Tới ngôi đình cổ ngắm tranh Kinh thành

Kinh thành Thăng Long xưa có dòng tranh Hàng Trống nổi tiếng tưởng đã mai một. Nhưng Xuân này, dòng tranh ấy như 'bật mầm' truyền thống giữa ngôi đình cổ Nam Hương.

Xưa kia, với người Thăng Long khi Tết đến Xuân về là lúc treo dòng tranh đầy diễm lệ: Tranh Hàng Trống. Nhìn thấy dòng tranh này, người ta náo nức, sực nhớ đến bao nhiêu huy hoàng của vùng văn hiến. Là sản phẩm của phường nghề mỹ thuật dân gian, song tranh Hàng Trống đạt được sự tinh tế nghệ thuật, thỏa mãn thị hiếu vốn rất khó tính của người kinh kỳ thanh lịch.

Tranh cổ “nảy mầm Xuân”

Ông Đặng Ngọc Tiến – Phó Trưởng ban quản lý Phố cổ Hà Nội nói rằng, đình Nam Hương từ lâu đã trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân Hà Nội và của du khách thập phương đến với Thủ đô. Đây cũng là ngôi đình của phường mỹ thuật dân gian xưa.

Ngoài chức năng tâm linh thờ cúng thành hoàng, tôn vinh nghề tranh và là điểm sinh hoạt cộng đồng, đình Nam Hương nay đã là một không gian văn hóa nghệ thuật. Ở đây có sự kết nối truyền thống của một phường nghề bản địa với những sáng tác của các nghệ sĩ trẻ.

Cho nên không lạ, khi khách thập phương nô nức đến đình chiêm ngắm những tinh túy hội họa. Đình cổ chẳng khác gì một nhà triển lãm mỹ thuật, thậm chí còn sang trọng hơn bởi gắn với tâm ý thánh thần. Thế nên, khách đến thưởng tranh thì đầu tiên là kính lễ tổ nghề, cũng là biết đến dọc dài lịch sử của nghề tranh Kinh thành Thăng Long.

Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống – họa sĩ Lê Đình Nghiên nói rằng, ngày xưa tranh vẫn bày bán ở đình. Các phường thợ khắc tranh và in tranh như Hàng Gai, Hàng Nón, Hàng Quạt, Hàng Hòm, Hàng Đẫy, Hàng Gà... cũng đưa tranh đến bày bán tại đây vào những phiên chợ giáp Tết. Cùng với cành đào bích Nhật Tân, chậu thủy tiên chợ hoa Hàng Lược, một bức tranh Hàng Trống mới treo đủ làm sáng bừng không khí Tết trong những gia đình phong lưu.

Thế rồi trong suốt thời gian dài, dòng tranh đại diện cho đất Kinh thành chìm vào quên lãng. Bao nhiêu bí quyết, tinh hoa cứ dần rơi rụng. Nghệ nhân già mất đi, người trẻ không kế tục, để cho đến bây giờ chỉ còn ông Lê Đình Nghiên thủy chung son sắt với nghề.

Giữa lúc tưởng dòng tranh trứ danh kinh kỳ sẽ “chết”, thì Xuân này lại “bật mầm” nảy nở giữa đình cổ Nam Hương. Nhóm 26 sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa thuộc khoa Hội họa tham gia dự án đã có cơ hội khám phá trực tiếp từ những trải nghiệm thực tế với nghệ nhân Lê Đình Nghiên, để có một cuộc trưng bày đầy hồn cốt xưa.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên – người cuối cùng giữ bí quyết vẽ tranh Hàng Trống.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên – người cuối cùng giữ bí quyết vẽ tranh Hàng Trống.

Giữ nét cổ - đổi truyền thống

Lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh dân gian Hàng Trống xưa, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã đưa một nhóm sinh viên tham gia dự án “Từ truyền thống tới truyền thống”. Anh muốn đưa lớp học từ giảng đường ra thực tế tiếp thu kiến thức, thực hành kỹ năng nghệ thuật cổ truyền.

Khác với tranh Đông Hồ xứ Kinh Bắc chủ yếu dùng kỹ thuật in ván khắc, in ấn hàng loạt, tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ. Tranh chỉ in ván lấy nét, còn màu là thuốc nước, tô bằng bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, còn nửa ngọn bút kia chấm nước, tô tranh theo kỹ thuật vờn màu; có khi còn được dát vàng, dát bạc. Hai màu chủ đạo trong tranh Hàng Trống là màu xanh da trời và hồng điều, có thêm lục, đỏ, da cam, vàng...

Điểm đặc sắc dễ nhận biết là trên tất cả các tranh thờ của Hàng Trống là bao giờ nghệ nhân cũng dùng bột nhũ vàng (kim nhũ), bột nhũ bạc (ngân nhũ) để vẽ những hoa văn trang trí cuối cùng, tạo thêm vẻ lộng lẫy, lung linh, huyền ảo, làm tăng công năng phù hợp với tính thiêng liêng tôn giáo.

Ván khắc in tranh Hàng Trống thường làm bằng gỗ thị, hoặc gỗ thừng mực do các nghệ nhân giỏi nhất thực hiện, gọi là “ra mẫu”. Công việc của người ra mẫu thực chất là sáng tác, có những mẫu tranh phải làm cả tháng mới xong. Chính vì thế, cùng một đề tài mà các nhà làm tranh lại không giống nhau, vì ý tưởng mẫu khác nhau của người ra mẫu.

Các nhà nghiên cứu mỹ thuật tạm chia tranh Hàng Trống ra làm 3 loại. Thứ nhất là tranh thờ, mang màu sắc tôn giáo, hình tượng được thể hiện là con người và vật, tuy gần gũi nhưng phảng phất vẻ thần bí; tiêu biểu là tranh Phúc Lộc Thọ (Tam Đa), Thất đồng, Tôn tử vạn đại. Thứ hai là tranh sinh hoạt và thiên nhiên, điển hình là tranh Chợ quê, Canh nông chi đồ, Chim công, Lý ngư vọng nguyệt, Tứ quý, Tố nữ… Cuối cùng là tranh truyện và tranh vui, gồm: Chuột vinh quy, Thầy đồ cóc, Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa…

Qua cuộc triển lãm tại đình cổ Nam Hương, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, cũng là Ngũ hổ, Lý ngư vọng nguyệt, Tứ quý, Tố nữ… nhưng tranh Hàng Trống được nghệ sĩ trẻ thể hiện bằng chất liệu sơn mài, được đưa lên lụa, được trang trí trên các vật phẩm mang tính đổi mới.

Các chủ đề cũ được sáng tạo bằng góc nhìn mới, những triết lý mới để truyền tải thông điệp của cuộc sống hiện đại. Thậm chí cả những vấn đề nóng bỏng của xã hội như môi trường, giáo dục… cũng được thực hiện bằng ý tưởng nét vẽ cổ truyền.

Xem tác phẩm bộ tứ bình của sinh viên Phạm Tuấn vẽ trên lụa, căng vào bình phong mới thấy mở ra khả năng ứng dụng mới trong thiết kế nội thất. Tác phẩm “Ở trọ” lấy cảm hứng từ “Lý ngư vọng nguyệt” được Ngô Nhật Thanh chồng lên hai lớp lụa mỏng, thêm họa tiết sóng nước lay động mỗi khi gió thoảng tạo thị giác hư ảo như bóng trăng, sóng nước.

Triển lãm dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” tại đình cổ Nam Hương kéo dài hết tháng 3/2021 của 26 nghệ sĩ, với hi vọng sẽ góp phần “đánh thức” thú vui thưởng ngoạn tranh Hàng Trống. Giữ nguyên truyền thống - đổi mới chất liệu là một trong những cách để tranh Hàng Trống “bật mầm” thích ứng trong xã hội hiện đại.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/toi-ngoi-dinh-co-ngam-tranh-kinh-thanh-dJdtwuyMg.html