Tôn giáo chân chính, đức tin lành mạnh

Bản chất của tôn giáo chân chính là luôn hướng con người đến Chân-Thiện-Mỹ, tức là đến những giá trị tốt đẹp nhất của con người. Xét trên phương diện giáo lý, tôn giáo hướng con người làm những việc có giá trị cho cuộc sống, tạo ra những giá trị nhân văn cao cả,...

Bản chất của tôn giáo chân chính là luôn hướng con người đến Chân-Thiện-Mỹ, tức là đến những giá trị tốt đẹp nhất của con người. Xét trên phương diện giáo lý, tôn giáo hướng con người làm những việc có giá trị cho cuộc sống, tạo ra những giá trị nhân văn cao cả, vượt qua ranh giới khác giáo, con người vươn lên để cao đẹp hơn, sẻ chia cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Đức Phật, Đức Chúa, hay Đức Thánh... đều có chung khát vọng dẫn đường cho con người đi đến thế giới hạnh phúc, đến với sự tốt đẹp, dù các quan niệm có những sự khác nhau giữa họ.
Bước chân vào tôn giáo chân chính, theo chân Đức Phật, Đức Chúa, Đức Thánh... làm cho con người ta cao đẹp hơn, có giá trị hơn và ứng xử với người khác nhân văn hơn. Không có giáo lý nào, ý niệm nào mà các Đấng tối cao của các tôn giáo chân chính đưa đường chỉ lối con người đi ta vào lối hoang dã, bạo tàn, độc ác cả. Bởi bản chất của tôn giáo chân chính là đưa con người vào chính đạo, thiện đạo. Các tôn giáo lớn trên thế giới, tồn tại qua hàng ngàn năm và được hàng triệu người tin theo đều dựa vào nền tảng giáo lý tốt đẹp của mình. Cũng vì vậy mà nó tạo ra được những giá trị phổ quát, các chuẩn mực đạo đức quan trọng để dẫn dắt con người hướng thiện, tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn, chống lại những tư tưởng tà đạo, tàn độc và hủy hoại nhân cách con người.

Đại đức Thích Định Tuệ - trụ trì chùa Đức Hậu trao quà cho bà con tại huyện Anh Sơn. Ảnh: Đức Anh

Đại đức Thích Định Tuệ - trụ trì chùa Đức Hậu trao quà cho bà con tại huyện Anh Sơn. Ảnh: Đức Anh

Một tôn giáo chân chính, cần có 3 yếu tố cơ bản để đảm bảo nó luôn đưa con người đến với các giá trị tốt đẹp nhất là Chân-Thiện-Mỹ. Trước hết, đó là hệ thống giáo lý chân chính. Như đã nói ở trên, giáo lý của hầu hết các tôn giáo lớn, vốn đã có sức sống mạnh mẽ qua nhiều thời đại đương nhiên có những giá trị chân chính đã được khẳng định. Các giá trị tôn giáo theo đuổi cũng không đi ngược lại các giá trị phổ quát của nhân loại trong quá trình phát triển, mặt khác chính các tôn giáo còn góp phần tạo nên các giá trị phổ quát, tiến bộ của nhân loại. Dù các quan niệm và thuật ngữ của các tôn giáo có khác nhau thì chung quy lại vẫn gặp nhau ở một điểm là hướng con người sống thật lương thiện để có được hạnh phúc, được đến đích là một thế giới tốt đẹp đáp ứng được các nhu cầu mong muốn của con người (Thiên đường, Niết bàn,...).

Phật tử hoan hỷ trong ngày lễ chứng minh cung nghinh và an vị Phật.

Thứ hai là những người thực hiện chức năng quản lý và thực hành tôn giáo có hiểu biết sâu rộng và tuân thủ nghiêm túc giáo lý, sống vì những lý tưởng mà tôn giáo theo đuổi và hướng dẫn cho những người theo tôn giáo đó hướng đến các giá trị nhân văn tốt đẹp.

Trong Thiên Chúa giáo, để trở thành một linh mục, người ta phải học hành vất vả, trải qua nhiều năm tôi luyện, đọc nhiều sách vở, nắm nhiều tri thức và đương nhiên, người được lựa chọn còn phải có niềm tin mãnh liệt vào Đức Chúa, vào giáo lý và sống lương thiện được những người giáo dân quanh họ trân trọng, yêu thương.

Quy trình đào tạo một linh mục của họ rất nghiêm ngặt và dài lâu, nó góp phần đảm bảo trình độ, năng lực cũng như niềm tin và cách ứng xử của các linh mục là rất phù hợp với giáo lý, giáo dân.

Linh mục Chu Đình Trường, Quản xứ Bàn Thạch thực hiện nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ giáo xứ Bàn Thạch. Ảnh: tư liệu Hồng Ân

Trong Phật giáo trước đây, để thành một nhà sư có uy tín cũng phải xuất gia nhiều năm, tích đức làm thiện, nghiền ngẫm Kinh Phật, trải qua nhiều thử thách mới có thể tạo dựng uy tín và được đồng đạo cũng như các phật tử kính trọng. Các nhà sư tài giỏi có thể đi thuyết pháp cho đông đảo tín đồ nghe theo là những người uyên bác và bản thân họ cũng phải sống thanh sạch để giữ giáo quy.

Các tăng ni, phật tử chùa Đức Hậu đã đón 150 tăng ni sinh đến từ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

Yếu tố thứ ba, cũng rất quan trọng, đó chính là niềm tin lành mạnh của các giáo dân, tín đồ và phật tử. Những người khi đã lựa chọn cho mình một tôn giáo thì đương nhiên có niềm tin vào giáo lý, tin vào hệ thống tổ chức của tôn giáo đó. Nhưng một tín đồ chân chính của một tôn giáo chân chính cũng phải có niềm tin lành mạnh, chân chính của mình.

Niềm tin lành mạnh là tin vào điều tốt đẹp của giáo lý, và niềm tin đó hướng mình đi vào con đường chính đạo, điều chỉnh các hành vi một cách hợp lý, sống gần gũi, hòa nhập và tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Nói cách khác, đó là niềm tin tôn giáo hài hòa với cuộc sống xã hội và tạo ra nhiều giá trị tích cực, góp phần làm cho cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội thêm phần tốt đẹp hơn. Ngược lại, nếu niềm tin vượt quá mức độ bình thường (mê tín) sẽ tạo ra những hành vi cực đoan, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống xã hội, thì đó là đi ngược với giáo lý, với tôn giáo mà họ theo đuổi. Và tôn giáo nào khuyến khích tín đồ của mình những việc đó không phải là một tôn giáo chân chính, đó là tà giáo, dị giáo. Bên cạnh các yếu tố cơ bản đó, thì môi trường chính trị xã hội cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tôn giáo. Nhưng đó là những điều kiện mang tính chất khách quan mà mọi tôn giáo đều phải chấp nhận...

Tại Lễ cầu quốc thái dân an tại Chùa Đức Hậu thu hút hàng vạn phật tử và nhân dân trong và ngoài địa phương tham gia. Ảnh: Đức Anh

Hiện nay, chúng ta đang đối diện với nhiều vấn đề bất cập về đời sống tôn giáo nói riêng và đời sống tâm linh nói chung. Cuộc sống xã hội cần tôn giáo nhưng là tôn giáo chân chính để hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp.

Để tôn giáo phát huy được các giá trị tốt đẹp vào đời sống xã hội, bên cạnh quản lý tốt các hoạt động tôn giáo trên cơ sở pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân thì cũng cần nâng cao nhận thức của người dân về tôn giáo. Phải đấu tranh, hạn chế các hoạt động lợi dụng tôn giáo để trục lợi, gây mất đoàn kết của những kẻ cơ hội, đồng thời cũng khuyến khích người dân đến với tôn giáo bằng niềm tin lành mạnh. Chỉ có như vậy con người mới xây dựng được niềm tin tôn giáo tốt đẹp và tôn giáo cũng góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Thiên Trang

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/ton-giao-chan-chinh-duc-tin-lanh-manh-237425.html