Tội phạm đua xe trái phép đang thách thức pháp luật

Việc tổ chức đua xe cho thấy cách hành xử vô pháp vô thiên, không coi an ninh chung, quyền lợi riêng của mỗi người dân ra gì.

Hai tuần trước, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã lập tức chỉ đạo công an vào cuộc khi biết thông tin hàng trăm thanh niên chặn một đoạn quốc lộ 1A để đua xe.

Hai tuần trước, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã lập tức chỉ đạo công an vào cuộc khi biết thông tin hàng trăm thanh niên chặn một đoạn quốc lộ 1A để đua xe.

Câu chuyện còn đang nóng hổi thì ngay tại TP.HCM, một đám đông khác chặn cả đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Dầu Giây để đua và Phòng CSGT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án này để điều tra.

Tưởng rằng với các động thái trên, những quái xế sẽ chùn chân nhưng chỉ sau vài tiếng đồng hồ Công an TP.HCM thông tin khởi tố vụ án tổ chức đua xe thì một đám đông khác chặn luôn đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7) để đua.

Chuyện đua xe thoạt nhìn tưởng chỉ là phút bốc đồng của một đám ngổ ngáo nhưng hậu quả và hệ quả thì không nhỏ chút nào. Vì sao?

Nó cho thấy cách hành xử vô pháp vô thiên, không coi an ninh chung, quyền lợi riêng của mỗi người dân ra gì. Khi con đường huyết mạch với lưu lượng xe lớn bị ngăn, giao thông bị ách tắc.

Nó còn cho thấy sự thách thức, giỡn mặt với quyền lực công cộng. Việc hạn chế giao thông phải được thực hiện bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, vì mục đích chung và cực kỳ hạn hữu theo nguyên lý “hy sinh một lợi ích nhỏ nhất thời vì lợi ích khác lớn hơn”. Chẳng hạn: Cấm lưu thông vì cầu yếu; cấm lưu thông để bảo vệ hiện trường tai nạn hoặc án mạng; tạm ngừng các phương tiện để nhường đường cho xe ưu tiên; vì lý do an ninh hoặc dịch bệnh...

Ở đây, việc chặn cả một đoạn đường mấy kilomet để đua xe là sự giỡn mặt và thách thức quyền lực nhà nước, xâm hại quyền lợi công cộng.

Nhiều người cho rằng do pháp luật lỏng lẻo nên những kẻ này nhờn mặt. Thực sự không phải vậy!

Theo Điều 34 Nghị định 100/2019, hành vi đua xe trái phép, lạng lách đánh võng và cổ vũ đua xe trái phép có thể bị phạt tới 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến năm tháng. Ở mức độ nặng, hành vi đua xe trái phép sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 266 BLHS 2015 với án phạt lên tới 10 năm tù và phạt bổ sung tới 50 triệu đồng. Đi kèm với nó là những hành vi rất có thể sẽ xảy ra như gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Những hành vi này đều đã có quy định của pháp luật điều chỉnh rất nghiêm khắc.

Thế thì vì sao nạn đua xe trái phép lại hoành hành ngay trước mặt công an và chính quyền, khiến cho dư luận bức xúc và pháp luật bị thách thức, coi nhẹ?

Có vẻ như cơ quan công an chưa đánh giá hết sự nguy hiểm của tội phạm đua xe trái phép nên ngăn chặn và xử lý còn nhẹ. Một vụ trọng án với rất ít dấu vết, có trường hợp vài ngày, thậm chí trong ngày thủ phạm đã tra tay vào còng. Trong khi đó việc lập nhóm, lên lịch chặn đường để đua và cổ vũ đua xe với sự tham gia của hàng trăm thanh thiếu niên thì lại không được phát hiện, ngăn chặn và chậm xử lý. Chắc chắn quá trình thực hiện tội phạm không thể qua mắt được lực lượng trinh sát hình sự vốn giỏi nghiệp vụ và có kinh nghiệm đấu tranh. Chỉ là chưa đánh giá hết tính chất tội phạm mà thôi.

Sự tổn hại quyền lợi công cộng của tội phạm đua xe trái phép không chỉ là giao thông ách tắc, tai nạn, tiếng ồn. Một khi họ dám chặn cả cao tốc và quốc lộ để đua xe mà không bị trừng trị kịp thời và nghiêm minh thì thiệt hại lớn nhất nằm ở chỗ pháp luật bị giỡn mặt!

ĐỨC HIỂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/toi-pham-dua-xe-trai-phep-dang-thach-thuc-phap-luat-979829.html