Tội phạm ma túy thời phong kiến bị xử thế nào?

Dưới thời trị vì của vua Minh Mạng, nước ta lần đầu tiên ban hành các văn bản, luật lệ để phòng, chống ma túy.

Ngay sau khi lên ngôi năm 1820, vua Minh Mạng ban hành lệnh cấm thuốc phiện với chỉ dụ: “Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ nước ngoài đem lại, những phường du côn lêu lổng lúc mới hút cho là phong lưu, rồi chuyển thành thói quen, thường nghiện mà không bỏ được. Vì nó, quan thì bỏ chức vụ, dân phá hết sản nghiệp, thậm chí gầy mòn thành tật… nay nên bàn để cấm đi”.

Ban hành luật chống ma túy

Trong buổi đầu, nhà Nguyễn chưa có những quy định cụ thể dành cho người buôn bán và sử dụng thuốc phiện, nhưng đã có quy định cụ thể để khen thưởng và xử phạt những người có liên quan.

Quy định đó là: “Không kể quan hay dân, ai dám hút thuốc phiện và cất giấu mà nấu nướng, buôn bán thì bị xử tội đồ (tù khổ sai). Ai bắt được mà tố cáo thì thưởng 20 lạng bạc. Cha anh không răn đe cấm con em, hàng xóm biết mà không tố cáo đều bị xử đánh trượng”.

Qua nhiều năm hoàn thiện, đến năm Kỷ Hợi (1829), vua Minh Mạng giao cho bộ Hình thảo bản Điều lệ cấm thuốc phiện hoàn chỉnh.

Quan lại và dân thường hút thuốc phiện, tang vật từ một cân trở xuống bị phạt đánh 100 trượng, phạt lưu (đi đày) 3.000 dặm. Tang vật từ một cân trở lên thì bị xử theo tội chứa dấu và tịch thu gia sản.

Cha, anh không biết ngăn cấm con em, hàng xóm biết mà không tố cáo đều bị phạt 100 trượng. Ai cáo giác đúng, bắt được tang vật từ một cân trở lên thì theo lệ cáo giác buôn bán thuốc phiện mà nghị thưởng.

Sau khi lên ngôi năm 1820, vua Minh Mạng đã ban hành lệnh cấm thuốc phiện.

Những người làm nghề nấu thuốc phiện và tàng trữ, bán thuốc phiện sống, thuốc phiện chín, từ một cân trở xuống phạt đi quân ở biên viễn, từ một cân trở lên xử giảo giam hậu (treo cổ nhưng còn giam để xét), tịch thu gia sản sung công.

Cha anh kẻ phạm pháp không biết ngăn chặn con em, hàng xóm biết mà không tố cáo thì trừng phạt theo tội nghiện hút thuốc phiện. Kẻ cùng thuyền biết mà không báo quan thì xử phạt đánh 60 trượng, đồ một năm.

Người nào tố giác đúng sự thật, tang vật dưới một cân thưởng 100 quan, từ một cân trở lên thưởng 150 quan, từ 30-40 cân trở lên thì tâu lên để xin thưởng thêm.

Quan lại bị xử nặng hơn dân thường

Với thuyền buôn ngoại quốc, tang vật thu được từ một cân trở xuống thì giảo giam hậu, từ một cân trở lên thì giảo lập quyết (thắt cổ ngay lập tức), thuyền và hàng hóa bị tịch thu sung công.

Thuyền buôn, thuyền chài chuyên chở thuê thuốc phiện lên bờ và các hiệu thuốc trong phố cất giấu thuốc phiện thì bị xử cùng một tội với chính phạm, tịch thu toàn bộ gia sản. Người đi cùng thuyền biết không tố giác bị xử ít hơn kẻ chủ phạm hai bậc (đánh 100 trượng, đồ 3 năm).

Nếu nhận hối lộ để không tố giác bị khép vào tội “uổng pháp” tức bẻ cong pháp luật, theo mức nặng nhẹ mà xử. Nếu người nào tố cáo đúng sự thật thì thưởng “tang vật dưới một cân thưởng 150 quan, một cân trở lên thưởng 200 quan, từ 30-40 cân thì tâu lên để thưởng thêm”.

Quan lại, quân lính lợi dụng các chuyến đi công cán ở nước ngoài để mua giấu thuốc phiện mà tang vật thu được dưới một cân thì xử trảm giam hậu (xử chém nhưng còn giam để chờ xét). Từ một cân trở lên thì bị trảm quyết - xử chém ngay lập tức, tài sản can phạm bị sung công.

Kẻ nhận tiền chở thuê và cất giấu thuốc phiện cũng bị xử như chính phạm và bị tịch thu gia sản. Người cùng thuyền biết mà không tố cáo thì bị xử kém chính phạm một bậc (đánh 100 trượng, phạt lưu 3.000 dặm). Người ăn tiền mà không tố giác thì theo tội “uổng pháp”, mức nặng mà xử.

Người nào tố giác đúng được thưởng, tang vật dưới một cân được thưởng 200 quan, một cân trở lên được thưởng 250 quan…

Người thừa hành công vụ mà ăn đút lót mà có ý dung túng thì xử cùng một tội với chính phạm. Người nào khám xét sơ suất không phát hiện được thuốc phiện lậu thì bị phạt 100 trượng và cách chức.

Người phát hiện thuyền buôn có thuốc phiện thì chiếu theo lệ cáo giác thuyền buôn mà thưởng, nếu là quan chức thì được thăng cấp.

Những người đi bắt thuốc phiện mà ăn tiền hối lộ, có ý tha, khi phát hiện ra đều xử như kẻ chính phạm. Người nào xét xử không đúng, tội không đến mức xử tử mà tang vật đến mức phải xử tử thì xử ở mức nặng nhất. Cấp trên để cho cấp dưới sai phạm thì bị xử thấp hơn một bậc.

Kẻ nào vu cáo người khác buôn bán, tàng trữ thuốc phiện, nghiện hút, đều chiếu theo luật vu cáo mà xử kém một bậc. Nếu vu cáo người ta để đến tội chết mà lỡ xử rồi, người vu cáo cũng bị xử chết. Kẻ nào mượn cớ để gây nhiễu loạn, làm khổ dân lành thì chiếu lệ những kẻ côn đồ, hung ác mà xử tội đi đày.

Vua Minh Mạng tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, là vị vua thứ hai của triều Nguyễn. Sau khi lên ngôi, ông lấy niêm hiệu là Minh Mạng, đặt quốc hiệu là Đại Nam.

Trong 21 năm trị vì (1820-1841), vua Minh Mạng đã xây dựng đất nước hùng mạnh bậc nhất khu vực, được các nước lân bang nể trọng.

Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn, Minh Mạng là ông vua cần mẫn, làm việc không biết mệt mỏi, hết lòng vì nước, là tấm gương sáng cho các bậc đế vương noi theo.

Dưới thời trị vì của mình, để yên bình xã tắc, vua Minh Mạng đã có những biện pháp xử phạt rất mạnh tay với quan lại phạm các tội như tham nhũng, buôn bán thuốc phiện, gây phiền nhiều cho nhân dân…

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/toi-pham-ma-tuy-thoi-phong-kien-bi-xu-the-nao-871617.html