mình” - Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu nguyên nhân và giải pháp.

Phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số chịu nhiều thiệt thòi

Trong tiếp cận giáo dục, đào tạo giữa các nhóm dân tộc thiểu số (DTTS), các khu vực, vùng miền, đặc biệt, hiện tượng tái mù chữ còn xảy ra ở một số địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, đang tồn tại khoảng cách lớn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở nông thôn, miền núi, vùng DTTS và thành thị. Số lượng nữ di cư vẫn lớn hơn khá nhiều so với nam, còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu thực trạng, tỷ lệ chung của đồng bào DTTS biết đọc, biết viết từ 15 tuổi trở lên là 94,7%, trong đó, nam là 86,3% và nữ là 73,4%. Phụ nữ DTTS chưa tốt nghiệp tiểu học dao động từ 41,9% đến 75%. Tỷ lệ đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật là 5,9% và 13,4% phụ nữ DTTS không được tiếp cận bất cứ phương tiện thông tin nào. Tỷ lệ học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học là 88,9% và trung học cơ sở là 72,6%, trung học phổ thông là 32,3%. Hiện có khoảng 30% đến 40% người nghèo thuộc phụ nữ DTTS phải tự điều trị bệnh khi bị ốm đau. Thực tế, phụ nữ DTTS thiệt thòi hơn trong tiếp cận tri thức, giáo dục và đào tạo do quan niệm truyền thống, nên ở một số vùng DTTS ưu tiên nam giới trong việc học hành”.

Đối với vấn đề cơ hội việc làm của phụ nữ miền núi, đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) lấy dẫn chứng, hiện nay, rất nhiều phụ nữ nông thôn, miền núi, vùng biên giới vượt biên sang nước ngoài làm thuê bất hợp pháp do cuộc sống còn khó khăn, thu nhập thấp hoặc việc làm không ổn định. Hệ lụy của tình trạng trên là phụ nữ phải sống tha phương và luôn phải đối mặt với nguy cơ bị các cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ, bị lừa đảo tiền, trở thành nạn nhân của tệ nạn mua bán người, một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến tính mạng... Từ những vấn đề tồn tại trong thực hiện mục tiêu quốc gia về BĐG ở nông thôn, miền núi, vùng DTTS, các đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước có chính sách thỏa đáng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, y tế cho vùng này. “Để phụ nữ ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo yên tâm, ổn định lao động, sản xuất, cần thiết phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định cho nhóm đối tượng này” - Đại biểu Ngàn Phương Loan đề nghị.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ton-tai-nhieu-van-de-nong-trong-thuc-hien-binh-dang-gioi/