'Tối ưu hóa' tiềm năng bằng khoa học và công nghệ

Có vị trí chiến lược quan trọng, tiềm năng to lớn và đa dạng, nhưng Tây Bắc vẫn là vùng khó khăn về nhiều mặt. Nguyên nhân của thực trạng trên là do các nguồn lực phát triển bền vững của vùng Tây Bắc chưa thực sự được khơi dậy và phát huy đúng mức, có hiệu quả, trong đó có nguồn lực khoa học và công nghệ. Trong 7 năm qua, Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc đã góp phần tối ưu hóa tiềm năng của vùng bằng khoa học và công nghệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn của khu vực này.

Dây chuyền chế biến trà và bột dinh dưỡng từ cây chùm ngây và quả táo mèo ứng dụng công nghệ sấy hồng ngoại. Đây là một trong những mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ từ Chương trình Tây Bắc. Ảnh: Văn phòng Chương trình Tây Bắc

Dây chuyền chế biến trà và bột dinh dưỡng từ cây chùm ngây và quả táo mèo ứng dụng công nghệ sấy hồng ngoại. Đây là một trong những mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ từ Chương trình Tây Bắc. Ảnh: Văn phòng Chương trình Tây Bắc

Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Khoa học và Công nghệ giao Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2013-2018. Chương trình có 4 mục tiêu cơ bản: Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc. Xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông và thông tin; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc. Xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc chia sẻ: Sau 7 năm thực hiện, có 58 nhiệm vụ đã được phê duyệt và triển khai, trong đó có 55 đề tài và 3 dự án sản xuất thử nghiệm với tổng kinh phí thực hiện là hơn 311 tỷ đồng. Toàn bộ 58 đề tài, dự án triển khai trong chương trình đã được tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu được điều tra và khảo sát thực tiễn với các phương pháp, cơ sở vật chất và cách tiếp cận phong phú, đa dạng và hiện đại, phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ. Cùng với đó, có 21 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ, 11 sản phẩm được công nhận độc quyền sáng chế, 5 sản phẩm được thương mại hóa. Hơn 20.000 đơn vị sản phẩm thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng được sản xuất thử nghiệm theo quy chuẩn; 42 mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn phục vụ sinh kế, mô hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng thời, 64 báo cáo kiến nghị về các chính sách phát triển ở tầm vĩ mô của vùng; kiến nghị giải pháp cho từng địa phương cụ thể trên tất cả các lĩnh vực thể chế, văn hóa, xã hội, kinh tế, tài nguyên môi trường, an ninh, quốc phòng...; 22 hệ thống bản đồ trong các lĩnh vực quy hoạch phát triển bền vững, không gian văn hóa lịch sử, dân tộc, định hướng phát triển sinh kế bền vững, du lịch sinh thái gắn với di sản tự nhiên...; 39 sổ tay, cẩm nang hướng dẫn các quy trình sản xuất và thực thi giải pháp, kỹ năng hoạt động; các bộ công cụ, bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực phát triển; bộ cơ sở dữ liệu liên ngành 14 lĩnh vực hoạt động vùng Tây Bắc...

Với vai trò thụ hưởng các kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương cho rằng, chương trình đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân địa phương về vai trò của khoa học-công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng nông thôn mới, chương trình cũng nghiên cứu, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, môi trường, hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội, dân cư, tộc người..., tạo tiền đề để tỉnh có giải pháp hỗ trợ quản lý, ban hành các chính sách phù hợp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết Chương trình Tây Bắc giai đoạn 2013-2020 được tổ chức tháng 7 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học, công nghệ và văn hóa đã trở thành những nguồn lực trực tiếp và quan trọng bậc nhất của sự phát triển nhanh và bền vững của tất cả các quốc gia, dân tộc, vùng và địa phương. Tương tự như vậy, đối với nước ta, nhất là đối với vùng Tây Bắc, để tìm ra lời giải tối ưu, hài hòa cho các bài toán phát triển trước mắt và lâu dài; để phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới thì lựa chọn duy nhất là phát huy nguồn lực trí tuệ và nguồn lực con người, tức là dựa vào sức mạnh của khoa học, công nghệ và văn hóa.

“Tôi đánh giá cao các kết quả mà Chương trình Tây Bắc đã đạt được trong thời gian vừa qua. Các kết quả này phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc, các mô hình sinh kế, nuôi trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thời gian triển khai chương trình giai đoạn vừa qua còn ngắn, trong khi địa bàn triển khai lớn, nhiều khó khăn, phức tạp. Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài chính cần xem xét tiếp tục ưu tiên đầu tư kinh phí cho chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là cho các đề tài, dự án triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc và các cơ quan, doanh nghiệp vùng Tây Bắc” - đồng chí Nguyễn Văn Bình gợi mở.c

Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh thêm, trong quá trình tổ chức thực hiện, cần huy động đa dạng các nguồn lực, cả trong nước và quốc tế; cần phải xác định rõ cơ chế phối hợp để lồng ghép các đề tài, dự án của Chương trình Tây Bắc với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, đặc biệt từ nguồn lực hợp tác quốc tế.

“Khác với các chương trình điều tra cơ bản hay các chương trình nghiên cứu cơ bản, Chương trình Tây Bắc là một chương trình nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tổng hợp, liên ngành. Đến nay, 100% nhiệm vụ triển khai trong Chương trình Tây Bắc đã và đang được chuyển giao, bàn giao cho các ban, bộ, ngành và địa phương. 100% đề tài có kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học - công nghệ có uy tín của quốc gia hoặc quốc tế; 20% số đề tài có kết quả được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký quyền tác giả...” - Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc cho biết.

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/toi-uu-hoa-tiem-nang-bang-khoa-hoc-va-cong-nghe-post432645.html