Tôm, cá Việt rộng đường sang Mỹ

Động thái giảm mức thuế chống phá giá của Mỹ thực sự mang lại nhiều niềm vui cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Tin vui liên tiếp đến với ngành thủy sản Việt Nam (VN) trong tháng 9 khi lần lượt con tôm xuất khẩu sang Mỹ được giảm mức thuế chống bán phá giá tới năm lần. Sau đó, đến lượt cá tra cũng được giảm mức thuế chống bán phá giá khá nhiều so với trước đây.

Cơ hội mở rộng thị trường

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) đối với sản phẩm cá tra và cá ba sa của VN xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg. Thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát POR13.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (Godaco), cho biết trước đó, trong kết luận cuối cùng của POR13, Godaco là bị đơn duy nhất bắt buộc có mức thuế 3,87 USD/kg, các doanh nghiệp (DN) còn lại cũng bị áp dụng mức thuế này. Đây là mức thuế suất cao nhất kể từ trước tới nay đối với ngành xuất khẩu cá tra.

“Động thái giảm mức thuế trong đợt rà soát mới này của DOC thực sự mang lại nhiều niềm vui cho DN chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam và chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Chứ nếu giá sản phẩm cá tra xuất khẩu chỉ hơn 3 USD/kg như hiện nay mà chịu mức thuế kiểu “trừng phạt” 3,87 USD/kg như POR13 thì hết đường xuất sang nước này” - ông Đạo chia sẻ.

Hiện thị trường Mỹ tiêu thụ cá tra, ba sa rất lớn vì dễ chế biến, dinh dưỡng cao, giá rẻ hơn các loại cá khác. Ông Đạo tiết lộ DN vẫn đang xuất khẩu sản phẩm cá tra cắt khúc. Hợp đồng đối tác nhập khẩu rất nhiều nhưng DN không dám ký vì thuế chống bán phá giá cao, lợi nhuận ít. Thứ nữa là do nguồn cung cá tra trong nước không đủ so với nhu cầu rất lớn của thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nếu mức thuế giảm mạnh thì DN sẽ có kế hoạch chế biến cá tra phi lê, tăng sản lượng để mở rộng khai thác thị trường này.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới. Ảnh: Q.HUY

Con tôm cũng vui lây khi mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) giảm mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam hơn năm lần so với kết quả sơ bộ hồi tháng 3-2018. Đây có thể coi là một tin vui của ngành tôm trong suốt 13 năm bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) được chọn là bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt xem xét hành chính lần này, áp dụng cho 40 DN bị đơn còn lại là những DN đang xuất khẩu tôm vào Mỹ. Mức thuế cuối cùng 4,58% đã thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà Mỹ thông báo tháng 3-2018.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho hay khi phái đoàn Mỹ sang kiểm tra, DN cung cấp đầy đủ, trung thực tất cả thông tin yêu cầu nên mới có kết quả tích cực như trên. Đây là thắng lợi bước đầu, giờ các DN có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ.

Chung lưng đấu cật

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng đó là kết quả của quá trình hợp sức, hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN trong ngành đấu tranh với phía Mỹ. Bên cạnh đó, VASEP cũng đã bỏ ra một số tiền tương đối lớn thuê luật sư nước ngoài đồng hành cùng DN, điều này cho thấy chúng ta đã chuẩn bị vô cùng bài bản cho cuộc đấu tranh này.

Nhiều ý kiến cho rằng chính sự chuẩn bị bài bản của khối DN xuất khẩu thủy sản là một trường hợp đáng để các DN ngành khác học hỏi để tự bảo vệ quyền lợi của mình trong bối cảnh các nước nhập khẩu ngày càng gia tăng các động thái bảo hộ. Đồng thời, việc các DN phải trang bị các chiến lược đấu tranh trong các vụ kiện chống bán phá giá là vô cùng cần thiết, bởi số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cho thấy số lượng các vụ kiện chống bán phá giá đối với VN đã lên tới 78 vụ và xu hướng ngày càng tăng.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết do tác động của thuế chống bán phá giá cao nên xuất khẩu tôm VN sang thị trường Mỹ liên tục sụt giảm kể từ năm 2017 đến nay. “Muốn có sức chiến đấu với cuộc chiến về thuế chống bán phá giá về phòng vệ thương mại thì cộng đồng DN xuất khẩu thủy sản phải đồng tâm, chung lưng đấu cật mới có kết quả khả quan. Không chỉ đấu tranh về quy định mà đấu tranh về chất lượng, sản phẩm thủy sản VN phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu, sản xuất chế biến sản phẩm đảm bảo chất lượng” - ông Lĩnh nói.

Luật sư Ngô Quang Thụy cũng cho rằng VN cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ việc nhập khẩu cá tra VN vào Mỹ. Nhất là tranh thủ sự phản đối chương trình kiểm soát cá da trơn (mỗi năm tiêu tốn khoảng 14 triệu USD) của không ít người dân Mỹ và nhiều cơ quan, tổ chức ở nước này.

Thái Lan, Trung Quốc cũng xuất khẩu cá tra vào Mỹ

Theo VASEP, Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất với Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ đăng bản dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận ba nước: VN, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes (bộ cá da trơn) vào thị trường Mỹ.

Cả ba quốc gia trên đã gửi đầy đủ tài liệu cho FSIS nhằm đánh giá và công nhận quá trình kiểm soát hệ thống chất lượng tương đương và đủ điều kiện xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ. Nếu dự thảo đề xuất này là quyết định cuối cùng của Mỹ thì VN, Trung Quốc và Thái Lan sẽ đủ điều kiện xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ.

QUANG HUY

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/quan-ly/tom-ca-viet-rong-duong-sang-my-792863.html