Tomahawk trở nên vô dụng sau khi bị Nga mổ

Nga không hề giấu giếm mục đích khi phẫu thuật Tomahawk. Và nếu Moscow đạt được mục đích, nguy cơ 'sứ giả chiến tranh' thành vô dụng có thể sẽ xảy ra.

Trang Rianfan.ru dẫn tuyên bố của quan chức quốc phòng cấp cao của Nga cho biết, việc Nga nghiên cứu tên lửa Tomahawk không phải là vô bổ như phương Tây công bố mà trái lại, công việc này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Nga và đe dọa lớn với Mỹ.

Vị quan chức này khẳng định, đặc điểm cấu trúc của tên lửa Tomahawk không khiến các kỹ sư Nga phải quan tâm, tuy nhiên những thuật toán hoạt động của loại vũ khí này mới có ích cho họ. Rianfan.ru dẫn phân tích của vị quan chức này cho biết: "Việc đo độ cao, các kênh liên lạc vệ tinh, GPS L2 – là phân khúc quân sự của hệ thống định vị. Hơn nữa, cả hệ thống tương quan về độ cao địa hình nữa, nhìn chung đó là những đặc tính rất đáng quan tâm.

Một mặt, điều này cho phép so sánh với các tên lửa của chúng tôi hiện có, còn mặt khác thì những thông số này có thể được ứng dụng cho các phương tiện chống lại chúng, để chúng không thể bay được tới những nơi đã định".

Ngoài ra, vị quan chức này cũng nhấn mạnh với các nhà báo rằng, các hệ thống tác chiến điện tử của Nga có khả năng tác động lên hướng bay của tên lửa đối phương. Từ quả Tomahawk nhận được có thể cho phép hoàn thiện hoạt động của các hệ thống đó.

Mục đích của Nga đã khá rõ, nhưng theo nhận định của truyền thông phương Tây, nếu chỉ để hoàn thiện khả năng đánh chặn, Nga sẽ không cần phải nghiên cứu trực tiếp trên tên lửa Tomahawk bởi lưới lửa phòng thủ của Nga hiện nay khá mạnh có thể đối phó với mục tiêu ở độ cao từ 5 mét cho tới vệ tinh.

Theo phân tích của chuyên gia Lori Esposito Murray trên tờ Jpost, rất có thể công nghệ khiến Moscow khao khát là tính năng 2 trong 1 của bản Tomahawk Block IV Mỹ dùng trong cuộc tấn công Syria vừa qua.

Theo vị chuyên gia này, đây là tính năng chưa từng có trên bất cứ dòng tên lửa hành trình nào trên thế giới và chúng mới được Hải quân Mỹ đưa vào trang bị thí điểm. Chuyên gia Lori Esposito Murray cho rằng, công nghệ độc quyền chính là Tomahawk kiêm luôn vai trò diệt hạm bên cạnh chức năng tấn công trên bộ.

Để có được tính năng kép, tên lửa Tomahawk được trang bị bộ xử lý đa năng module thế hệ mới với anten thụ động, cho phép bảo đảm dẫn và bám các mục tiêu bức xạ di động. Đầu tự dẫn thụ động và bộ xử lý cho phép nhận các tín hiệu từ các mục tiêu trong tình huống điện từ phức tạp.

Theo ông Chris Sprinkle – quản lý chương trình phát triển Tomahawk của Raytheon, lợi thế của hệ thống thông tin loại này cho phép tăng cường khả năng theo dõi và tiêu diệt mục tiêu di chuyển cả trên mặt đất và trên mặt nước.

Tomahawk Block IV không chỉ có khả năng thay đổi mục tiêu sau khi bắn đi mà còn có khả năng gửi các hình ảnh thời gian thực về mục tiêu nhằm đánh giá hiệu quả sau trận chiến. Ngoài ra Tomahawk Block IV còn có khả năng nhận các thông tin về mục tiêu từ hệ thống máy bay không người lái.

Không chỉ có vậy, Tomahawk còn có bộ chống nhiễu GPS để có thể hoạt động trong môi trường GPS bị gây nhiễu, không thể hoạt động hiệu quả. Chuyên gia Lori Esposito Murray cho rằng, với những công nghệ mẫu mực của phiên bản Tomahawk Block IV, Nga hoàn toàn có lý do để nghiên cứu khi có trong tay loại vũ khí tầm xa này của Mỹ. (Mỹ Đức)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/tomahawk-tro-nen-vo-dung-sau-khi-bi-nga-mo-3357110/