Tội phạm buôn người qua biên giới vẫn hoành hành

10 năm qua, cả nước có khoảng 22.000 phụ nữ và trẻ em đã bị bán sang Trung Quốc với nhiều mục đích như làm vợ, làm gái mại dâm, làm lao động khổ sai… Nạn nhân trong các vụ buôn bán này chủ yếu sống ở các vùng nông thôn, trình độ dân trí thấp, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhẹ dạ cả tin. Vì mong muốn được thoát khỏi sự vất vả, đói nghèo, họ dễ dàng trở thành con mồi của bọn tội phạm buôn người.

BĐBP Nghệ An đang lấy lời khai của tội phạm trong đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Ảnh: BĐBP Nghệ An cung cấp

Qua điều tra các chuyên án, vụ án xảy ra gần đây cho thấy, bọn tội phạm vẫn sử dụng thủ đoạn cũ lợi dụng số phụ nữ, trẻ em (PNTE) ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Điều này rất dễ hiểu bởi ở những khu vực này, trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật, nhận thức xã hội hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định nên khi kẻ xấu hứa hẹn giúp đỡ tìm kiếm việc làm ở thành phố hoặc ở nước ngoài có thu nhập cao, làm cho nạn nhân mất cảnh giác, tin vào đối tượng, để từ đó bị lừa bán qua biên giới. Với số phụ nữ thích ăn chơi, lười lao động, chúng rủ rê đến khu vực biên giới tham quan du lịch, mua sắm, sau đó móc nối với các đối tượng là người địa phương đưa qua biên giới bán.

Lợi dụng cơ chế ở các khu kinh tế mở, bọn tội phạm còn dùng giấy thông hành công khai đưa nạn nhân qua cửa khẩu, sau đó bán cho các chủ chứa hoặc các tổ chức tội phạm quốc tế. Cũng có nhiều trường hợp, đối tượng giả yêu, lừa tình hoặc tìm kiếm "nguồn hàng" bằng cách làm quen với nạn nhân qua các dịch vụ Internet, hẹn hò "yêu đương" rồi tìm cách bán qua biên giới. Bên cạnh đó, số phụ nữ lấy chồng Trung Quốc lợi dụng về nước thăm thân đã móc nối với kẻ xấu thiết lập đường dây đưa PNTE ra nước ngoài bán dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm như bán hàng, du lịch... Những nạn nhân sa vào viễn cảnh cuộc sống tươi đẹp được đưa qua các đường mòn, lối mở biên giới sang Trung Quốc bán vào các điểm mại dâm hay bán làm vợ cho người Trung Quốc ở sâu trong nội địa để nạn nhân không trốn về được. Đáng lo ngại là hoạt động bắt cóc, chiếm đoạt PNTE gia tăng trong thời gian qua. Bọn tội phạm lợi dụng PNTE đi chợ, làm nương, lấy củi, chăn thả gia súc... sát biên giới rồi tổ chức lực lượng phục bắt. Đối với các gia đình có con trai còn nhỏ, chúng lợi dụng đêm tối đột nhập vào nhà dùng hung khí khống chế, đe dọa, giết hại người thân, sau đó bắt cóc trẻ em. Có trường hợp, đối tượng vờ giúp đỡ làm nương, sau đó lợi dụng sơ hở của phụ huynh để bắt cóc trẻ em, hoặc xin ngủ nhờ qua đêm, lợi dụng lúc mọi người trong gia đình ngủ say, đánh thuốc mê để thực hiện hành vi bắt cóc. Theo báo cáo của lực lượng BĐBP, năm 2012, các đồn biên phòng đã xác lập gần 20 chuyên án, hơn 30 kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ hàng trăm đối tượng, tiếp nhận và giải cứu hơn 200 nạn nhân. Hoạt động của tội phạm mua bán người, bắt cóc PNTE trên khu vực biên giới Việt - Trung chiếm 65% số vụ bị bắt giữ trên các tuyến biên giới. Địa bàn trọng điểm là khu vực biên giới các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Hoạt động mua bán người vừa qua nổi lên là lừa bán PNTE gái cho các ổ mại dâm ở Hà Khẩu, Đông Hưng, Bằng Tường (đối diện các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn) hoặc bán sâu vào nội địa Trung Quốc để cưỡng ép hôn nhân. Nhiều nạn nhân phải lấy những người đàn ông lớn tuổi ở vùng sâu, kinh tế khó khăn, có trường hợp phải phục vụ tình dục cho nhiều người trong một gia đình.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo củng cố, kiện toàn Tiểu ban chỉ đạo 130 của các đơn vị trong BĐBP để đôn đốc thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn người qua biên giới. Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã ra Chỉ thị về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới trong tình hình mới và Kế hoạch thực hiện chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015. Bộ Tư lệnh yêu cầu các đơn vị BĐBP tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ biên phòng, nắm tình hình, điều tra, rà soát thực trạng tình hình, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, đối tượng nổi lên để tập trung đấu tranh. Các đơn vị phải hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, từ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, chiến sĩ, từng bước nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới.

Mai Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/toi-pham-buon-nguoi-qua-bien-gioi-van-hoanh-hanh/