Tội phạm tham nhũng sẽ không bị tử hình nếu nộp ¾ tài sản tham ô

Nghị quyết số 03/2020 có hiệu lực từ ngày 15/2/2021 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 2015 về tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

 Trước ngày tuyên án, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp 66 tỉ đồng tiền mặt để khắc phục hậu quả đối với tội danh nhận hối lộ đang bị truy tố.

Trước ngày tuyên án, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp 66 tỉ đồng tiền mặt để khắc phục hậu quả đối với tội danh nhận hối lộ đang bị truy tố.

Thoát án tử nếu nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô

Điều 40 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án, nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Với quy định này, Nghị quyết 03/2020 do Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành, giải thích: “Chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ” là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất 3/4 tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.

Đối với trường hợp trong cùng vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ và tội khác, nhưng đã chủ động nộp lại số tài sản bằng ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác.

Còn về “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”, Nghị quyết nêu rõ, sau khi phạm tội tham nhũng hoặc các tội phạm khác về chức vụ, người phạm tội đã chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội...).

Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.

Trường hợp nào được "khoan hồng đặc biệt"?

Đáng chú ý, Nghị quyết quy định rõ về nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ. Trong đó, việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.

Quá trình tố tụng, nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

Đặc biệt, Nghị quyết hướng dẫn xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể, nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;

Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;…

Ngoài ra, Nghị quyết cũng có nội dung hướng dẫn về việc Tòa án áp dụng kê biên, phong tỏa tài sản, xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm.

Minh Phúc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/toi-pham-tham-nhung-se-khong-bi-tu-hinh-neu-nop-tai-san-tham-o-d282190.html