Tối ưu hóa công nghệ và di động trong phát triển kinh doanh

Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng phát triển về thị trường di động - công nghệ nhất trong khu vực. Đây chính là cơ hội cũng như thử thách lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu không tối ưu hóa những tiên tiến về công nghệ và di động trong câu chuyện phát triển kinh doanh.

Bà Christy Lê, Giám đốc Quốc gia Facebook Việt Nam - cho biết: Có đến 90% người tiêu dùng mua sắm tại các cửa hàng thực tế, nhưng 60% trong số đó sẽ quyết định mua hàng khi đã nhìn thấy sản phẩm ở trên mạng. Hai nền tảng online - offline cần được phối hợp và kết nối với nhau để tiếp cận hiệu quả người tiêu dùng và thu hút việc mua hàng. Và cũng theo bà, data chính là công cụ hiệu quả nhất để kết nối hai nền tảng này và doanh nghiệp cần tạo nhu cầu mua sắm, chứ không đơn thuần chỉ giải quyết nhu cầu ấy của người tiêu dùng.

Trước xu thế này, rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ nhằm nắm bắt những hành vi, sở thích, mối quan tâm, nhu cầu... khác nhau của người tiêu dùng thông qua dữ liệu, từ đó có thể tiếp cận đúng đối tượng khách hàng vào đúng thời điểm và hoàn cảnh.

Đơn cử trường hợp thành công của Juno, theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, nhà sáng lập và CEO Juno thì nhu cầu khách hàng rất phức tạp. Có người thích mua sắm kênh hiện đại như online, nhưng có khách hàng lại thích kiểu truyền thống. Khách hàng giờ không thích nhắn tin mà muốn “chát” trực tuyến… Do đó doanh nghiệp phải duy trì kiểu bán hàng đa kênh, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.

Bán hàng đa kênh không còn xa lạ đối với các doanh nghiệp Việt

Bên cạnh data, blockchain được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong việc tiếp thị. Ông David Lang, Cố vấn blockchain Fortune 100- cho biết, Blockchain mang đến sự minh bạch và đáng tin cậy và tạo nên nhiều giá trị tích cực cho marketing. Người dùng có thể quản lí thông tin của mình tốt hơn, các nhãn hàng có thể tiếp cận đúng đối tượng người tiêu dùng hơn. Các báo cáo đo lường hiệu quả marketing sẽ chính xác hơn nhờ blockchain.

Theo các chuyên gia, ngoài ứng dụng công nghệ để marketing và bán hàng hiệu quả, các doanh nghiệp cũng cần ứng dụng công nghệ để phát triển doanh nghiệp. Bà Lê Thảo Trang - CMO Thế giới di động - chia sẻ, công ty đã phát triển một hệ thống nhằm cập nhật tình trạng tuyển dụng của các ứng viên. Hệ thống sẽ tự động gửi email hoặc tin nhắn thông báo về lịch phỏng vấn đến các ứng viên. “Việc này đã giảm thiểu đáng kể thời gian, công sức trong quá trình tuyển dụng, tạo nên hiệu quả đáng kể cho doanh nghiệp”, bà chia sẻ.

Cuối cùng - để có thể vận hành doanh nghiệp theo đúng chiến lược thì yếu tố nhân lực được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp. Ông Konstantin Matthies - Chuyên gia Kinh tế vi mô - Giám đốc gắn kết của AlphaBeta- nhận định: Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành một quốc gia công nghệ (digital nation) thành công dựa trên 4 yếu tố - tài chính, sản phẩm công nghệ, cộng đồng sử dụng công nghệ và nhân lực. Bởi 91% doanh nghiệp đánh giá nhân lực là đòn bẩy quan trọng để phát triển một quốc gia công nghệ, trên cả yếu tố đầu tư công nghệ và chính sách thuế. Tuy nhiên, nguồn lao động cần phải được rèn luyện nhiều kĩ năng để trở nên linh hoạt với sự thay đổi của thị trường, công nghệ.

Đồng quan điểm, ông Alan Couldrey - Giám đốc Ogilvy Việt Nam - bổ sung: Doanh nghiệp đang cần những nhân viên có tính thích ứng nhanh (agile) - linh hoạt thay đổi hơn cứng nhắc đi theo một kế hoạch. Theo ông, một doanh nghiệp muốn phát triển cần các bạn trẻ có nhiều kĩ năng, kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau, những góc nhìn khác nhau trên cùng một vấn đề. Các bạn sẽ giúp những nhà quản lí, doanh nghiệp trở nên hoàn thiện hơn.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/toi-uu-hoa-cong-nghe-va-di-dong-trong-phat-trien-kinh-doanh-109552.html