Tôm thẻ ở ĐBSCL giảm giá mạnh, nông dân khóc ròng

Liên tục những ngày qua, giá tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh ĐBSCL giảm mạnh khiến hàng loạt hộ nuôi lo lắng.

Giá tôm thẻ ở ĐBSCL giảm mạnh, nhiều hộ chịu lỗ

Giá tôm thẻ ở ĐBSCL giảm mạnh, nhiều hộ chịu lỗ

Chiều 16-5, thương lái ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh… thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000- 75.000 đồng/kg, giảm từ 20.000- 30.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó tôm thẻ loại 60 con/kg, giá cũng rất thấp chỉ 100.000 đồng/kg… Với mức giá này người nuôi gần như không có lãi, thậm chí lỗ vốn đầu tư.

Ông Võ Văn Nhựt, ngụ xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) than thở: “Ao tôm thẻ của gia đình tôi đợt này nuôi hơn 3 tháng vừa thu hoạch, bán cho thương lái chỉ 70.000 đồng/kg, tính ra lỗ hơn 10 triệu đồng. Nguyên nhân do tôm chậm lớn, khiến chi phí giá thành cao, trong khi giá bán giảm mạnh…”.

Theo UBND xã Ngọc Tố, toàn xã có hơn 2.100ha tôm, trong đó người dân thả nuôi khoảng 90% diện tích là tôm thẻ; vì vậy khi tôm thẻ giảm giá thê thảm như hiện nay khiến hàng loạt hộ nuôi khóc ròng…

Tại Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre… nhiều hộ nuôi tôm thẻ đứng ngồi không yên vì giá quá thấp. Ông Lê Văn Kỳ, ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại (Bến Tre) rầu lo: “Cùng với rớt giá thì tôm thẻ đang đối mặt với dịch bệnh bởi thời tiết thay đổi khi xuất hiện mưa nhiều trong những ngày qua. Ao tôm thẻ của gia đình tôi nuôi được gần 1 tháng tuổi, đột ngột bị bệnh chỉ vài ngày là chết toàn bộ hơn 150.000 con giống, lỗ trắng khoảng 50 triệu đồng”.

Các nhà chuyên môn cảnh báo, cách nay khoảng 5 năm phong trào nuôi tôm thẻ bùng nổ ở các tỉnh ĐBSCL, hàng loạt hộ đã chuyển từ tôm sú sang nuôi tôm thẻ; rồi có nơi đốn bỏ ruộng mía, rau màu để đào ao nuôi tôm thẻ; thậm chí ở Đồng Tháp và An Giang là vùng nước ngọt nhưng nông dân cũng bỏ lúa, đào ao, khoan giếng, để nuôi tôm thẻ… nhằm chạy theo lợi nhuận, hy vọng làm giàu. Do thời gian qua tôm thẻ phát triển “quá nóng”, cộng với hiện nay một số nước giảm giá bán tôm thẻ, thương lái Trung Quốc giảm thu mua tôm thẻ qua đường tiểu ngạch… từ đó kéo giá tôm thẻ xuống thấp.

Cánh đồng tôm thẻ bạt ngàn ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Do phát triển diện tích tôm thẻ "quá nóng" kéo theo nhiều rủi ro

Chiều 16-5, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) nhìn nhận, hiện tại nông dân đã bắt đầu giảm diện tích nuôi tôm thẻ từ 90% trước đây xuống còn khoảng 70% để chuyển sang nuôi tôm sú; bởi tôm sú vẫn đang giữ giá tốt, loại 30 con/kg giá hơn 200.000 đồng/kg, đảm bảo có lãi khá…

Theo ông Sử Văn Thinh, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), con tôm là thế mạnh kinh tế của địa phương, nhưng để phát triển bền vững thì huyện khuyến cáo nông dân áp dụng đa dạng, linh động giữa nuôi tôm thẻ, tôm sú và tôm càng xanh một cách phù hợp theo nhu cầu thị trường; giảm dần phụ thuộc nhiều vào tôm thẻ để tránh tình trạng bị rớt giá như hiện nay…

NGỌC DÂN- VĂN DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tom-the-o-dbscl-giam-gia-manh-nong-dan-khoc-rong-520338.html