Tồn tại nhiều bất cập tại các chung cư do Công ty Thanh Bình làm chủ đầu tư

Ngày 21/3, tại buổi làm việc với Đoàn Kiểm tra số được thành lập theo Quyết định số 44/QĐ-SXD ngày 30/01/2018 của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đại diện ban quản trị các tòa N08B, N07B2-B3 đã phản ánh nhiều vấn đề nóng, bất cập liên quan đến phí bảo trì, một số hạng mục công trình sai phép, phần diện tích sở hữu chung riêng và công tác bàn giao hồ sơ tòa nhà đối với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thanh Bình Hà Nội.

Mặc dù đã có sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, thế nhưng các tồn tại của chung cư N08B Dịch Vọng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhập nhèm, thiếu minh bạch

Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến của các Ban Quản trị đều phản ánh công tác bàn giao và lưu trữ hồ sơ nhà chung cư chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật, thời gian kéo dài, có sự sai lệch giữa các tài liệu này; mập mờ quỹ bảo trì chung cư; liên quan phần sở hữu chung riêng hiện đang còn có sự tranh chấp; đặc biệt, một số hạng mục công trình tại tòa nhà chưa được sử dụng đúng công năng, vị trí không đúng với hồ sơ thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thậm chí, theo ông Lại Thế Hoàng - đại diện Ban Quản trị tòa nhà N08B Dịch Vọng, từ nhiều năm qua, chủ đầu tư là Công ty Thanh Bình đã tự ý xây dựng, cơi nơi thêm tầng 10 sai phép gây ảnh hưởng lớn đến kết cấu tòa nhà cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn phòng chống cháy, nổ.

Ông Đỗ Quang Chiêu, đại diện Ban Quản trị nhà N07B2,B3 cho biết, đã nhiều lần, Ban Quản trị đề nghị Công ty Thanh Bình cùng phối hợp để xác định rõ giá trị quyết toán phần kinh phí bảo trì 2%, thế nhưng phía chủ đầu tư vẫn đang rất trì trệ trong vấn đề này. “Tiền bảo trì là của dân, do chủ đầu tư đứng ra thu hộ. Đáng lẽ, Công ty Thanh Bình cần phải lập tài khoản ngân hàng để gửi số tiền quỹ bảo trì rồi chuyển trả lại đầy đủ lại cho Ban Quản trị sau khi được thành lập, nhưng Công ty Thanh Bình đã không làm tròn trách nhiệm đó. Số tiền này là rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng, từ tháng 3/2013 đến 2016, Công ty Thanh Bình mới chuyển rải rác hơn 6,983 tỷ đồng. Vậy còn khoảng 2 tỉ đồng quỹ bảo trì nữa, cộng với phần lãi suất ngân hàng do việc chậm chuyển giao thì đang ở túi ai? Đề nghị Công ty Thanh Bình trả lời và Đoàn Kiểm tra của Sở Xây dựng cũng cần lãm rõ việc này” - Ông Chiêu nói.

Tiếp tục câu chuyện về phí bảo trì, ông Lại Thế Hoàng và ông Trần Doãn Sinh - đại diện Ban Quản trị tòa N08B cho biết, không phải có Đoàn Kiểm tra của Sở Xây dựng ngày hôm nay mới nêu ra, bởi chúng tôi đã gửi nhiều văn bản kiến nghị tới các cơ quan chức năng để được xem xét, giải quyết dứt điểm nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được.

“Theo quy định thì trong trường hợp hợp đồng mua bán được ký kể từ ngày Luật Nhà ở 2006 (nay là Luật Nhà ở 2014) có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2015), đối với diện tích nhà bán thì chủ đầu tư phải nộp 2% tiền bán và khoản tiền này được tính vào tiền bán nhà mà người mua nhà phải trả. Như vậy, giá bán căn hộ khi ký hợp đồng là đã bao gồm 2% phí bảo trì. Do đó, trong giá bán nhà đã bao gồm 2% phí bảo trì, khoản phí này, Công ty Thanh Bình cần trả lại cho Ban Quản trị để thực hiện công tác bảo dưỡng tòa nhà. Còn phía Công ty Thanh Bình lại không muốn thừa nhận việc này, và muốn đưa nội dung này cho tòa án giải quyết tranh chấp nên mọi việc vẫn treo từ đó. Qua đây, cũng mong Đoàn Kiểm tra có kết luận rõ ràng cho vấn đề trên.” - Ông Lại Thế Hoàng nói.

Đại diện Ban Quản trị N08B Dịch Vọng phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Kiểm tra của Sở Xây dựng.

Đáng nói nữa là phần diện tích tầng 10 của tòa N08B Dịch Vọng do chủ đầu tư xây dựng không phép, đại diện Ban Quản trị cho biết thêm, người dân đã gửi rất nhiều đơn thư tới các cơ quan chức năng, báo chí cũng đã vào cuộc phản ánh, và kết luận của Tổ công tác liên ngành từ năm 2015 đã chỉ rõ, nhưng hướng xử lý đến đâu, cấp nào giải quyết rồi thì đề nghị Đoàn Kiểm tra công khai, minh bạch thông tin. Năm ngoái, tầng 10 đã buộc phải dừng hoạt động vi không có thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy. Hiện tại biến thành ổ chuột, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cư dân. Việc tồn tại tầng 10 đầu tiên cản trở, bịt kín toàn bộ hệ thống thông khí, thông khói của tòa nhà. Thứ hai, chủ đầu tư sử dụng rất nhiều vật liệu dễ cháy, mái tôn thấm dột nghiêm trọng nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cả tòa nhà. Thứ ba nữa, tuy cần có một đơn vị đánh giá độc lập, nhưng bằng mắt thường có thể nhận ra, tòa nhà N08B xuất hiện tình trạng lún nứt, xuống cấp rất nhanh, phải chăng do gánh chịu tải trọng ngoài thiết kế, mà cụ thể ở đây là tầng 10 gây ra, làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, “vặn công trình”. Vì vậy, đề nghị cần phải khẩn trương đưa công trình về nguyên trạng và không có lý do nào để tầng 10 này được phép tồn tại.

Nhiều vấn đề cần phải được làm rõ

Lắng nghe ý kiến đóng góp của những người dân đang trực tiếp sinh sống tại các tòa nhà, ông Trần Ngọc Minh - Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, từ năm 2013 đến nay, các hạng mục bảo hành của chủ đầu tư đã hết, chủ yếu chuyển sang giai đoạn bảo trì. Do đó cũng cần có đánh giá việc thực hiện công tác bảo trì của chủ đầu tư. Về phần quỹ bảo trì của tòa N08B cũng cần làm rõ thời điểm các hợp đồng mua bán nhà. Quan điểm của Sở Xây dựng và quận thì làm gì cũng cần có sự đồng thuận của người dân, nếu chủ đầu tư có đề nghị nhưng người dân không đồng thuận thì không ai cho phép tầng 10 được điều chỉnh cả.

Theo ông Trần Ngọc Minh - Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, về kinh phí bảo trì, Luật thể hiện rất rõ, trong hợp đồng không phân tách rõ thì chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển trả nếu chủ đầu tư không chứng minh được có thu hay không thu. Cơ quan nhà nước đã có ý kiến nhưng tranh chấp không giải quyết được thì phải đưa ra tòa mới có đủ chế tài để thực hiện được. Qua đây, Đoàn Kiểm tra sẽ yêu cầu Thanh Bình cung cấp hồ sơ để có các hướng dẫn, quyết định trả lời lại cho chủ đầu tư và Ban Quản trị, chủ sở hữu theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, trước nỗi lo cư dân vì cảm thấy bất an trước tình trạng lún nứt, xuống cấp của tòa nhà, ông Trần Ngọc Minh nhấn mạnh, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo hành kết cấu đến hết tuổi thọ công trình. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm định đối với các hệ thống lún, nứt kỹ thuật theo quy định, công khai cho các hộ gia đình biết kết cấu còn đảm bảo an toàn hay không. Nếu kết cấu không đảm bảo an toàn, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đến hết tuổi thọ công trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đầu tư xây dựng. Nếu chủ đầu tư không làm, Sở sẽ yêu cầu phải làm, nếu chây ỳ, Thành phố sẽ vào cuộc.

Biên bản làm việc giữa Đoàn Kiểm tra và các Ban Quản trị.

Kết luận buổi làm việc, ông Cù Quang Anh - Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, Trưởng đoàn Kiểm tra phát biểu, Đoàn yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục bổ sung, cung cấp hồ sơ pháp lý, làm lại báo cáo và căn cứ tài liệu thu thập được Đoàn sẽ đưa ra kết luận cuối cùng sau khi tiến hành đánh giá các tài liệu. Trước mắt, đề nghị chủ đầu tư tiến hành họp với các ban quản trị để giải quyết các vướng mắc theo các văn bản của Sở Xây dựng từ trước, cung cấp tất cả tài liệu cho các ban quản trị theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả về Sở Xây dựng trước ngày 30/3/2018.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc sau khi có kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội.

Phan Anh Tuấn

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/kinh-te/ton-tai-nhieu-bat-cap-tai-cac-chung-cu-do-cong-ty-thanh-binh-lam-chu-dau-tu-11749.html