Tội phạm công nghệ cao là người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam bị xử lý ra sao?

Thời gian qua, tình trạng người nước ngoài phạm tội (đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao) tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng với diễn biễn phức tạp. Liên quan đến hiện tượng này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Phải chăng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do người nước ngoài phạm tội được hưởng quyền ưu tiên, quyền miễn trừ?

Gia tăng tội phạm công nghệ cao là người nước ngoài

Mới đây, lực lượng công an TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khi kiểm tra, khám xét tại khách sạn Duy Nhất ở đại lộ Nguyễn Tất Thành, xã Phước Đồng, TP Nha Trang đã phát hiện bên trong khách sạn, hàng chục người Trung Quốc đã lắp đặt nhiều thiết bị công nghệ cao để nhóm người nước ngoài thuê nhà thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mạo danh nhà chức trách, điện thoại khống chế, đe dọa, ép buộc người khác chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng…

Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ hàng trăm loại thiết bị công nghệ cao cùng nhiều hộ chiếu, ngoại tệ, tiền Việt…Sau đó, 77 đối tượng người nước ngoài có liên quan đã bị dẫn giải về Cơ quan ANĐT CAT Khánh Hòa để tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng với việc tạm giữ người và phương tiện vi phạm, Công an tỉnh Khánh Hòa sẽ có văn bản gửi đến Sở Ngoại vụ Khánh Hòa để cơ quan này tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thông báo vụ việc đến Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam biết nhằm phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp (ảnh minh họa)

Tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp (ảnh minh họa)

Trên đây chỉ là 1 ví dụ trong hàng chục vụ việc người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam diễn ra trong thời gian qua. Hành vi phạm tội do người nước ngoài gây ra rất đa dạng, từ giết người, cướp tài sản, cướp giật, trộm cắp, buôn bán, vận chuyển ma túy đến vận chuyển, mua bán tiền giả, lừa đảo rút tiền ngân hàng, kinh doanh hướng dẫn du lịch, mở cơ sở chữa bệnh trái phép, lừa đảo qua mạng công nghệ cao gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.

Tuy vậy, việc xử lý vi phạm đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam gặp không ít khó khăn do họ thường có thái độ bất hợp tác. Bên cạnh đó, chế tài về xử lý người nước ngoài vi phạm như lập biên bản vi phạm, buộc xuất cảnh… chỉ mang tính tạm thời, chưa đủ sức răn đe.

Xử lý ra sao?

Về các quy định về việc xử lý người nước ngoài phạm tội, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, trừ người có thân phận ngoại giao được miễn trừ trách nhiệm hình sự, còn lại chính sách xử lý về cơ bản không có sự phân biệt giữa người nước ngoài và người Việt Nam.

Điều 5 BLHS 2015 (sửa đổi) quy định về hiệu lực của BLHS đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Theo đó, BLHS được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Như vậy, khi phát hiện đối tượng người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, cơ quan chức năng cần xác định họ có nằm trong trường hợp bị xử lý trách nhiệm hình sự hay không.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 6 BLHS 2015 cũng nêu rõ: “Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia”.

Như vậy, đối với tội phạm công nghệ cao là người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội tại Việt Nam, nếu không thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự giống như công dân Việt Nam phạm tội.

Việc xác định những vấn đề liên quan đến tội phạm và hình phạt được áp dụng trong trường hợp xử lý trách nhiệm hình sự đối với người nước ngoài phạm tội đều dựa trên các quy định của BLHS. Căn cứ hành vi phạm tội và các dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng tượng phạm tội sẽ bị xử lý hình sự về tội danh tương ứng - Luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

Khi quyết định hình phạt đối với họ, ngoài những quy định chung, người nước ngoài phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt trục xuất như là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/toi-pham-cong-nghe-cao-la-nguoi-nuoc-ngoai-pham-toi-tai-viet-nam-bi-xu-ly-ra-sao/813325.antd