Tới Mỹ, thăm nơi Bác Hồ từng làm thợ bánh

Tôi đã từng đến nhiều khách sạn, ở trong và ngoài nước, thậm chí may mắn ở khắp năm châu. Ấy thế mà chuyến ghé thăm một khách sạn mãi bên kia nửa vòng Trái đất lại khiến tôi không thể quên, đơn giản bởi đó là khách sạn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh (lấy tên là Văn Ba) từng làm việc, với vai trò của một thợ làm bánh, từ năm 1911 đến năm 1913...

Tác giả tại phòng truyền thống của khách sạn.

Trong gần nửa tháng ở Mỹ tham gia khóa học “Đào tạo quốc tế về kỹ năng lãnh đạo, quản lý”, chúng tôi có dịp thăm nhiều thành phố, đến nhiều trụ sở làm việc nổi tiếng thế giới, như: Bộ Ngoại giao Mỹ, Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Đại học Harvard... Thế nhưng, chuyến thăm ấm áp nghĩa tình, cội nguồn, tự hào dân tộc lại là tới một khách sạn rất đỗi bình dị - khách sạn Omni Parker House, nằm ngay ngã tư khu phố cổ sầm uất ở TP Boston, bang Massachussetts. Đó là một ngày mùa đông buốt lạnh, hanh hao nắng vàng, nhưng nhiệt độ là -6độ. Ai trong đoàn cũng háo hức, cũng mau chóng muốn được tận mắt thấy nơi Bác Hồ làm việc khi xưa...

Ở tầng 1, phòng chờ khá nhộn nhịp khách, để ý dễ thấy dòng chữ: “Tại khách sạn Omni Parker, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc như một thợ làm bánh. Tổng thống J.F. Kennedy đã tuyên bố tranh cử tổng thống. Nhà văn Charles Dickens đã viết những tác phẩm nổi tiếng...”. Bên ngoài khách sạn cổ kính (xây từ năm 1855) ấy, còn có những thông tin khác, đó là, kể từ khi xây dựng, trải qua bao thăng trầm và va đập với thiên nhiên, khách sạn Omni Parker tọa lạc trên đường School đã được sửa chữa, nâng cấp, duy chỉ có gian bếp nhỏ nằm dưới tầng hầm của tòa nhà thì dường như vẫn giữ nguyên.

Gian bếp dưới tầng hầm ấy có gì đặc biệt mà trải qua biết bao thăng trầm suốt hơn 1 thế kỷ, trải qua nhiều đời chủ khách sạn, trải qua không ít lần sửa chữa, nâng cấp, nhưng nó vẫn được giữ nguyên? Thì ra, câu trả lời thật dễ thuyết phục: Đó là nơi Bác Hồ từng làm việc, với vai trò của một thợ làm bánh. Nhưng ở khách sạn Omni Parker không chỉ có gian bếp đặc biệt, lịch sử ấy. Cũng ở dưới tầng hầm, còn có phòng truyền thống lưu lại những dấu mốc của khách sạn, với những con người, hiện vật đã đi vào lịch sử thế giới. Trong đó, nổi bật là một góc trang trọng với những hình ảnh, bút tích nói về việc Bác Hồ từng làm việc tại đây. Đó là một khung ảnh cỡ lớn trong đó có bức ảnh Bác Hồ thời trẻ, là lá thư của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến, ngày 2-8-2005, gửi cảm ơn ông Richard Mason - Tổng Giám đốc khách sạn Omni Parker House và đội ngũ nhân viên đã đón tiếp chu đáo, thịnh tình chuyến thăm Mỹ lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn công tác.

Đó là hình ảnh chiếc bàn đá đơn sơ kèm dòng chú thích: “Hồ Chí Minh từng là thợ làm bánh tại Parker House trong 2 năm, 1911-1913. Người đã sử dụng chiếc bàn đá như trong bức ảnh bên cạnh, và nó vẫn được sử dụng tại quầy bánh của chúng tôi cho đến ngày nay. Nhiều phái đoàn Việt Nam thường đến thăm khách sạn của chúng tôi và bày tỏ sự tôn trọng...”. Đó là chiếc bàn bằng đá cẩm thạch 2 tầng mà Bác Hồ dùng để làm bánh kem Boston Cream Pies và Lemon Meringue Pies - món tráng miệng nổi tiếng của khách sạn. Chiếc bàn đơn sơ, giản dị, nếu không vì giá trị lịch sử, không vì sự tôn trọng đối với Việt Nam, không vì yêu quý, bày tỏ tình cảm, sự ngưỡng mộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắc chắn khách sạn sẽ không thể giữ cho đến ngày nay, nhất là khi nó đã bị vỡ một góc nhỏ. Đáng quý hơn, khách sạn vẫn sử dụng chiếc bàn ấy như một sự tôn trọng quá khứ không dễ gì có được. Đó cũng chính là điểm nhấn vô giá của khách sạn, khi chiếc bàn đá của người thanh niên Văn Ba làm việc khi xưa trở thành đề tài quan tâm của nhiều người có dịp ghé qua TP Boston, dừng chân tại khách sạn Omni Parker House đầy dấu tích lịch sử.

Báo chí Mỹ dành sự quan tâm đáng kể đối với chiếc bàn làm bánh có tuổi thọ hơn 1 thế kỷ mà Bác Hồ từng sử dụng trong những năm đầu bôn ba tìm đường cứu nước, tại Boston. Khách sạn Omni Parker House cũng cắt những bài báo, trang sách có liên quan đã úa màu thời gian, đóng khung kính treo trang trọng trong phòng truyền thống. Ví như trong bài báo của tác giả Mary Billingsley có đoạn: “Trong những năm đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại tiệm bánh của Omni Parker House. Cũng trong thời gian này, Người còn theo học tại Viện Công nghệ Massachussetts (MIT). Ngày ấy, người thợ bánh mang chí tiến thủ đạp tuyết giữa mùa đông giá lạnh ở Boston, ngày ngày đi bộ mấy dặm đường để đến Trường MIT gần bờ sông Charler”.

Hoặc nữ nhà văn, nhà báo Susan Wilson của tờ Boston Globe, trong cuốn sách xuất bản năm 2001 có viết: “Thật thú vị để lưu ý rằng, một nhà cách mạng trứ danh là lãnh tụ Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng dành thời gian làm việc như là một người thợ nướng bánh tại tiệm bánh ngọt của Omni Parker House từ năm 1911 đến năm 1913. Vị đầu bếp đặc biệt ấy đã đem đến niềm vinh dự cho nơi này...”.

Nhiều tư liệu, công trình nghiên cứu lịch sử của Mỹ cũng ghi rằng: Thời gian sống và làm việc ở Mỹ, Bác Hồ đã nghiên cứu thấu đáo lịch sử, thâm nhập cuộc sống của người dân, chứng kiến những bước ngoặt lịch sử, cả tính cách, văn hóa, những phong tục tập quán đặc sắc của các dân tộc và cộng đồng nước Mỹ, cụ thể ngay trong cuộc sống nhộn nhịp của người dân ở Boston...

Nhiều năm qua, không ít nhà khảo cổ, viện bảo tàng quốc tế muốn mua lại chiếc bàn đá cũ xưa, nhưng các đời lãnh đạo khách sạn đều từ chối, vì đó là chiếc bàn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh đạo xuất chúng của thế giới - dùng để làm việc trong thời gian dài tại khách sạn. Đó là nhân chứng lịch sử vô giá... Đó là “báu vật” tinh thần, có sức thu hút lớn, không chỉ đơn thuần về mặt hoạt động kinh doanh của khách sạn, mà còn là địa chỉ lịch sử không phải khách sạn nào cũng may mắn có được. Chính những người sở hữu khách sạn cũng nhiều lần khẳng định rằng, sẽ mãi mãi trân trọng lưu giữ hiện trạng và hiện vật nơi này như duy trì một niềm tự hào mà không nơi nào khác trên nước Mỹ này có được.

Thế nên, chuyến thăm may mắn, ấm áp, bồi hồi cảm xúc vào một ngày đông lạnh giá cuối tháng 12-2018 ấy sẽ không thể nào quên được trong cuộc đời. Một chuyến thăm tuy ít thời gian nhưng được biết thêm khá nhiều điều thú vị về cuộc đời, sự nghiệp bôn ba nơi xứ người tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Và cả những gì mà người Mỹ trân trọng ghi nhận, bảo tồn, lưu giữ và quảng bá với khắp thế giới...

Nguyễn Tri Thức

Boston là một trong những thành phố cổ kính nhất nước Mỹ, là nơi khởi đầu của cuộc cách mạng giành độc lập cho nước Mỹ, nơi được xem như cái nôi của cách mạng Mỹ. Trong thời gian Bác Hồ ở Boston, hầu như ngày nào cũng diễn ra các cuộc tuần hành, biểu tình đòi điều kiện sống và làm việc tốt hơn cho phụ nữ nói riêng, người lao động nói chung...

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/toi-my-tham-noi-bac-ho-tung-lam-tho-banh/118989.htm