Tôi phải làm gì khi công ty trả lương không đúng hạn?

Tôi vào làm công ty đã hơn 05 năm, hợp đồng giữa tôi với công ty là hợp đồng không xác định thời hạn. Trước đây công ty trả lương rất đúng ngày, gần đây công ty nợ lương nhân viên 03 tháng liền với lý do công ty đang gặp khó khăn tài chính. Vậy tôi phải làm sao?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 90 Bộ Luật Lao động năm 2012: Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm: mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Kỳ hạn trả lương: Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần. Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Điều 96 Bộ Luật này quy định nguyên tắc trả lương: Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy, việc công ty không trả lương cho người lao động đúng hạn là vi phạm quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này người lao động có quyền thực hiện khiếu nại lên lãnh đạo công ty để lãnh đạo công ty xem xét thanh toán đầy đủ tiền lương đúng hạn cho bạn. Nếu công ty không thực hiện thì người lao động có quyền làm đơn gửi đơn đến Phòng Lao động Thương binh xã hội nơi công ty có trụ sở để yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết. Nếu hòa giải không thành thì người lao động có quyền nộp hồ sơ khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận cấp huyện nơi công ty có trụ sở để được giải quyết.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động: Tôn trọng, bảo đảm để các bên tự thương lượng, quyết định trong giải quyết tranh chấp lao động. Bảo đảm thực hiện hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật. Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật. Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.

Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi một trong hai bên có đơn yêu cầu do một trong hai bên từ chối thương lượng, thương lượng nhưng không thành hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện.

Bên cạnh đó, bạn cần phải lưu ý đến thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Điều 202 Bộ Luật này quy định: Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Luật sư Quang Trung

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/tu-van-luat/toi-phai-lam-gi-khi-cong-ty-tra-luong-khong-dung-han-55761.html