Tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm liên quan đến ma túy diễn biến phức tạp

Tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan đến ma túy hay tội phạm liên quan đến tín dụng đen... là những nội dung nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận sôi nổi.

Chiều 13-11, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Liên quan đến công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các đại biểu đã quan tâm, thảo luận sôi nổi về tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan đến ma túy hay tội phạm liên quan đến tín dụng đen...

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp

Quan tâm đến của tội phạm sử dụng công nghệ cao, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, cách đây 5-10 năm, chúng ta chưa hình dung hết được tác hại của tội phạm công nghệ cao đối với nền kinh tế và người dân. Đến nay, sau hàng loạt các vụ án, vụ việc, chúng ta mới thấy rằng khi công nghệ cao đã trở thành phương tiện đa năng, hữu ích, không thể thiếu của cuộc sống con người thì các đối tượng phạm tội cũng đã lợi dụng triệt để thành tựu này vào hoạt động phạm tội.

Đại biểu dẫn chứng thống kê của tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol: Trên thế giới, cứ 12 giây trôi qua có một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng việc sử dụng công nghệ cao được thực hiện trót lọt. Ở Việt Nam, tần suất của tội phạm này chưa đến mức độ như vậy, nhưng hiện cũng đang diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn phạm tội mới và xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực. “Ngân hàng tưởng chừng như là nơi gửi, giữ tiền một cách an toàn nhất, song theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2011 đến nay đã xảy ra 772 vụ trộm tiền tại các máy ATM và 1.967 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao. Hay như vụ sửa kết quả về kỳ thi phổ thông trung học quốc gia vừa qua: Khi thao tác lại hành vi phạm tội với các tiện ích của máy tính, đối tượng chỉ mất 6 giây để sửa một bài thi...”, đại biểu nêu ý kiến.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, các đối tượng đã lợi dụng triệt để công nghệ để thâm nhập vào đời sống dân sinh với đủ loại chiêu trò, thủ đoạn, dẫn đến hậu nghiêm trọng, lập kỷ lục cả về số tiền chiếm đoạt cũng như số người bị thiệt hại. Có thể kể đến như vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh vừa mở phiên tòa vào ngày hôm qua (12-11), đã thu hút hơn 42 triệu tài khoản của người chơi tham gia với tổng số tiền đưa vào đánh bạc trên 9.800 tỷ đồng, tổng số tiền phải trả thưởng cho những người tham gia đánh bạc chỉ hơn 2.600 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy số tiền các đối tượng trong đường dây này thu lợi bất chính rất lớn. Hay đối với các vụ tiền ảo, các đối tượng đã lập ra rất nhiều sàn giao dịch, hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền thu được của người tham gia trước để trả cho người tham gia sau; khi đã thu được một lượng lớn tiền thì đánh sập mạng và biến mất khỏi Việt Nam. Đối với lĩnh vực ngân hàng, cho đến nay mới chỉ có 23% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao thu hồi lại được tiền. Như vậy, có thể thấy với tội phạm công nghệ cao, hậu quả của tội phạm là rất lớn nhưng việc thu hồi hiện đang hết sức khó khăn...

Từ những vấn đề trên, cho rằng cuộc đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cuộc đấu tranh mà ở đó có 3 không (không biên giới, không tiếng súng và không có sự đối mặt trực tiếp giữa kẻ phạm tội với các nạn nhân), đại biểu nhấn mạnh khi đã xảy ra thì quy mô rất lớn, hậu quả rất nghiêm trọng và đấu tranh phát hiện hết sức khó khăn. Từ những vấn đề đó, đại biểu đề nghị Bộ Công an cần đẩy mạnh thông tin đầy đủ đến người dân các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để người dân chủ động phòng tránh; các cơ quan tố tụng trung ương dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho các cán bộ tố tụng để xây dựng đội ngũ cán bộ tố tụng đáp ứng yêu cầu mới đặt ra...

Gia tăng tội phạm liên quan đến ma túy

Đồng tình với những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm trong những năm vừa qua, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) bày tỏ lo lắng khi loại tội phạm nguy hiểm, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có tính chất, mức độ, tính chất man rợ xảy ra ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng. “Vấn đề này liên quan đến công tác tuyên truyền giáo dục về đạo đức và công tác thông tin tuyên truyền. Hiện nay chúng ta phần lớn đang sống trong không gian mạng, nhiều thông tin, hình ảnh được lưu hành, phát tán rộng rãi, ảnh hưởng đến việc thu thập, xử lý tiếp nhận thông tin...”, đại biểu phân tích.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, tình hình tội phạm liên quan đến ma túy diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng gia tăng: Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018 đã phát hiện 24.931 vụ, tăng 6,04 vụ so với năm 2017. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 224.690 người, tăng hơn 2.000 người so với năm 2017. Con số thực tế còn nhiều hơn, nhiều trường hợp sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, ngáo đá, gây ra các vụ phạm tội nghiêm trọng. Đáng chú ý, các loại ma túy liên tục xuất hiện nhiều loại cực độc gây tác hại nghiêm trọng cho người sử dụng. Tuy nhiên, việc phát hiện, nhận diện loại ma túy mới còn nhiều hạn chế. Việc thanh, thiếu niên sử dụng chất gây nghiện ma túy tại các quán bar, vũ trường và một số lễ hội âm nhạc khá phổ biến, nhưng việc này chưa được tập trung kiểm soát...

Từ những phân tích trên, đại biểu kiến nghị cần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và quản lý, giáo dục người phạm tội trong gia đình ở địa bàn dân cư, gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo ngành công an thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp nghị quyết liên tịch giữa Bộ Công an với các ngành đoàn thể về phòng ngừa tội phạm ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy, chất gây nghiện với số lượng lớn...

Còn đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng trong báo cáo được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội, nhiều từ khóa nhạy cảm như "lợi ích nhóm", "móc ngoặc", "bôi trơn", "bảo kê", "sân sau"… đã được đưa vào báo cáo nhiều lần, cho thấy một thái độ thẳng thắn, kiên quyết, không né tránh trong cuộc đấu tranh này. Tuy vậy, đại biểu đánh giá báo cáo mới chỉ dành một thời lượng khiêm tốn trong phân tích nguyên nhân, hạn chế; đề nghị cần tập trung làm rõ hơn tại sao lại gia tăng tình trạng “mù” luật, nhờn luật, thách thức và coi thường pháp luật; và trong công tác phòng chống tội phạm thì đâu là vùng trũng, đâu là điểm nghẽn, đâu là khâu bế tắc cần tháo gỡ...

Tín dụng đen có xu hướng lan rộng

Đánh giá công tác phòng chống tội phạm được kiềm chế, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, song đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho rằng tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, tội phạm, vi phạm trật tự an toàn xã hội có giảm 2,12% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng: Giết người tăng 3,9%; cướp tài sản tăng 5,06%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 4,6%; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tăng 5,56%; hoạt động của các băng nhóm tội phạm liên quan đến bảo kê, tín dụng đen kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật diễn ra rất phức tạp, có xu hướng lan rộng đến vùng nông thôn, miền núi. Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ sử dụng vũ khí gây án nghiêm trọng với hành vi gây án tàn bạo...gây lo lắng, bất an cho nhân dân.

Đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay có 3 loại tội phạm có mối liên hệ làm phức tạp về tự an toàn xã hội, gây bất an cho nhân dân. Theo đó, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, còn tín dụng đen, còn cờ bạc, còn làm ăn phi pháp thì còn xã hội đen; tín dụng đen-cờ bạc-làm ăn phi pháp nuôi dưỡng xã hội đen để bảo kê, đòi nợ thuê, siết nợ... Hoạt động tín dụng đen đang phổ biến từ Bắc vào Nam, ở đâu cũng có tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp với lãi suất 20%, thậm chí 40%/tháng, thỏa thuận lãi suất bằng miệng..., khiến nhiều người mất nhà, mất đất, bần cùng vì tín dụng đen...

Để nâng cao chất lượng công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt tập trung khắc phục 8 nguyên nhân được đề cập trong báo cáo và có những giải pháp cụ thể để ngăn chặn 3 loại tội phạm trên.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao-va-toi-pham-lien-quan-den-ma-tuy-dien-bien-phuc-tap-554356