Tội phạm muốn an toàn, hãy ở trong tù?

Đó là tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte, khi ông 'nhắn nhủ' tới các nghi phạm sử dụng ma túy ở tỉnh Cebu và việc này đang gây tranh cãi ở Philippines.

"Nếu là một trong số các bạn ở Cebu, tôi sẽ ở trong tù. Bạn muốn sống lâu hơn? Hãy ở trong tù. Bạn nên tự tìm lý do khiến bản thân bị bắt giữ. Đừng ra khỏi trại giam, sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn", tờ South China Morning Post dẫn lời ông Rodrigo Duterte.

Mặc dù không chỉ đích danh cá nhân nào, nhưng ông Rodrigo Duterte đã đề cập đến số người bỗng trở nên giàu có từ việc buôn bán ma túy trái phép tại tỉnh Cebu.

Đây được coi là cảnh báo mới nhất của Tổng thống Rodrigo Duterte đối với tội phạm ma túy. Và việc này diễn ra trước khi 9 nghi can ma túy mới bị bắn chết trong một cuộc đột kích của cảnh sát tại tỉnh Cotabato, và sau khi Thị trưởng thành phố Daanbantayan Vicente "Vic" Loot thoát chết trong vụ phục kích tại Maya Port, phía Bắc tỉnh Cebu.

Điều đáng nói là ông Vicente "Vic" Loot thoát nạn (13-5) chỉ hơn 4 tháng sau khi bị ông Rodrigo Duterte "đe dọa lấy mạng vì bảo kê ma túy". Phát biểu sau vụ bị 5 tay súng đi trên chiếc xe bán tải màu trắng tấn công, ông Vicente "Vic" Loot tuyên bố, không có ý kiến về động cơ đằng sau vụ tấn công, nhưng kêu gọi ông Rodrigo Duterte đảm bảo an ninh cho mình.

Gần 2 năm trước (tháng 7-2016), ông Vicente "Vic" Loot từng là 1 trong 5 sĩ quan cao cấp của cảnh sát bị ông Rodrigo Duterte chỉ đích danh có liên quan đến bảo kê cho hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp. Cảnh sát cho biết, ông Vicente "Vic" Loot thoát nạn sau vụ phục kích khi đang cùng gia đình đi trên chiếc thuyền vừa cập cảng, nhưng có 4 người bị thương.

Hơn 20 ngày trước (11-5), nữ Chánh án Tòa án tối cao Maria Lourdes Sereno bị bãi nhiệm. Bà Maria Lourdes Sereno mất ghế Chánh án Tòa án tối cao sau khi 14 thành viên của Tòa án tối cao bỏ phiếu với tỷ lệ 8 thuận/6 chống.

Ngoài việc bị phế truất, bà Maria Lourdes Sereno còn phải giải thích về một số cáo buộc như "bôi nhọ và có động cơ xấu với các thành viên của Tòa án tối cao".

Bà Maria Lourdes Sereno là Chánh án Tòa án tối cao đầu tiên bị đồng nghiệp truất phế. Tổng thống Rodrigo Duterte không hề che giấu việc có thành kiến với bà Maria Lourdes Sereno, thậm chí còn gọi nữ Chánh án Tòa án tối cao đầu tiên tại Philippines là "kẻ thù".

Tổng Công tố Jose Calida là người kiến nghị Tòa án tối cao phế truất bà Maria Lourdes Sereno. Luật sư của Tổng thống Rodrigo Duterte là Salvador Panelo và người phát ngôn chính phủ Harry Roque yêu cầu công chúng tôn trọng phán quyết này.

Nhưng người phát ngôn của nữ Chánh án Tòa án tối cao cho biết, bà Maria Lourdes Sereno sẽ kháng cáo. Bởi theo bà Maria Lourdes Sereno, cách duy nhất có thể bãi nhiệm Chánh án Tòa án tối cao là thông qua kiến nghị luận tội theo quy định của Hiến pháp Philippines năm 1987.

Trước đó, người phát ngôn của bà Maria Lourdes Sereno là ông Jojo Lacanilao từng tuyên bố, không một thể chế nào ngoài Thượng viện có thể buộc nữ Chánh án Tòa án tối cao từ chức.

Các chính trị gia đối lập đều lên án việc phế truất bà Maria Lourdes Sereno. Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros gọi đây là "một cú đâm thẳng vào Hiến pháp".

Bà Maria Lourdes Sereno bị cáo buộc tham nhũng và vi hiến vì không khai báo tài sản và thực hiện trách nhiệm của mình theo yêu cầu của luật pháp, sử dụng công quỹ sai mục đích và tự đưa ra các quyết định, không tham vấn các thẩm phán khác.

Nữ Chánh án Tòa án tối cao Maria Lourdes Sereno.

Tân Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) Oscar Albayalde cũng từng tuyên bố (20-4), sẽ tiếp tục cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động.

"Làm gì để duy trì cuộc chiến chống ma túy? Và để duy trì nó, chúng tôi sẽ không thay đổi gì cả. Tại sao chúng tôi phải chấm dứt một chương trình đang rất hiệu quả?", ông Oscar Albayalde tuyên bố sau lễ tuyên thệ nhậm chức.

Theo thống kê chính thức, hơn 4.000 nghi phạm ma túy (chủ yếu là người nghèo) đã bị chết trong các vụ đụng độ với cảnh sát, kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte phát động chiến dịch chống ma túy cách đây gần 2 năm (tháng 6-2016).

Tuy biện pháp cứng rắn của ông Rodrigo Duterte vấp phải sự chỉ trích của phương Tây, nhưng gần 90% người dân Philippines ủng hộ chiến dịch này.

Theo giới truyền thông, một số nghị sỹ tại Thượng viện vừa yêu cầu Tòa án tối cao vô hiệu hóa quyết định của Tổng thống Rodrigo Duterte rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Nhưng theo người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Harry Roque, Tòa án tối cao sẽ không xem xét kiến nghị của số Thượng nghị sĩ kể trên. Giới truyền thông cho biết, ông Rodrigo Duterte thông báo quyết định rút khỏi ICC từ tháng 3, sau khi một công tố viên ICC cáo buộc Tổng thống và các quan chức hàng đầu của Philippines phạm tội ác chống nhân loại, khi phát động chiến dịch chống ma túy.

Trịnh Huyền My

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/philippines-toi-pham-muon-an-toan-hay-o-trong-tu-493479/