'Tôi muốn đi trên đôi chân của mình'

Tên tuổi ông Dương Xuân Quả (thường gọi Năm Nhã, sinh năm 1957, quê quán xã Phú Hưng, Phú Tân) gắn liền với biệt danh rất kêu: 'Vua lò sấy'. Ông đang được chú ý nhiều sau thành công của 'gạo sữa Dương Xuân Quả'. Để có được 'quả ngọt' hôm nay, ông từng trải qua những năm tháng cơ cực, bắt đầu từ số 0 và lòng tin mãnh liệt ở bản thân.

Ông Năm Nhã tiếp tục cải tiến lò sấy để mở hướng đi mới trong tương lai

Cả thời trẻ của ông Năm Nhã được tổng kết bằng chữ “nghèo”. Gia đình “nghèo truyền thống”, khi lớn lên ông làm ruộng, trồng rẫy, nuôi vịt… cái gì cũng làm, mà vẫn giậm chân tại chỗ. Ông tự đặt mục tiêu “vượt nghèo”, nhưng phải làm gì đây? Tình cờ, ông phát hiện mình có thể thực hiện một sản phẩm liên quan đến lò sấy giống như một công ty cơ khí lớn, nhưng giá thành chỉ bằng một nửa. Nếu thành công, ông có thể thu lợi nhuận "1 ăn 1". Ông quyết định mở lối đi cho mình. Năm đó, ông đã 45 tuổi.

Năm 1991, lò sấy xuất hiện. Nhưng nông dân đau đầu vì công nghệ sấy chưa hoàn thiện: sấy không đều, sản phẩm làm ra bị "chê lên chê xuống". Những lúc rảnh rỗi, ông mày mò, thử nghiệm lò sấy tại nhà. Suốt nửa năm, ông vừa nghiên cứu, vừa thực hành. Năm 2005, ông tự tin với những gì mình làm được, bắt đầu đi tìm người có máy cày, máy xới nhiều (chứng tỏ họ có tiềm năng kinh tế, có nhu cầu sử dụng) để giới thiệu sản phẩm lò sấy. Đi “năm hồi mười lượt”, ông mới bán được 1 cái. Năm 2006, bán được cái thứ 30, ông được truyền thông chú ý, bà con nông dân tin tưởng tìm đến mua. Năm 2007, ông bán được 150 cái máy, mấy năm sau có lúc lên đến 260 cái/năm. Sản phẩm sau sấy được thương lái chấp nhận, giá cao hơn bình thường 50 - 100 đồng/kg. Nhẩm sơ sơ, chừng 50% nông dân tỉnh An Giang và Kiên Giang sử dụng công nghệ lò sấy do ông Năm Nhã sáng chế.

Thành quả đã đến. Năm 2012, ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen ngợi: “Tôi đánh giá cao việc một người nông dân bình thường, không được đào tạo chuyên môn, nhưng với niềm đam mê, sáng tạo và tấm lòng vì bà con nông dân đã làm ra những sản phẩm thiết thực, phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp nước ta, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều sông nước. Việc làm của ông không chỉ góp phần giảm bớt nỗi lo lắng, vất vả của người nông dân, giúp nâng thêm thu nhập cho họ, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bền vững”. Năm 2014, doanh nghiệp Năm Nhã của ông đạt danh hiệu “Doanh nghiệp sáng tạo” tại Cuộc thi sáng chế do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Năm 2015, ông có tên trong danh sách “Nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu”… Kể từ đó về sau, giải thưởng, khen thưởng dành cho ông ngày càng nhiều, ghi nhận công lao đóng góp của ông cho xã hội.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì không phải là tính cách của ông Năm Nhã. Ông nâng Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã lên thành Công ty TNHH MTV công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả. Đồng thời, nắm trong tay công nghệ sấy sữa: khi sấy ở độ ẩm thấp (dưới 10%), hạt gạo xay ra có màu đục như sữa, nấu lên có mùi thơm, cơm mềm dẻo, ăn có vị ngọt nhẹ. Đặc biệt, dù để nguội sau 24 giờ, hạt cơm vẫn giữ được độ dẻo, thơm, không bị thiu. Nhiều chuyên gia về máy sấy của nước ngoài, công ty lớn trong nước đều “chào thua” trước lời thử thách của ông Năm: “Làm sao sấy khô như vầy mà hạt gạo không gãy?”. Riêng ông làm được, thậm chí làm nhiều để chào mời mọi người dùng thử. Ông tự tin rằng, sản phẩm này không hề kém cạnh bất kỳ gạo ngon trên thế giới, chỉ khác đặc trưng về mùi thơm, vị ngọt dẻo. Trong đầu ông chợt bật ra ý tưởng: “Vì sao không tiến tới tạo thương hiệu cho gạo Việt?”.

Nghĩ là làm. Ông Năm Nhã xách gạo đi từng hội chợ trưng bày sản phẩm, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, các chuyên gia nông nghiệp, người sành ăn gạo chất lượng… Khi gạo sữa được biết đến, có đơn vị kinh doanh đến tận nơi, đề nghị đầu tư vốn để bao tiêu sản phẩm. Ông từ chối, vì ông muốn đi trên đôi chân của mình. Ông về mày mò thử nghiệm trồng giống lúa OM 4900 tại quê nhà, không sử dụng phân hóa học, mà sử dụng phân Vôi Địa Long pha với sữa tươi, trứng gà bón cho lúa. Vụ đầu tiên, ông nhận về hơn 7 tấn/ha, chất lượng lúa gạo đảm bảo, giảm chi phí đầu tư. Thừa thắng xông lên, mùa vụ thứ 3 vừa được ông gieo trồng.

Giờ đây, ông đang tìm cách đưa gạo sữa ra nước ngoài. “Thành công không đến một sớm một chiều, nên tôi cố gắng động viên mình đừng nản chí, luôn suy nghĩ tích cực, nỗ lực nhiều hơn sau mỗi lần thất bại. Mục tiêu của tôi không còn là làm giàu nữa, mà phải nâng tầm gạo Việt, đưa gạo quê hương xứ sở mình ra thế giới. Gạo ở Châu Âu rất đắt, nhưng chưa hẳn ngon hơn gạo mình. Vậy tại sao chúng ta không tìm cách bán gạo mình với giá cao hơn, giành quyền tự định giá sản phẩm của chính mình, thay vì để người khác định giá? Tự tin, bình tĩnh mà làm - đó là phương châm của tôi” - ông Năm Nhã cười thật hiền.

GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định: “Khi các hiệp định thương mại được ký kết, nếu chúng ta không đi theo các tiêu chuẩn hàng hóa được quy định, sẽ không thể nào bán được. Do đó, bà con nông dân phải lưu ý nguồn gốc sản xuất và đảm bảo chất lượng, an toàn cho người dùng. Năm Nhã là một nông dân chân đất, nhưng biết học tập, nâng cao trình độ từ thực tế, tìm tòi sáng kiến để nâng cao cuộc sống của bản thân và cộng đồng”.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-toi-muon-di-tren-doi-chan-cua-minh--a287526.html