Tội phạm tân dược giả bắt tay với tội phạm tham nhũng

TP - Tội phạm sản xuất, buôn bán tân dược giả liên kết chặt chẽ với tội phạm rửa tiền, tham nhũng và sản xuất hàng giả… Tại châu Á, các loại thuốc chống ung thư bị làm giả nhiều nhất vì siêu lợi nhuận.

> Cảnh báo tội phạm công nghệ cao và có tổ chức

Bà Aline Plancon (phải) và đại diện Văn phòng Interpol VN tại buổi họp báo.

Đó là nhận định của bà Aline Plancon, Trưởng Bộ phận Phòng chống tội phạm dược phẩm và làm giả các sản phẩm y tế - Interpol, tại buổi họp báo hôm qua, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80.

Bà Aline nêu dẫn chứng, tân dược giả (bao gồm cả tân dược kém chất lượng) hầu như đều được nhập khẩu qua con đường chính thống vào các quốc gia. Sau đó, đến các khâu kiểm duyệt, cấp phép… thuốc mới được lưu hành trên thị trường.

Để qua được quy trình đó, tội phạm sản xuất, buôn bán tân dược giả phải bắt tay, liên kết với tội phạm tham nhũng. Và, trên thực tế Interpol đã phát hiện một số vụ tội phạm làm giả tân dược có liên quan đến tội phạm tham nhũng.

Từ dự án tiền thân mang tên “Rồng Xanh”, từ năm 2008 Interpol phát triển thành Chiến dịch phòng chống tội phạm làm thuốc giả, triển khai tại 81 quốc gia trong đó có Việt Nam. Bà Aline cho biết, các cơ quan chức năng đã thu giữ được hàng chục tấn tân dược giả.

Đại diện Văn phòng Interpol Việt Nam cũng cho hay, trong đợt chiến dịch ở Việt Nam, cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều thuốc giả, nhiều loại mẫu mã giống y như thuốc thật nhưng chất lượng không đúng như công bố, chủ yếu được phát hiện tại TPHCM.

Nằm trong Chiến dịch phòng chống tội phạm làm thuốc giả của Interpol, ca sỹ Nam Phi Yvonne Chaka Chaka mang đến kỳ họp Đại hội đồng một ca khúc đặc biệt “Proud to be”. Bài hát này được ca sỹ thu âm cùng với một đồng nghiệp, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thuốc giả và nguy cơ đối với sức khỏe.

Cũng theo bà Aline Plancon, chỉ qua khảo sát 1 tuần tại 81 quốc gia, Interpol đã phát hiện 200 loại thuốc bị làm giả. Trung bình mỗi quốc gia có nhu cầu nhập khẩu từ 15.000 đến 20.000 loại thuốc, nên đây là mảnh đất màu mỡ tội phạm hướng tới.

Nhiều tổ chức tội phạm nguy hiểm trên thế giới cũng tham gia vào hoạt động này, do số tiền lợi nhuận kếch xù mang lại. Trong khi đó, khâu kiểm soát, kiểm duyệt chất lượng thuốc tại nhiều quốc gia còn bị coi nhẹ; hình phạt dành cho tội phạm rất thấp, không đủ răn đe…

Về các loại thuốc bị làm giả, bà Aline Plancon cho hay, tội phạm không từ bất cứ loại thuốc nào, từ thuốc có thương hiệu đến cả thuốc rẻ tiền, tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của từng thị trường. Tại một số nước, các loại mỹ phẩm làm đẹp, các loại thuốc ngừa thai… bị làm giả nhiều.

Còn tại châu Á, khảo sát cho thấy các loại thuốc chống ung thư bị làm giả nhiều nhất, vì các loại thuốc này thường rất đắt, đem lại siêu lợi nhuận cho tội phạm. Ngoài ra, loại tội phạm này còn quan tâm đặc biệt đến các công cụ của Internet. Chỉ cần ngồi tại nhà, tội phạm cũng có thể điều hành, liên kết tới nhiều mạng lưới sản xuất, buôn bán tân dược giả…

Công Minh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/phap-luat/556967/toi-pham-tan-duoc-gia-bat-tay-voi-toi-pham-tham-nhung-tpp.html