Tôi 'thắt' lâu rồi...

Hôm trước, hòa cùng khí thế chung của ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, tôi cũng lâng lâng tâm trạng suốt mấy ngày. Hôm đưa cô con gái đến lớp mẫu giáo dự lễ khai giảng, trong lòng tôi cũng xốn xang cứ như mình mới là học sinh lớp mầm vậy.

Tối hôm trước, để cho con "bằng bạn bằng bè", tôi phải phi sang tận bên phố Hàng Lược, mua cho con gái "rượu" cờ và hoa cầm tay với tổng chi phí lên tới 20 nghìn. Biết là hơi đắt một tí, nhưng không sao. Nghĩ đến gương mặt rạng rỡ của con khi phất cờ, vẫy hoa, là trong người thấy phấn chấn lắm, quên hết cả đắt rẻ.

Sáng hôm khai giảng, hai bố con dậy sớm hơn thường lệ, chuẩn bị chu đáo quần áo của con, của bố, không quên cầm theo cờ, hoa. Vừa vào đến cổng trường, thấy đông người, tự nhiên con gái lại hoảng và khóc đòi theo bố đi làm. Không còn cách nào khác, tôi đành đưa con nhờ cô giáo giữ hộ, rồi lẩn sang chỗ khác, để xem lát nữa con lên biểu diễn sân khấu cùng các bạn ở màn văn nghệ chào mừng thế nào. Đang lách khỏi đám đông thì thấy một bé trai bị ngã, mếu máo khóc. Tôi đỡ cháu dậy, phủi quần áo cho cháu. Vừa lúc đó, có một cô giáo thướt tha trong tà áo dài đi tới tươi cười: "Ôi, hôm nay mới gặp bố bạn Phụt. Hai bố con giống nhau quá, nhất là cái miệng".

Bị bất ngờ, tôi ú ớ, muốn giải thích cho cô hiểu là cô nhầm rồi, thì cô lại vén tà áo dài lên làm duyên, rồi liến thoắng: "Cháu thông minh, nhưng nghịch lắm anh ạ. Chắc giống bố đây. Mà tại sao anh chị không mua hoa và cờ cho cháu?". Đến lúc này thì tôi hơi bực. Đã bị nhầm làm bố của thằng cu không quen biết nhưng nghịch ngợm rồi, lại còn bị cô giáo trách nhẹ. Nhưng dù sao vẫn cố bình tĩnh, vì không khí đang vui tươi thế này, tôi không muốn có những căng thẳng diễn ra. Tôi ôn tồn: "Cô nhầm rồi. Tôi không phải bố cháu Phụt cháu Phòi gì cả. Tôi là bố của...".

Vẫn chưa để tôi nói hết câu, cô giáo có đôi mắt đen láy như hạt nhãn lồng Hưng Yên lại chen ngang: "Anh cứ trêu em. Nhìn hai bố con thế này, lẫn vào đâu được?". Nghe xong câu đó thì tôi không giữ được bình tĩnh nữa, ghé sát tai cô giáo nói nhỏ: "Tôi nói thật đó. Tôi thắt... ống lâu rồi. Làm ăn được gì nữa đâu mà Phập với Phụt". Thấy tôi chia sẻ chân tình, cô giáo "ớ" lên một tiếng rồi đỏ ửng mặt, lắp bắp chả nói lên lời. Vừa lúc đó thì mẹ cháu Phụt đến. Nhân cơ hội đó, tôi chuồn thẳng. Đi một quãng, vẫn nghe thấy tiếng thì thào của cô giáo: "Người thế kia mà lại đi... thắt nhỉ? Hoài của". Giọng mẹ cháu Phụt hòa theo, cũng đầy vẻ tiếc rẻ: "Chắc thắt thật. Nom béo tốt thế kia cơ mà?!?"...

CHIẾN VĂN (Kiến thức gia đình số 37)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/toi-that-lau-roi-post226399.html