Tội phạm gây tin đồn

Thời gian qua, nóng nhất trên mạng xã hội cũng như báo chí, là tin đồn về 'bồ nhí' của một quan chức lớn tỉnh Thanh. Công an tỉnh vào cuộc, điều tra được tiến hành, cho đến lúc này, người tung tin đồn thì chưa tìm ra, nhưng có thể thấy, tin đồn này đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín vị quan chức này như thế nào.

Tin đồn về việc Phó bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa có “bồ nhí” xuất hiện tại facebook có tên “Son Thai” vào lúc 20h ngày 19/3, dưới hình thức một status với nhiều hình ảnh cá nhân của một cô gái cùng loạt tin nhắn mà cô gái và Phó bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa trao đổi qua lại. Status này ngay lập tức được phán tán khắp cộng đồng Facebook trong đêm 19/3 và ngày 20/3. Rất nhanh chóng, chiều 20/3, nhiều báo đã thông tin về việc các thông tin được truyền tải từ Facebook Son Thai là giả. Ngày 22/3, Công an Tỉnh Thanh Hóa đã ra thông báo với kết luận ban đầu:

“Xác định trong Facebook Sơn Thai đăng thông tin và hình ảnh liên quan của cô Nguyễn Thị Trang, hiện đang công tác tại Phòng Biên tập, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa.

Quá trình làm việc với công an, cô Trang xác nhận các hình ảnh đăng tải trên facebook Sơn Thai là đúng hình ảnh của cô. Tuy nhiên, cô Trang khẳng định đây là hành vi dựng chuyện, vu khống và xúc phạm nhân phẩm của cô, vì cô không hề quen biết và chưa bao giờ gặp gỡ, cũng như tiếp xúc với ông Đỗ Trọng Hưng”.

Trong thời đại kỹ thuật số, khi mạng xã hội đi sâu vào đời sống mỗi người dân và trở thành một phương tiện kết nối không thể thiếu, thì “tin đồn” càng có đất để sống, và sống mạnh. Chỉ cần một tin được nói ra, dù là một bình luận phía dưới bài viết trên một trang facebook, thì lập tức, “tin” đó được chụp lại và lan truyền với tốc độ nhanh chóng mặt. Trường hợp về hai mẹ con (được cho là sống tại khu Thảo Điền, quận 2) mất do kiệt sức khi sinh nở theo phương pháp “thuận tự nhiên” là một ví dụ điển hình, sau khi kiểm tra, ra soát địa bàn, cơ quan chức năng kiểm chứng đó là thông tin giả, không có trường hợp mẹ con tử vong như trên. Tuy nhiên đồng thời với tin đồn giả đó, các nhà y khoa cũng cho rằng sinh nở theo “phương pháp thuận tự nhiên” kèm với không hiểu biết cũng như chưa phù hợp với môi trường, điều kiện cũng sẽ gây hậu quả nguy hại khôn lường.

“Tin đồn” khi gây ảnh hưởng mạnh đến tâm lý số đông người, buộc các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm chứng để “dập tắt tin đồn”. Tuy nhiên, các bước tiến hành chưa được kĩ càng tỉ mỉ và thuyết phục được người dân, nên sự tin vào các “tin đồn” đó vẫn còn âm ỉ cháy.

MC/ Nhà thơ Yên Khương chia sẻ: “Rất nhiều trường hợp cụ thể đã cho thấy tác động khủng khiếp của tin đồn đến tâm lý và đời sống của những nạn nhân bị tung tin. Từng có một diễn viên lận đận một đời vì tin đồn nhiễm HIV chỉ vì diễn quá nhập vai. Có những nữ sinh thậm chí suýt mất mạng vì bị lấy hình ảnh thông tin rồi gán ghép vào những tin tức xấu. Đó là vài ví dụ cho những tin đồn tác động đến cá nhân, chứ chuyện tin đồn “giết chết” cả doanh nghiệp là chuyện đâu hiếm thấy, những cú ngã vì tin đồn của các doanh nghiệp kéo theo “bát cơm” của biết bao con người. Thế mới thấy, những cá nhân là nạn nhân của tin đồn, họ quá bé nhỏ trước đám đông phán xét, hả hê trước những thông tin sai lệch, và họ không thể làm gì. Với những người từng trải, có kinh nghiệm sống, mọi thứ có thể sẽ qua đi, ngược lại, áp lực tâm lý hoàn toàn có thể bóp chết những tâm hồn mong manh, non nớt”.

Những kiểu “tin đồn” nào có khả năng lan tỏa mạnh nhất? Đó là những thông tin tiêu cực, gắn với đích danh một người/ một tổ chức cụ thể. Dù nơi khởi phát cho tin đồn đó, thường là một trang tin “ngoài lề” không nằm trong sự quản lý của báo chí chính thống, chuyên đưa ra các tin giả, của những tài khoản giả, tung tin xong là khóa ngay xóa dấu vết, nhưng người sử dụng mạng xã hội sẽ nhanh chóng sao chụp tin lại, và tiếp tục truyền tin.

“Tin đồn” khi đã gieo, thì lập tức, được sự cộng hưởng của số lượng lớn người tin theo, lan tỏa thành làn khí ô nhiễm khổng lồ trên các trang mạng xã hội, diễn đàn… Nhiều đối tượng tung tin đồn gây hậu quả xấu nghiêm trọng, sau khi bị công an điều tra đã bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tuy nhiên tin đồn không vì thế mà giảm đi.

“Có thể ví đó như “điếc không sợ súng”. Những kẻ tung tin đồn chia làm nhiều đối tượng, trong đó đối tượng thủ đoạn tinh vi, nắm rõ luật pháp, dựa vào những kẽ hở để trục lợi thường ít hơn đối tượng vào hùa với đám đông, không hiểu biết luật pháp, nghĩ nôm na mạng xã hội cũng như nhà mình, mình thích nói gì thì nói, thích làm gì thì làm. Đáng tiếc, không riêng gì người không được ăn học, đào tạo mà đến cả những người của công chúng, người có học hành đào tạo bài bản, có địa vị tốt trong công việc vẫn bị cuốn theo tin đồn và trở thành tội phạm lúc nào không hay”. Nhà thơ Đoàn Văn Mật nói.

Việt Quỳnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/toi-pham-gay-tin-don-tintuc399586