Tôi sợ nhất là 'bệnh nhạt'

Gặp chị lúc nào cũng vui, tràn đầy năng lượng mà bất cứ người trẻ nào khi gặp cũng sẽ như được truyền lửa nghề bởi nụ cười rạng rỡ, đôi mắt long lanh biết nói và câu chuyện lúc nào cũng chỉ xoay quanh nghề báo, với đam mê và một khát vọng xây dựng tờ tạp chí của ngành Mỏ gần gũi, tinh tế và nhân văn. Nhà báo Lệ Huyền - Tổng biên tập Tạp chí Than - Khoáng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với báo Nhà báo & Công luận trong dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Luôn tạo điều kiện tốt nhất để phóng viên được tự do sáng tạo

+ Tôi có cảm giác là những chắt chiu của gần 20 năm gắn bó với ngành Than – Khoáng sản trong đó có 7 năm trên “ghế nóng” trong vai trò Tổng biên tập... đã cho chị rất nhiều thứ: tình yêu với nghề, bản lĩnh vượt khó và sự nhân văn trong xử trí của người thuyền trưởng?

- Cũng có thể nói như vậy. Nghề báo đến với tôi như là “duyên phận” và tôi tin là mọi sự sắp đặt trong cuộc đời đều có lý do. Cách đây 20 năm, sau một cuộc thi tuyển phóng viên rất khắt khe của Ngành Than, tôi là phóng viên duy nhất được nhận về làm việc. Hình ảnh người thợ lò mặt bám đầy bụi than chỉ có thể nhìn rõ đôi mắt và hàm răng khi cười cùng với một môi trường làm việc đặc thù vất vả đã thực sự ám ảnh và khiến tôi cứ muốn gắn bó với ngành Than từ khi ấy. Rồi nhiều năm lăn lộn với nghề, tình yêu ấy lớn dần lên, thậm chí khi làm quản lý tôi vẫn trân trọng biết mấy những ngày tháng ấy. Có lẽ cũng từ những gian khó của nghề nghiệp đã phần nào tôi luyện cho tôi bản lĩnh để chèo lái con thuyền này hơn 1 nhiệm kỳ qua trước bất kỳ thách thức nào...

+ Và chắc hẳn, những năm tháng làm nghề, trải qua hầu hết các vị trí, chị phần nào cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với phóng viên của mình?

- Tôi nhìn thấy mình trong họ. Sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự chân thành với nghề nghiệp và ý thức tự giác với công việc... đó là những thứ mà tôi luôn nỗ lực rèn luyện cho phóng viên của mình để họ trưởng thành hơn với nghề.Tôi thích câu mà ai đó đã từng nói: Đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy, nếu như chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau... Các đơn vị của ngành Than - Khoáng sản nằm rải rác trên các vùng miền trong cả nước, phóng viên tác nghiệp đều phải lăn lộn trên khai trường, những giọt mồ hôi, những trăn trở trong từng con chữ... Tất cả điều ấy, tôi đều hiểu hơn ai hết. Và vì thế, tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để phóng viên được tự do sáng tạo, cố gắng sống thật chân thành, nhân văn để trở thành “điểm tựa” cho họ trong công việc và trong cả cuộc sống, đặc biệt là phóng viên nữ, luôn được “ưu ái” hơn khi làm việc ở đây.

Tổng biên tập Lệ Huyền tặng tạp chí Than- Khoáng sản cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại Văn phòng Chủ tịch nước.

Chân thành là sự khôn ngoan cao cấp nhất

+ Luôn đặt mình vào vị trí của người khác nên mới có một cuộc “tinh giản” rất thấu tình đạt lý, thậm chí rất nhân văn. Câu chuyện ấy như thế nào, thưa Tổng biên tập?

- Câu chuyện ấy diễn ra vào cuối năm 2017. Dù rằng, chẳng ai muốn nhưng chúng tôi buộc phải tái cơ cấu, tinh giản lao động theo đúng chủ trương của Nghị quyết TW6 Ban Chấp hành TW Đảng và định hướng chỉ đạo của Tập đoàn. Tạp chí là một trong những đơn vị đi đầu của Tập đoàn, cũng là một trong những đơn vị báo chí có cách làm khác biệt. Thế nên chúng tôi giảm gần 1/3 nhân lực chỉ trong vòng 1 tháng. Đó là một sự quyết tâm và bản lĩnh, đồng thuận và nỗ lực của cả tập thể. Giải thể một xưởng in đã có bề dày lịch sử mà mọi thứ “êm ru” không có kiện cáo, không có xáo trộn, chỉ có những lưu luyến, bịn rịn và những lời cảm ơn.

+ Lưu luyến và những lời cảm ơn ư?

- Tôi nghĩ, chân thành là sự khôn ngoan cao cấp nhất.Đó cũng là chìa khóa mà tôi mở cánh cửa những tấm lòng. Khi tương lai của Xưởng in đang phủ một màu xám tôi quyết định tinh giản bộ máy sớm để những người ra đi còn tìm kiếm được những công việc khác phù hợp. Nhưng trăn trở lắm, khi Tạp chí chẳng có “của ăn của để”, quỹ sắp xếp lao động dôi dư là con số 0.

Tôi cùng Ban lãnh đạo Tạp chí đã vận động mọi người trong tòa soạn hỗ trợ tài chính cho những người phải nghỉ việc từ 2 – 4 tháng lương, cao nhất là Tổng biên tập với gần 90 triệu, còn tùy theo các vị trí trong tòa soạn sẽ cùng chung tay giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng, đó vừa là nguồn tài chính để hỗ trợ họ đi tìm việc mới, một phần là để chia sẻ, để họ hiểu rằng, dù thế nào nơi đây tình người vẫn là thứ bất biến.

Đã có lúc tôi nghĩ rằng, sẽ không thuyết phục được những nhân viên của mình sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, bỏ ra mấy tháng lương vì nhiều người cũng chẳng dư giả gì. Thế mà mọi người đều tình nguyện nhất trí cao.

Chỉ với hơn chục con người, chúng tôi đã góp được 700 triệu “tặng” cho mỗi anh chị em 100 triệu trước khi chia tay. Tôi thấy lòng nhẹ bẫng, thấy an nhiên và thấy biết ơn những nhân viên đã đồng lòng, đồng tâm với mình trong những giờ phút quyết định ấy. Và bây giờ thì tôi hoàn toàn tự tin, tin tưởng về một bộ máy gọn gàng, chuyên nghiệp, hiệu quả sẵn sàng cho một tòa soạn báo chí đa phương tiện thời đại công nghệ số.

Hiện tại, ngoài hai số tạp chí hàng tháng, trang website của Tập đoàn, một cuốn chuyên đề “thợ mỏ ngày nay” chúng tôi còn làm sách truyền thống, các ấn phẩm văn hóa, làm phim tài liệu phục vụ các sự kiện trong và ngoài Tập đoàn. Uy tín và thương hiệu Tạp chí TKV ngày một lan tỏa.

Nhà báo Lệ Huyền – Tổng biên tập tạp chí Than - Khoáng sản Việt Nam

Sự sáng tạo là không giới hạn

+ Nói đến câu chuyện “làm báo ngành” nhiều người nghĩ “nhàn lắm” ít áp lực thời sự hay là sự đa chiều, phản biện về thông tin. Chị nghĩ sao?

- Thực ra, nếu để viết cho qua, làm một tờ tạp chí đơn điệu phục vụ ngành dĩ nhiên là không khó nhưng nói thật là sự tự trọng nghề nghiệp không cho phép tôi làm điều đó. Tôi sợ nhất là “bệnh nhạt” và bằng lòng với chính mình. Đến lúc tỉnh ra thì bạn đọc đã bỏ xa mình rồi. Vậy nên sự sáng tạo, đổi mới luôn là trăn trở để tờ tạp chí ngày càng gần gũi với phương châm là “Người bạn của thợ mỏ”, là món ăn tinh thần ngày một đặc sắc của CBCNV Tập đoàn và độc giả xa gần.

+ Tôi đọc Tạp chí Than - Khoáng sản hiện nay đã thấy nhiều điều hấp dẫn, đã “chạm đến trái tim” người thợ, người đọc. Thật khó để “đổi mới” những gì đã cũ, thưa Tổng biên tập?

- Sự sáng tạo là không giới hạn, dù rằng phạm vi phản ánh chỉ trong ngành Than - Khoáng sản. Điều ấy được kiểm chứng trong thực tế, mỗi khi tôi muốn “xốc lại” tinh thần làm việc của phóng viên là ngay lập tức sẽ có một buổi thảo luận “cải tổ” chuyên trang, chuyên mục và hình thức. Và bạn biết không, càng ngày tờ tạp chí càng đẹp hơn, chất lượng hơn, gần gũi nhân văn hơn... Vậy thì có lý do gì mà không tiếp tục đổi mới, tiếp tục sáng tạo chứ?

+ “Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ gió chong chóng sẽ quay, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”...Thế nên bây giờ, có một guồng máy cứ chạy thôi, Tổng biên tập hình như chẳng thấy tất bật gì với công việc nhỉ?

- Những năm đầu làm quản lý, tôi vất vả lắm nhưng vài năm trở lại đây, tôi quyết định buông nhiều việc để đội ngũ nhân viên làm, thực hiện theo phương châm “nói về chuyên môn quân phải vô hiệu hóa được Tổng biên tập”. Quan trọng với người lãnh đạo chính là chiến lược, là hướng đi, đổi mới như thế nào để theo kịp với xu thế và thúc đẩy sự phát triển chứ không phải là “cầm tay chỉ việc” nữa.

Dĩ nhiên, đồng hành với quan điểm này thì cần có cách giao việc, nhìn người đúng và trúng. Với tạp chí, tôi luôn muốn “trao cơ hội cho người trẻ”, luôn tin vào những nhân viên đang tận tụy với công việc chung, coi tòa soạn như gia đình. Khi muốn truyền tải những thông điệp hành động đến họ, tôi thường có thói quen tóm lược bằng những chữ cái cho dễ nhớ. Chẳng hạn, năm 2018 này là phương châm 6 chữ C: Chủ động – Chân thực – Chân thành - Cầu thị - Cầu tiến – Cầu toàn cùng tâm nguyện 6 chữ T: Trung thành, trí tuệ, tự tin, tỉnh táo, tâm huyết, trách nhiệm.

Nhà báo Lệ Huyền tác nghiệp.

+ Tôi thấy ít có hình ảnh nữ Tổng biên tập nào mà cứ “kè kè” tờ tạp chí bên mình, có phải vì thế mà chị luôn “chớp” được thời cơ để tặng tạp chí cho các lãnh đạo cấp cao của đất nước?

- Có lẽ cũng là một sự may mắn và phần nữa là vì tôi có được cơ hội và biết chớp cơ hội ấy. Thế nên, nhiều lúc tôi cũng thấy “bất ngờ” với chính mình.

Từ cuốn tạp chí đầu tiên tặng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đến nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, gần đây là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tặng tạp chí không phải để “khoe khoang” mà chỉ đơn giản là tôi nâng niu “đứa con tinh thần” bằng tình yêu cao nhất. Và tôi mong muốn những giọt mồ hôi, những nhọc nhằn suy tư của nghề nghiệp, của ngành Than - Khoáng sản được các lãnh đạo chia sẻ, cảm thông hơn.

+ Chị rất đỗi ngọt ngào! Thế chị có dễ “thỏa hiệp” trước những va chạm trong nghề nghiệp không?

- Không. Giống như khi ta đã yêu thương một cái gì đó như máu thịt, người ta sẽ sẵn sàng “xù lông” lên để bảo vệ như bảo vệ “đứa con của mình”. Cuộc sống sẽ không ít bão giông, nhưng tôi luôn nghĩ mình phải là “điểm tựa”, mang đến sự bình yên thực sự cho phóng viên và nhân viên của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.

+ Vâng, xin cảm ơn chị!

Hà Vân (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/toi-so-nhat-la-benh-nhat-39208