Tôm hùm đất nguy hại hơn ốc bươu vàng nhiều lần

Chuyên gia sinh vật học cho biết tôm hùm đất đã từng được nuôi thử nghiệm tại Việt Nam và nhận thấy loại này còn nguy hại với nông nghiệp và môi sinh hơn ốc bươu vàng nhiều lần nên các nhà khoa học đề nghị loại khỏi danh sách được phép nuôi trồng.

Nếu tôm hùm đất xuất hiện, các loài tôm, cá đặc trưng của Việt Nam có thể biến mất

Đánh giá về mức độ nguy hại của tôm hùm đất, trao đổi với PV PNVN, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, cho biết tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai có mức độ gây hại cho nông nghiệp và môi trường sinh thái ở diện rộng.

GS Đặng Huy Huỳnh: "Tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, do nhận thấy mức độ nguy hại của nó đối với môi sinh và sản xuất nông nghiệp nên các nhà khoa học đã đề nghị loại bỏ ra khỏi danh sách loài thủy sản được phép nuôi trồng và cơ quan chức năng cũng đã cấm nuôi loài tôm này". Ảnh: V.S.

GS Đặng Huy Huỳnh: "Tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, do nhận thấy mức độ nguy hại của nó đối với môi sinh và sản xuất nông nghiệp nên các nhà khoa học đã đề nghị loại bỏ ra khỏi danh sách loài thủy sản được phép nuôi trồng và cơ quan chức năng cũng đã cấm nuôi loài tôm này". Ảnh: V.S.

“Tôm hùm đất thích sống bò dưới đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200 cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này khá đa dạng, gồm có mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến. Cũng chính vì ăn tạp mà chúng sẽ ăn tất cả thủy sinh, cạnh tranh nguồn thức ăn với sinh vật bản địa. Những loài tôm, cá đặc trưng của Việt Nam có thể biến mất khi tôm hùm đất xâm lấn”, GS Đặng Huy Huỳnh nói.

GS Đặng Huy Huỳnh cho biết, loài tôm này từng được nuôi thử nghiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, do nhận thấy mức độ nguy hại của nó đối với môi sinh và sản xuất nông nghiệp nên các nhà khoa học đã đề nghị loại bỏ ra khỏi danh sách loài thủy sản được phép nuôi trồng và cơ quan chức năng cũng đã cấm nuôi loài tôm này.

Cụ thể về loài tôm này, theo GS Đặng Huy Huỳnh, chúng là loài động vật giáp xác nước ngọt, nó giống như con tôm hùm càng nhỏ và có nhiều loại khác nhau.

Hình ảnh tôm hùm đất sống ngoài tự nhiên.

“Về phân loại học, nó là thành viên của siêu họ Astacoidea và Parastacoidea. Chúng có xuất xứ từ Bắc Mỹ và có tới 500 loài khác nhau. Có loài nhỏ thì con lớn nhất chỉ bằng ngón tay nhưng cũng có loài dài gần 1 mét, nặng hàng kilogam. Vì có nhiều giống loài nên chúng cũng có nhiều tên gọi khác nhau và tên chung của loài này là crayfish. Ở Việt Nam, tôm hùm đất hay còn gọi là tôm càng đỏ, có tên khoa học là Cherax quadricarinatus”, GS Đặng Huy Huỳnh cho biết thêm.

Cũng liên quan đến tôm hùm đất, trao đổi với PV phunuvietnam.vn, TS Vũ Thế Long, chuyên gia về cổ sinh vật học, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Con người và Môi trường (Viện Khảo cổ) cảnh báo, đây là loài sinh vật ngoại lai có tác hại đối với nông nghiệp Việt Nam.

Cần nhìn vào bài học đắt giá từ ốc bươu vàng

TS Vũ Thế Long nhận xét: “Tôm hùm đất là giống ăn tạp, thêm vào đó lại là loài ưa đào hang sâu. Do đó mà các nhà khoa học lo ngại nếu du nhập vào Việt Nam chúng sẽ chiếm phần thức ăn của tôm bản địa, ăn các loài thủy sinh khác, phá thế cân bằng môi sinh. Thêm vào đó, do tập tính đào hang sâu, nên sẽ gây hại cho đồng ruộng. Đặc biệt, việc chúng chuyên đào hang bên dưới lớp bùn, cát và sỏi thì những chiếc hang của chúng có thể làm thay đổi tính kiên cố của bờ sông, dòng nước chảy qua và lượng trầm tích trong nước. Ngoài ra, tôm hùm đất cũng là loài thủy sinh mang nhiều mầm bệnh nếu không được kiểm soát tốt”, TS Vũ Thế Long nói.

Tôm hùm đất sau khi chế biến và được bán trong các nhà hàng, quán ăn. Theo đánh giá của các chuyên gia, thịt tôm hùm đất không ngon như các loài tôm khác, do đó không được các thị trường như Mỹ, Châu Âu ưa chuộng.

“Tôi cho rằng, đối với môi sinh và ngành nông nghiệp, mức độ nguy hại của tôm hùm đất gấp nhiều lần ốc bươu vàng. Chúng ta đã thấy bài học đắt giá trước kia khi cho nhập và nuôi ốc bươu vàng ra sao rồi, nên việc cấm nhập khẩu, nuôi loài tôm này là cần thiết”, TS Long nhấn mạnh.

Cũng theo TS Vũ Thế Long, xét ở góc độ giá trị kinh tế hay thực phẩm, tôm hùm đất có giá trị thấp. “Cách đây mấy chục năm, khi còn công tác ở Đức, tôi đã được ăn loài tôm này. Cảm nhận là nó không ngon như các loài tôm khác và giá thành cũng rẻ hơn. Ở các nước phương Tây họ vẫn bán, nhưng giá thành thấp và cũng không được ưa chuộng”, TS Long cho biết thêm.

Trước đó, như Báo PNVN đã đưa tin, rong thời gian qua, tôm hùm đất nhập từ Trung Quốc, Mỹ đang được bán nhiều tại Việt Nam, giá bán lẻ 250.000-400.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Trước thông tin tôm hùm đất Trung Quốc ồ ạt tràn sang, Bộ NN&PTNT đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát loài này, vì đây là sinh vật ngoại lai xâm hại, không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm. Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt tôm hùm đất theo quy định về đa dạng sinh học. Song song đó, Bộ cũng yêu cầu cần tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm này với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát tán ra môi trường tự nhiên.

Vĩnh Sưởng

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tom-hum-dat-nguy-hai-hon-oc-buou-vang-nhieu-lan-post59617.html