Tôn Nữ Thị Ninh: Ngoại giao 'tổng lực' trong tình hình mới

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, phong cách là 'gia vị' quan trọng, không thể thiếu trong đối ngoại thời nay…

Từ trải nghiệm của bản thân, theo bà yếu tố nào là quan trọng nhất đối với người làm công tác ngoại giao hiện nay?

Thứ nhất, yêu nước là điều kiện nền tảng. Biểu hiện của yêu nước có thể với hình thức và mức độ khác nhau nhưng đó là yếu tố cơ bản nhất. Người giỏi ngoại ngữ, hiểu rộng về các nước nhưng nếu chỉ thế thôi thì chưa đủ để thành nhà ngoại giao thực thụ. Yêu nước mới thực sự là động lực cho mỗi người phấn đấu bền bỉ tự xây dựng và củng cố bản lĩnh, và tự trang bị hiểu biết và kỹ năng cần thiết.

Yếu tố thứ hai là hiểu biết. Hiểu biết ở đây tôi muốn nhấn mạnh không phải chỉ có hiểu biết về thế giới mà hiểu biết về chính Việt Nam. Hiểu biết về thế giới chưa đủ để làm nhà ngoại giao giỏi. Nếu không hiểu được nước mình để giới thiệu với bạn bè thế giới, với đối phương cũng không thể làm ngoại giao hiệu quả.

Hiện nay, với biển cả thông tin trên mạng xã hội, trong sự hiểu biết, cái hiểu mới quan trọng. Thường thì, chúng ta sẽ biết bằng học hành, chăm chỉ, cần cù. Nhưng để hiểu phải có sự trải nghiệm, đồng thời phải luôn rút kinh nghiệm và bài học cho bản thân. Như vậy, sự hiểu biết của nhà ngoại giao hiện đại phải vừa sâu rộng vừa tinh tế.

Bản lĩnh của người làm ngoại giao cũng hết sức quan trọng. Bản lĩnh có nghĩa là sẵn sàng ứng phó với mọi thách thức, không sợ đối phương, đối tác lớn hơn mình, mạnh hơn mình, giàu có hơn mình… Tất nhiên, không phải “điếc không sợ súng”, xông “ra trận” một cách mù quáng, mà quan trọng là mình phải hiểu rõ thách thức, nguy cơ cũng như nắm bắt các cơ hội xuất hiện.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh.

Ngoài ra, làm ngoại giao, dù ngoại giao nhà nước hay ngoại giao nhân dân cũng luôn đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Ngày nay, trong ngoại giao hiện đại, cần có thêm một gia vị khá quan trọng, đó là phong cách. Qua đó, có thể góp phần xây dựng hình ảnh, và phát huy hiệu ứng, thế mạnh của mình trong giao tiếp, truyền thông, và đàm phán.

Trong tình hình mới, Việt Nam cũng như các nước nói chung cần phải triển khai ngoại giao tổng lực. Với tôi, khái niệm ngoại giao tổng lực cũng giống như bóng đá tổng lực. Có lúc trung vệ lên làm tiền đạo, lúc tiền đạo về làm hậu vệ. Cá nhân nhà ngoại giao trong ngoại giao tổng lực nên chuyên sâu một lĩnh vực hay một việc nhưng, khi cần, có khả năng thích ứng với những công việc khác nhau.

Cuối cùng, mọi cán bộ ngoại giao cần phải có hiểu biết về ngoại giao đa phương. Vì đan xen, tác động qua lại giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương nên cán bộ ngoại giao song phương vẫn phải có hiểu biết tối thiểu về ngoại giao đa phương như một hành trang nghiệp vụ cần thiết.

Thời công nghệ thông tin, người ta kết nối dễ dàng hơn, thể hiện chính kiến dễ dàng hơn, mở hơn. Vậy theo bà sẽ có những thách thức gì trong hoạt động đối ngoại?

Thời hiện đại với biển cả cuồn cuộn thông tin, thách thức lớn nhất là sàng lọc thông tin. Theo tôi, các bạn trẻ cần học cách chắt lọc thông tin để phục vụ nghề nghiệp của mình, đó là bài toán không đơn giản. Tôi nghĩ, cái khó là ứng xử thế nào trước các cấp độ, các chiều cũng như tính chất, mức độ trung thực khác nhau của thông tin. Tôi xin nhấn mạnh, người làm đối ngoại phải từ bỏ ý nghĩ rằng mình có “cái tủ” nào đó.

Cần phải khẳng định cái cốt lõi nhất của đối ngoại là giành và bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc thông qua tương tác đàm phán nhân nhượng qua lại. Thế nên tôi nghĩ, trong biển cả thông tin đó, cái mình cần xác định là lợi ích. Đừng để biển cả thông tin cuồn cuộn làm cho mình quên đi yêu cầu và mục đích cơ bản nhất đó.

Yếu tố sức mạnh mềm trong đối ngoại thời nào cũng cần nhưng trong tình hình mới sẽ có tầm quan trọng ra sao, thưa bà?

Trong tương quan giữa các nước thì quốc phòng, kinh tế, chính trị được xem là sức mạnh cứng. Còn sức mạnh mềm là ngoại giao văn hóa, ngoại giao công chúng (public diplomacy), quảng bá thương hiệu đất nước.

Thực tế, sức mạnh mềm cho phép các nước tạo ảnh hưởng cũng như sự lan tỏa rộng lớn hơn sức mạnh cứng. Ở khía cạnh này, các chiêu thức trong ngoại giao của các cá nhân có điều kiện trỗi dậy và phát triển. Ngoại giao văn hóa có nội hàm rộng và đa dạng.

Chẳng hạn, trong ngoại giao cá nhân có các đại sứ du lịch cũng là cách để xây dựng hình ảnh đất nước. Như vậy, sẽ rất lợi thế nếu nhà ngoại giao có sự hiểu biết, hài hước trong đàm phán gắn liền với các “chiêu”.

Có lần, tôi tham gia phục vụ đoàn cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thăm một số nước. Tại Madagasca, chủ nhà nhận xét không ngờ Đại tướng và phu nhân nói chuyện hài hước và gây ấn tượng đến thế.

Nếu nói việc xây dựng thương hiệu đất nước, đội tuyển U23 Việt Nam đã đóng góp một cách ngoạn mục. Hoặc những dịp có Tổng thống Mỹ sang Việt Nam, chúng ta đều quảng bá ẩm thực như bún chả, phở… Nhìn ra thế giới, có lẽ đất nước rất thành công trong việc quảng bá hình ảnh của mình là Hàn quốc. Họ có hẳn một ban để xây dựng và phát huy hình ảnh, thương hiệu đất nước.

Tóm lại, ngoại giao văn hóa góp phần cho thế giới biết đến đất nước mình. Tất nhiên, không chỉ kênh nhà nước làm mà còn có kênh nhân dân, có thể là các đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân, nghệ sĩ… Tôi mong rằng, có nhiều con đường cùng phát huy sức mạnh mềm chứ không chỉ có kênh chính thống. Ngoại giao hiện đại là ngoại giao đa tầng, đa nấc, đa kênh.

Bà từng chia sẻ về việc người làm đối ngoại phải luôn bình tĩnh bên trong và mềm mại bên ngoài. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này thông qua những kỷ niệm và câu chuyện thực tiễn?

Mỗi nhà ngoại giao, nhất là trong ngoại giao nhà nước nếu không có kỷ luật, không tự chủ được thì đừng làm ngoại giao. Phong cách của một nhà ngoại giao chính thống là phải tự kiềm chế một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, luôn cần có sự trải nghiệm, có phương pháp và ý thức rút kinh nghiệm.

Không chỉ vậy, cái khó là làm thế nào để xử lý những tình huống khủng hoảng. Có những khủng hoảng mình có một tuần để xử lý, “bài binh bố trận”, hội ý với ê kip. Nhưng nếu “ra trận” rồi mà phải ứng phó liền với một tình huống có tính chất thách thức khủng hoảng thì làm thế nào? Lúc đó, mỗi nhà ngoại giao cần phải giữ vẻ bề ngoài bình tĩnh, ung dung nhưng bên trong phải suy nghĩ, quyết đoán nhanh.

Tôi nhớ, một lần tôi nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao. Trong phần hỏi đáp, một em hỏi trong đời làm đối ngoại của mình, tôi đã bao giờ phải nói dối chưa? Tôi có bắt đầu bằng một câu nói đùa: “Nếu em gặp được nhà ngoại giao nào sẵn sàng thề là chưa bao giờ nói sai sự thật hoặc nói dối thì giới thiệu cho tôi với”.

Sau đó, tôi chia sẻ: “Nói dối là hạ sách, nói dối trong đối ngoại còn hạ sách hơn. Nếu không nói được đầy đủ sự thật thì nói một phần sự thật. Nếu không thể nói một phần nào của sự thật thì phải lờ, đánh trống lảng một cách nghệ thuật”.

Trong việc ứng xử với báo chí chẳng hạn, quyền hỏi là của nhà báo, quyền trả lời là của mình. Nếu không thể nói sự thật thì phải khéo léo tránh né. Chủ động nói dối, biến đen thành trắng, trắng thành đen là hạ sách. Trong đời làm đối ngoại của mình, tôi đã từng tránh né, không thể trả lời nhưng tôi chưa bao giờ chủ động nói dối.

Nói cách khác, trong đối ngoại đừng để mình bị “sa lầy”. Trong mọi tình huống, mình phải bình tĩnh để ứng xử với những tình huống ngoài tầm kiểm soát. Khi ấy, nhà ngoại giao càng cần phải giữ cho mình sự bình tĩnh và thư thái bên ngoài.

Bà muốn gửi gắm những thông điệp, truyền lửa, truyền cảm hứng gì cho các bạn trẻ làm đối ngoại?

Về đối ngoại, với tôi yêu nước vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Bối cảnh hiện nay không ít khi khiến cho thanh niên bức xúc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, trái tim của chúng ta, đặc biệt đối với các bạn trẻ, phải nóng nhưng cái đầu phải lạnh và tỉnh táo.

Thứ hai, phải có đam mê, coi làm ngoại giao là một sứ mệnh chứ không phải chỉ là nghề. Nếu ai đó coi ngoại giao chỉ là nghề, tôi nghĩ họ khó làm ngoại giao xuất sắc.

Thứ ba, phải tự trọng dân tộc. Khi nói đến tự trọng dân tộc, nên hiểu là trong hoạt động ngoại giao, cái mình muốn hướng tới, muốn đạt được đó là người ta không chỉ quý mến mà phải nể trọng mình.

Để làm được việc đó, tôi gửi gắm với thanh niên làm đối ngoại đừng ngần ngại có ý kiến khác và trái với đối tác, đối phương nhưng phương pháp truyền đạt phải phù hợp. Các bạn trẻ nên tự tin, nhưng để tự tin thì phải giỏi. Tôi quan sát thanh niên của ta khi tiếp xúc, làm việc với khách nước ngoài chưa thực sự sẵn sàng, vẫn ngần ngại nói khác ý của khách. Thường thì, các bạn có xu hướng đồng ý, đồng tình; có những cái chưa đồng ý, không đồng tình thì làm thinh. Theo tôi, nếu chưa rõ thì phải hỏi, không đồng tình thì phải nói để đôi bên cùng trao đổi.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Yến Nguyệt

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/ton-nu-thi-ninh-ngoai-giao-tong-luc-trong-tinh-hinh-moi-76086.html