Tội rất lớn chứ không phải phúc đâu

Chia sẻ với KTGĐ về tục đốt vàng mã và những biến tướng hiện nay, GS Trần Lâm Biền cho rằng: Người sống thì chưa chết mà người chết chẳng thấy ai nói gì cả, thế cho nên mối quan hệ của người sống với người chết chỉ nằm trong sự thêu dệt của tư duy.

Khi chúng ta nhìn vàng mã như thứ đồ lễ để tạo nên sự kính cẩn của người thế gian đối với các kiếp đời đã qua thì chỉ cần làm một chút vừa đủ để biểu hiện lòng thành…

GS Trần Lâm Biền

Tháng Bảy là mùa lễ hội Vu lan - Báo hiếu, nhân dịp này, các Phật tử còn thiết lễ cúng ông bà cha mẹ đã mất khi không tiếc tiền sắm sanh đồ mã từ quần áo đến ti vi, tủ lạnh, xe máy ô tô… thậm chí cả chân dài với quan niệm “trần sao, âm vậy”. Là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo, theo giáo sư quan niệm, hành động như vậy có thực sự chuẩn chỉ?

Hay quá nhỉ, giá như chân dài hiện hình được thì cho tớ một đứa nhé (cười). Trọng tâm của lễ hội Vu lan - Báo hiếu nhằm giáo dục người Phật tử về lòng hiếu thảo, biết nhớ ơn và lo đền ơn các đấng sanh thành, để rồi từ đó tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo tốt đời đẹp đạo. Tuy nhiên không ít người hiểu sai, bị dân gian hóa theo hướng cầu cúng ma quỷ, nhuốm màu tà kiến, mê tín.

Lịch sử của tục đốt vàng mã xuất phát từ Trung Quốc, vào thời nhà Tần (thế kỉ 2), nhiều quý tộc Trung Hoa có thói quen tùy táng theo người chết bằng bạch ngọc cùng nhiều đồ vật quý giá khác thậm chí cả những người bạn hoặc người dân lệ thuộc chết theo.

Khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế, nhận thấy việc này quá lãng phí nên đã ra sắc lệnh cấm tùy táng bằng hiện vật thật. Thay vào đó là nghi thức tượng trưng, tùy táng bằng tiền giả, vàng giả (làm bằng giấy) và hình nhân thế mạng để chôn theo mà chôn người sống theo nữa. Tục này phát triển cực thịnh vào thời Đường (thế kỉ 7) và bắt đầu lưu truyền vào Việt Nam. Như vậy có thể thấy, ý nghĩa ban đầu của tục đốt vàng mã rất nhân văn, nhằm tránh sự lãng phí của cải.

Lâu dần, việc đốt vàng mã này được người dân sử dụng như thói quen, nhiều người áp dụng mà không hiểu rõ ý nghĩa đặc biệt khi đời sống ngày càng được nâng lên phú quý sinh lễ nghĩa. Chính vì thế tục này mới bị biến thái và lạm dụng như ngày nay... Đây là một hiện tượng xã hội xấu.

Trong khi quan niệm của dân gian thế mới là hiếu đễ với tổ tiên với ông bà, cha mẹ đã khuất thì ông lại cho rằng đó là hiện tượng xấu. Xin giáo sư có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Thực tế linh hồn con người nó tròn tròn như quả trứng, nó làm gì có hình hài thế cho nên người ta cứ đốt vàng mã cho những người đã khuất hết cái này đến cái khác là họ đang bôi nhọ thế giới bên kia. Bởi vì, khi linh hồn có vạn thân, biến thể, biến hóa, đối với nó không có thời gian, không có không gian.

Vàng mã dành cho người đã khuất

Ví dụ, anh tôi trong Sài Gòn giỗ bố tôi vào 9h sáng, cùng giờ đó ngoài Hà Nội tôi cũng làm giỗ cho ông cụ. Ở hai nơi chúng tôi đều nhận thấy nó nghiệm như nhau. Chả nhẽ bố tôi vào với ông anh trước rồi mới ra với chúng tôi sau, hay đến với tôi trước rồi vào với ông anh sau?

Điều đó đều không đúng cả vậy mà nay lại có người ở thế gian ngu tối làm cho bố ô tô với máy bay… Nếu nghĩ và làm như vậy thì chắc chắn ông anh tôi phải làm cúng 9h sáng, tôi phải cúng 1h chiều vì đi máy bay cũng phải mất 2h đồng hồ. Nhưng thực tế có thế đâu, mà nó ứng nghiệm ngay lập tức. Sự di chuyển của linh hồn là không có giới hạn - không gian bằng không, thời gian cũng bằng không. Cho nên việc cúng vàng mã cho các kiếp đời đã qua, làm theo ý nghĩa thô thiển, ngu tối của trần gian là sự bôi nhọ tâm linh đối với thần linh và tổ tiên.

Mà những người đã khuất, một lên thiên đàng thì họ sẽ không còn quan tâm đến thế gian, hai -xuống âm ti thì họ thuốc thế giới bên dưới và mọi con người trở nên nhỏ bé. Tích truyện nói rằng khi họ lên trần chơi, họ leo lên cây ớt mà cây ớt cũng không gẫy. Cho nên ngày tháng 7 họ cúng quần áo cho những chúng sinh của thế giới bên kia toàn quần áo rất nhỏ như quần áo trẻ con. Bởi vì họ có lớn đâu để họ mặc những quần áo lớn.

Vậy mà trên thực tế, hàng mã bán quần áo, mũ mão, giầy ủng, ngựa, xe, nhà cửa to như thật và ngày càng có xu hướng “hoành tráng” hơn. Rõ ràng với những linh hồn đã qua thì nó trở thành lùng thùng, không thể mặc được. Thế mà bảo có hiếu thì chỉ là cách nói dối, mà sự lừa dối tâm linh. Lừa dối bên kia là cái tội rất lớn chứ không phải phúc đâu.

Vậy mỗi gia đình nên ứng xử như thế nào về tục lệ đốt vàng mã cúng tổ tiên?

Tất cả hành động đốt vàng mã chỉ là biểu hiện cái tâm thành dân dã đối với kiếp đời đã qua nhưng nó phải theo truyền thống và ít nhiều có nhận thức đã. Nhận thức theo quy định và ứng nghiệm của người đời chứ không phải cứ đua nhau để làm ẩu. Bắt ức những kiếp đời đã qua phải lệ thuộc vào thế giới của người sống hiện nay.

Đối với người Việt chỉ có thần linh và những người đã khuất chi phối đến người sống chứ làm gì có chuyện người sống chi phối người chết. Không có đâu. Bạn nên nhớ một điều như thế này, có quan niệm cho rằng nếu không cúng kiểng chu đáo thì có tội với tổ tiên, với ông bà.... thì bạn có quyền được trả lời “tội lỗi xuống ao ấy".

Nhiều cư dân trên thế giới họ cũng nhận thức linh hồn tròn tròn như quả trứng thì ma cũng như quả trứng, chứ như chúng ta vẫn hay bảo nhìn thấy ma mặc áo trắng bay bay trên ngọn cây, trên nóc nhà chỉ là tự kỷ ám thị, thần hồn nát thần tín mà bịa ra thôi.

Xin cảm ơn Giáo sư!

HẢI PHONG (Kiến thức gia đình số 33)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/toi-rat-lon-chu-khong-phai-phuc-dau-post224540.html