Tội phạm ẩn nấp ở những dấu MẬT

Không hẹn mà gặp, các vụ án lớn rộ lên gần đây có một điểm chung rất không hay. Đó là qua khởi tố, truy tố, xét xử thì 'bức màn đen' về tài liệu mật phát lộ.

Những văn bản có đóng dấu mật hoặc tuyệt mật trong hồ sơ đã khiến nhiều quan chức và những người có lắm tiền nhiều của phạm trọng tội.

Những văn bản có đóng dấu mật hoặc tuyệt mật trong hồ sơ đã khiến nhiều quan chức và những người có lắm tiền nhiều của phạm trọng tội.

Đại án MobiFone mua 95% cổ phần AVG là đơn cử rõ nhất. Cáo trạng ngày 19-10-2019 của VKSND Tối cao chỉ rõ: Dẫu việc MobiFone đầu tư dịch vụ truyền hình không thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước nhưng hai cựu bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn vẫn quyết định “mật” để triển khai.

Chính cái dấu mật đã che các thỏa thuận về việc MobiFone mua cổ phần AVG đã diễn ra trong u u minh minh. Trong ảnh: Hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. Ảnh: TP

Cụ thể, tháng 3-2015, khi việc mua bán chỉ mới manh nha, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) Phạm Đình Trọng lúc đó đã đề nghị các bên không tuyên truyền vụ việc, đồng thời đệ trình đưa giao dịch vào danh mục “mật”. Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khi đó đã ký ngay văn bản đề xuất Bộ Công an xếp dự án vào diện “mật”. Bấy giờ, các thỏa thuận mua cổ phần AVG đã diễn ra trong u u minh minh, vốn của Nhà nước tại MobiFone có nguy cơ bị thiệt hại hơn 6.600 tỉ đồng…

Tương tự, những vụ án liên quan tới Phan Văn Anh Vũ (được quen gọi là Vũ “nhôm”) - người bị truy cứu nhiều tội mà dễ nhớ nhất là “tội” lôi rất nhiều quan chức chóp bu cùng vào tù - cũng có nhiều văn bản tuyệt mật.

“Trong thời gian làm tình báo viên của Tổng cục V (Bộ Công an), Vũ còn làm chủ tịch HĐQT hai công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79. Việc Vũ làm người đại diện theo pháp luật của hai công ty này là không hợp pháp, vi phạm Luật Doanh nghiệp. Bởi lẽ theo quy định thì cá nhân sĩ quan không được tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp”. HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có những nhận định như thế khi tuyên án đối với Vũ cùng hai cựu thứ trưởng Bộ Công an và đồng phạm vào chiều 13-6-2019.

Ấy thế mà cựu thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân đã khai nhận ở phiên tòa phúc thẩm trên là ông đã ký đến sáu văn bản đề nghị chính quyền TP.HCM, Đà Nẵng hỗ trợ Vũ được thuê, mua các dự án mà rồi sau đó là hàng loạt giao dịch trái luật.

Mới đây nhất, trong phiên tòa của TAND TP Hà Nội đang xét xử hai cựu chủ tịch Đà Nẵng cùng nhiều đồng phạm bị cáo buộc phạm hai tội dính dáng đến đất đai, lời khai của một số bị cáo cho thấy nhiều văn bản tuyệt mật không đúng đã là nguyên cớ gây ra tác hại.

Chẳng hạn, chiều 3-1, bị cáo Đào Tấn Bằng (cựu phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) đã khai (đại ý là) ông có sự nhận thức địa phương phải tạo điều kiện cho lực lượng công an hoạt động tình báo để bảo vệ chính quyền. Khi thấy có văn bản tuyệt mật do thứ trưởng Bộ Công an ký, ông càng tin tưởng và ông đã làm tờ trình để chủ tịch Trần Văn Minh giải quyết cho Vũ...

Từ trái qua: Cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, Vũ “nhôm” và Trần Văn Minh. Ảnh: TP

Cũng trong tuần trước, khi bị TAND TP.HCM xét xử tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cũng có lời khai về một văn bản đề nghị của Bộ Công an.

“Văn bản rất ngắn gọn, đóng dấu tuyệt mật, tôi đã bút phê giao Sở TN&MT hướng dẫn thủ tục…”. Bị cáo Tín đã nói vậy về việc chấp thuận cho Công ty 79 của Vũ thuê thửa đất số 15 Thi Sách (quận 1) không đúng với quy định gây thiệt hại cho nhà nước 6,7 tỉ đồng.

Theo Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước 2000 và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 thì bí mật nhà nước là những thông tin quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực mà nếu công khai có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Từ quy định này, khi thấy dấu mật, tuyệt mật là nhiều người ngại can dự vào để tránh mắc tội vô ý hoặc cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Cũng từ sự e ngại của nhiều người, nhiều cơ quan đã tùy tiện xác định tài liệu mật để bưng bít thông tin; chặn việc kiểm tra, giám sát; che giấu hành vi phạm tội…

Điều đáng nói là nếu có nhiều người đã bị xử tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước thì trước giờ không có người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào bị kêu tên và bị chế tài nghiêm khắc vì đã ký ban hành văn bản mật không phù hợp với luật định, gây ra nhiều hệ lụy.

Lỗ hổng pháp lý này cần được sớm khắc phục để hy vọng không còn đại án nào nữa phát sinh từ sự lạm dụng những dấu mật.

THU TÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/luat-va-doi/toi-pham-an-nap-o-nhung-dau-mat-882002.html