'Tôi suýt rơi xuống vực khi tham gia marathon Đà Lạt mùa lũ'

Không ít vận động viên tỏ ra bức xúc với cách làm việc của ban tổ chức giải Dalat Ultra Trail sau sự cố khiến một người tử vong.

Câu chuyện một vận động viên gặp tai nạn tử vong đã khiến hình ảnh cuộc thi marathon Dalat Ultra Trail trở nên xấu xí trong mắt cộng đồng mạng và không ít người đam mê bộ môn này. Dưới góc nhìn của những người trực tiếp tham gia giải chạy, trải nghiệm một cuộc thi trong mùa lũ để lại cho họ ấn tượng khó xóa nhòa.

Một trong những lý do chính khiến ban tổ chức nhận nhiều chỉ trích là việc làm giải vào đúng mùa lũ. Tại các khu vực rừng núi ở Đà Lạt, mưa lũ có thể gây ra những tai nạn khó lường nếu không quen địa hình. Khi được hỏi, những thí sinh tham gia thừa nhận đã nắm được tình hình thời tiết nhưng không thể nghĩ mưa lại lớn đến thế.

Suýt bỏ mạng vì mưa lớn

"Tôi không quá lo lắng trước khi tham gia. Thật sự, tôi đã không nghĩ mưa lớn có thể khiến đường trở nên lầy lội và nguy hiểm đến thế", Nguyễn Chu Minh Đức (ngụ tại TP.HCM) nói với Zing.

Anh Đức đã biết về giải chạy này khoảng 2 năm trước khi thấy nhiều bạn bè tham dự. Vận động viên này đánh giá đây là giải quy mô lớn nếu nhìn vào số lượng người đăng ký khổng lồ. Năm nay, anh Đức quyết định tham gia cự ly 45 km. Các cự ly khác của giải gồm 10 km, 21 km, 70 km và 100 km.

 Nguyễn Chu Minh Đức (phải) thất vọng với cách làm việc của ban tổ chức. Ảnh: FBNV.

Nguyễn Chu Minh Đức (phải) thất vọng với cách làm việc của ban tổ chức. Ảnh: FBNV.

Trải nghiệm chạy marathon nơi thành phố Đà Lạt nên thơ với anh Đức khá dễ dàng trong khoảng 28 km đầu. Thời tiết lúc này vẫn còn đẹp. Tuy nhiên, sau điểm check point ở km số 28, mưa lớn trút xuống không ngớt. Anh cùng vợ vẫn quyết định tiếp tục khẩn trương đi tiếp để chinh phục điểm check point tại km số 35.

Quãng đường 7 km ngốn của đôi vợ chồng gần 4 giờ vì mưa lớn khiến địa hình trở nên hiểm trở. Nếu không nhờ may mắn, anh Đức có lẽ sẽ phải ân hận mãi về quyết định đi tiếp thay vì dừng ở điểm check point km số 28.

"Tôi suýt rơi xuống vực nhưng may được một anh đi trước giữ. Tới điểm check point tại km số 35, ban tổ chức thông báo hủy giải và có xe đưa vận động viên trở về", anh Đức chia sẻ.

Lý do cho quyết định của ban tổ chức chính là vụ tai nạn dẫn đến cái chết của vận động viên Thái Đôn Thành. Anh Đức chỉ nghe loáng thoáng thông tin là nạn nhân chết khi cố băng qua con suối ở Đạ Sar (Lạc Dương, Lâm Đồng) và bị lũ cuốn trôi.

"Tôi có đi qua đoạn này lúc còn nắng nên không gặp nhiều khó khăn. Sau khi nghe tin, ai cũng đau buồn và phẫn nộ với ban tổ chức", anh kể lại.

Duy Phú, một vận động viên khác ở TP.HCM, đăng ký hạng mục 70 km. Trong lộ trình hạng mục này, thí sinh phải leo tổng độ cao cỡ 3.000 m

Anh xuất phát từ 4h và có trang bị đèn do thời điểm đó trời vẫn tối. Mọi thứ đều ổn với anh Phú cho đến khoảng giữa trưa. Theo lời vận động viên này, anh đã phải trải qua 3 cơn mưa lớn dồn dập, kèm theo sấm sét dữ dội khi đi đường rừng.

"Mưa lớn kéo theo lũ. Đặc biệt, lũ từ thượng nguồn đổ xuống những con đường nhỏ nên nước rất siết. Tôi thấy có một con suối nhỏ bình thường khá dễ vượt qua nhưng nếu mưa lớn sẽ tạo dòng chảy rất mạnh. Có lẽ, nạn nhân đã bị lũ cuốn ở đây", anh Phú nhớ lại.

Các vận động viên gặp nhiều khó khăn khi phải chạy trong điều kiện mưa lũ. Ảnh: Phu Vo.

Vận động viên đến từ TP.HCM đi theo tốp 10 người. Họ tỏ ra bối rối trước dòng nước siết và không thể tìm cách vượt qua. Một nhóm thử cách dùng cây rừng tạo thành lan can để đi nhưng thất bại. Sau đó, nhóm khác nhờ được một chiếc công nông chở sang. Theo anh Phú, khoảng 30-40 vận động viên đã vượt qua con suối nhỏ bằng cách này. Tốp đi sau có lẽ phải dừng lại vì lũ lớn.

"Ngoài đoạn này, tôi thấy có 2 đoạn khác cũng nguy hiểm là một con suối nhỏ có đá ngầm và khi leo đỉnh Langbiang. Đoạn số 2 tương tự đoạn kể trên, chúng tôi phải len lỏi vượt qua. Ở điểm leo đỉnh Langbiang, vận động viên phải dùng 2 tay bám dây thừng cột từ đỉnh núi. Đất trơn, dốc cao, dây thừng phải dùng sức 2 tay kéo mới lên", anh Phú kể.

Đến điểm check point ở km số 50, anh Phú và những người đi cùng được ban tổ chức yêu cầu dừng thi. Đây có lẽ là thời điểm vụ tai nạn thương tâm xảy ra.

Anh Nguyễn Quang Hùng, vận động viên Hà Nội, lại có ấn tượng tốt với ban tổ chức giải Dalat Ultra Trail 2020 kể từ khi tham dự lần đầu vào năm 2018. Anh đánh giá đây là một giải lớn, có công tác tổ chức chuyên nghiệp, đường chạy đẹp và nhiều thử thách.

Vận động viên này tham gia hạng mục 70 km. Anh đánh giá cung đường có độ khó vừa đủ, có thể chạy và ngắm bình minh lãng mạn trên đồi. Tuy nhiên, nửa sau cung này bắt đầu tăng độ khó rõ rệt, không dành cho những người yếu và thiếu kinh nghệm.

"Mưa suốt từ 10h30 tới tận 15h khiến nước lũ dâng lên. Các con suối bình thường không mưa rất đơn giản nhưng nay lại có nước chảy siết. Sấm chớp đùng đùng, tôi cầm gậy mà chỉ sợ sét đánh", anh cho biết.

Lỗi thuộc về ai?

Từ khi sự cố xảy ra, gần như mọi chỉ trích đều nhắm đến ban tổ chức giải. Dalat Ultra Trail không phải giải chạy quy tụ toàn những vận động viên chuyên nghiệp mà có cả dân nghiệp dư. Thậm chí, một số người chỉ tham gia cho vui mà không có nhiều kinh nghiệm chạy đường núi, rừng. Cộng thêm việc tổ chức vào mùa mưa lũ, nhiều ý kiến cho rằng ban tổ chức lẽ ra phải sát sao hơn trong công tác quản lý.

Khi được hỏi, không ít vận động viên tham gia dùng từ "thiếu trách nhiệm" để nói về ban tổ chức. Trong khi có người được ban tổ chức dùng xe đón về, một số nhóm phải tự lần mò trong nguy hiểm để quay lại điểm xuất phát.

"Khi nhóm tôi chạy đến gần nơi vận động viên gặp nạn, ban tổ chức ngăn lại và cho biết vừa có trường hợp bị lũ cuốn. Sau khi mưa lớn, quãng đường quay lại cũng có vài con suối khác nước đang dâng cao như thế", một vận động viên tham gia cự ly 70 km ở Dalat Ultra Trail 2020 kể.

Sau tai nạn, họ tìm ra đường quay lại điểm xuất phát khi được người dân bản địa chỉ giúp một con suối nằm cách đó vài chục mét. Con suối này rộng, nông hơn và nước không chảy xiết.

Cung đường chạy khó khăn nhưng điểm check point ít khiến an toàn của các thí sinh tham gia bị ảnh hưởng. Ảnh: Nguyen Quang Hung.

Ngoài ra, các điểm check point tại Dalat Ultra Trail 2020 cũng bị đánh giá là ít hơn mọi năm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hỗ trợ các thí sinh của ban tổ chức.

Do đại dịch Covid-19, giải chạy lẽ ra tổ chức vào tháng 3 đã bị lùi tới tháng 6. Tuy nhiên, ban tổ chức không hoàn tiền cho các vận động viên mà chỉ cho họ 2 lựa chọn, gồm bán lại vé hoặc dời lịch đến tháng 6.

"Tôi nghĩ ban tổ chức là gốc rễ của vấn đề. Họ không hủy giải và chọn cách tổ chức mùa mưa lũ. Khâu lấy áo bib cũng rất chậm. Tôi phải chờ gần 2 giờ để được phát số chạy. Ban tổ chức cũng bố trí quá ít người hỗ trợ trên đường khiến an toàn của vận động viên không được đảm bảo", anh Đức nói với Zing.

Khi tham dự giải, các vận động viên đều phải ký giấy miễn trừ trách nhiệm. Điều này có nghĩa ban tổ chức không chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan tới tai nạn, chấn thương nếu vận động viên gặp phải. Tuy nhiên, việc không sàng lọc kỹ đầu vào khiến những người thiếu kinh nghiệm cũng có thể tham dự là điều khiến ban tổ chức bị dư luận chỉ trích.

Các vận động viên cũng cần trang bị kỹ năng để đối phó với những cung đường xấu. Ảnh: Phu Vo.

Dưới góc nhìn của mình, Quang Trần, nhà vô địch giải Dalat Ultra Trail 2018 cự ly 70 km, lại cho rằng trách nhiệm cần được nhìn từ 2 phía. Trong khi ban tổ chức phải đảm bảo an toàn cho người tham dự, các vận động viên cũng cần trang bị kỹ năng và kinh nghiệm để bảo vệ mình.

Đây cũng là điều được vận động viên Nguyễn Quang Hùng đồng tình. Chia sẻ với Zing, anh cho biết: "Vận động viên tham gia đều phải chuẩn bị sẵn tâm lý vì Đà Lạt mưa liên miên suốt mấy ngày qua. Việc xử lý tình huống nằm ở kỹ năng và sự cẩn thận của vận động viên. Có đoạn suối mà 3 người nối tay nhau mới băng qua được. Tuy nhiên, tôi có thể một mình vượt qua dễ dàng. Đây là trải nghiệm thú vị nhưng không nên dành cho những người thiếu kinh nghiệm".

Anh Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-suyt-roi-xuong-vuc-khi-tham-gia-marathon-da-lat-mua-lu-post1098159.html