Tôm sạch dưới tán rừng mang lại lợi nhuận cao

Với diện tích 80.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng, 50.000 ha phát triển tôm – lúa, tỉnh Cà Mau đã tạo một nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi tôm, giữ rừng, sản xuất lúa sạch,… phát triển kinh tế đa dạng.

Đồng thời, con tôm nuôi dưới tán rừng cho chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn của người tiêu dùng "khó tính" ở thị trường Mỹ, châu Âu, Australia,… Chính vì vậy, từ nay đến năm 2025, tỉnh Cà Mau quyết tâm để đạt được tiêu chuẩn quốc tế cho diện tích tôm sạch này.

Đa lợi nhuận

Cà Mau với 3 mặt giáp biển, vì vậy đây là địa phương đối diện với các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn rất lớn. Tuy nhiên, cũng chính vì 3 mặt giáp biển, Cà Mau có lợi thế về diện tích rừng ngập mặn lớn nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 100.000 ha. Đây là nơi vừa giúp cho tỉnh Cà Mau có hệ thống rừng phòng hộ lớn, vừa sản xuất phát triển kinh tế rừng. Đồng thời, với diện tích 50.000 ha sản xuất lúa xen kẽ một vụ nuôi tôm, người dân Cà Mau vừa cung ứng nguồn nguyên liệu lúa gạo sạch, vừa tạo ra con tôm sạch cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, lại có thể bảo vệ hệ sinh thái sản xuất an toàn, bền vững.

Nuôi tôm dưới tán rừng không chỉ giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, mà còn góp phần đáng kể trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, một trong những chủ trương được tỉnh Cà Mau ưu tiên thực hiện thời gian qua.

Theo chị Phạm Ngọc Ánh, trú tại ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, trước đây gia đình chị chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc nuôi tôm dưới tán rừng, ít chú trọng việc trồng và bảo vệ rừng nên tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh chết. Từ khi thực hiện mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng, tôm nuôi cho thu hoạch cao.

Để nuôi tôm dưới tán rừng hiệu quả, việc cải tạo rừng phải tuân thủ đúng quy trình và lịch thời vụ. Ðồng thời, người nuôi cần chặt tỉa dọn dẹp vệ sinh, giảm bớt độ che phủ để có ánh nắng tạo ô-xy cho tôm phát triển. Trong quá trình nuôi nên thường xuyên kiểm tra sự phát triển của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời. Ðồng thời theo dõi độ pH, độ mặn trong vuông tôm để có cách xử lý phù hợp cho tôm phát triển nhanh. Tôm nuôi dưới tán rừng không chỉ ít bị ảnh hưởng dịch bệnh, mà còn rất ổn định và cho thu nhập cao, nhất là trước tình hình biến đổi khí hậu. Nhiều năm liền con tôm dưới tán rừng mang lại lợi nhuận cho gia đình chị gần 200 triệu đồng/năm.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, trước đây nhiều hộ dân giữ rừng đã chặt rừng để nuôi thuần con tôm, nhưng từ khi nhận thấy lợi ích của rừng ngập mặn trong việc nuôi tôm kết hợp phát triển rừng, nhiều hộ đã tự trồng rừng để có không gian cho con tôm sinh thái sinh sống. Cũng từ nhận thức phát triển kinh tế kết hợp dưới tán rừng này, diện tích rừng ngập mặn của tỉnh Cà Mau đã dần phát triển. Vì vậy, con tôm sạch không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn là chất xúc tác để người dân phát triển rừng ngập mặn, tạo hệ sinh thái rừng đa dạng như tăng lượng ba khía, các loài cá,… và khai thác gỗ.

Quy hoạch kép để phát triển

Theo ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, trong 2 năm qua, trung tâm đã làm việc với 65 nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Qua sự tìm hiểu, các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến lĩnh vực năng lượng, du lịch, và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Là một trong 2 lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp trở thành chiến lược phát triển kép đối với tỉnh Cà Mau; trong đó, con tôm sạch cũng được đà phát triển theo chiến lược này.

Ông Bùi Thanh Phương, Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển chia sẻ, xu thế sống xanh, tìm về với thiên nhiên đang tạo ra nhiều dư địa để các địa phương có rừng ngập mặn, vừa nuôi tôm sinh thái ở Cà Mau có cơ hội phát triển du lịch sinh thái, dựa vào loại tài nguyên đặc biệt này.

Đất Mũi có lợi thế là nằm trong Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước ta, nơi tiếp giáp với biển Đông và biển Tây. Nơi đây có những di tích lịch sử mang tính biểu tượng, mũi thuyền hướng ra biển, mốc tọa độ quốc gia, cột cờ Hà Nội, đền thờ Lạc Long Quân. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc biệt là những điều kiện thuận lợi để Đất Mũi có thể phát triển du lịch sinh thái.

Tận dụng tiềm năng sẵn có, những người dân tại đây đang tập trung vào phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái rừng. Người dân Đất Mũi đã ý thức hơn tới việc giữ gìn và khai thác rừng ngập mặn một cách hiệu quả nhất. Hiện, địa phương đang mở các tuyến tham quan xuyên rừng để du khách có cơ hội trải nghiệm, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Cùng với chiến lược phát triển du lịch này, những người dân nơi rừng ngập mặn Cà Mau cũng đã phát huy lợi thế cho con tôm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế kép này. Theo anh Đặng Khánh Lâm, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, hiện tại, gia đình anh Lâm có 15 ha rừng nuôi tôm, cua và cá theo hình thức gối vụ. Mỗi tháng anh thu hoạch 2 lần. Anh ước chừng, nếu con nước thuận lợi, mỗi năm, gia đình anh thu được khoảng 500 - 600 triệu đồng từ nghề nuôi trồng thủy sản.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm, cua, cá trong rừng ngập mặn, anh Lâm cho biết, gia đình anh thả tôm xuống vùng khoanh nuôi trong rừng ngập mặn, tôm tự tìm kiếm thức ăn từ tự nhiên. Sau khoảng 4 tháng thả con giống, cả nhà sẽ tiến hành thu hoạch. Nhờ rừng ngập mặn, tôm sinh trưởng rất tốt, loại to chỉ khoảng 18 con là được 1kg. Trong quá trình nuôi, anh giữ nguồn nước rừng sạch, tránh tình trạng ô nhiễm, giữ tán rừng theo tỷ lệ an toàn cho con tôm, không bị sốc nhiệt giai đoạn mùa khô, con tôm sẽ luôn khỏe mạnh. Hơn nữa, nuôi tôm dưới tán rừng không mất chi phí thức ăn, vì tôm sử dụng các sinh vật trong tự nhiên để lớn lên. Đây là lợi thế lớn của người nuôi thủy sản hiện nay.

Hồng Nhung - Kim Há - Minh Hưng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tom-sach-duoi-tan-rung-mang-lai-loi-nhuan-cao-20210515154756284.htm