Tới lượt Na Uy tố Trung Quốc gây đe dọa an ninh

Đại sứ quán Trung Quốc ngày 4-2 tuyên bố đánh giá tình báo của Na Uy nói rằng Bắc Kinh đặt ra mối đe dọa cho an ninh Na Uy qua việc tìm cách đánh cắp những bí mật của nước này là lố bịch.

Trong báo cáo đánh giá mối đe dọa thường niên, Cơ quan tình báo PST của Na Uy nói rằng dù các cơ quan an ninh Nga là mối đe dọa lớn nhất, Trung Quốc cũng có những chiến dịch tình báo chống lại doanh nghiệp và lợi ích của Na Uy kể cả các nỗ lực tìm cách xâm nhập mạng lưới máy tính.

"Trung Quốc không mang đến đe dọa nào cho an ninh Na Uy cả. Thật nực cười khi một cơ quan tình báo của một nước lại đưa ra đánh giá an ninh và tấn công Trung Quốc bằng những lời nói suông đầy giả thiết", đại sứ quán Trung Quốc tại Oslo đăng tải trên trang web của mình.

Một phụ nữ đang dùng điện thoại đi ngang qua một cửa hàng của Huawei ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Một phụ nữ đang dùng điện thoại đi ngang qua một cửa hàng của Huawei ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Đại sứ quán Trung Quốc cũng bác phát biểu của lãnh đạo PST, ông Benedicte Bjoernland, rằng mọi người nên cảnh giác công ty Huawei của Trung Quốc vì các mối liên hệ của tập đoàn này với chính phủ Bắc Kinh. Huawei hiện đối mặt với sự giám sát của quốc tế về mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc, cùng với cáo buộc rằng Bắc Kinh có thể sử dụng công nghệ của Huawei để làm gián điệp. Về phía công ty Huawei, họ phủ nhận các cáo buộc trên.

Na Uy đang xem xét liệu có nên cùng với các nước Tây phương loại tập đoàn Huawei ra khỏi công tác xây dựng một phần cơ sở hạ tầng cho mạng lưới 5G mới của Na Uy hay không. Công ty Telenor của Na Uy đã ký hợp đồng lớn đầu tiên với Huawei vào năm 2009, một thỏa thuận mở đường cho sự bành trướng toàn cầu của Huawei.

Trong diễn biến có liên quan, Đan Mạch hôm 4-2 trục xuất hai nhân viên Công ty Huawei của Trung Quốc sau khi kết quả thanh tra cho thấy hai người này không tuân thủ các quy định về giấy phép lao động và cư trú.

Theo cảnh sát nước này, hoạt động thanh tra trên là một phần trong cuộc điều tra thường kỳ của nhà chức trách Đan Mạch đối với các công ty có nhiều người lao động nước ngoài. Bốn nhân viên của Huawei bị cáo buộc phạm luật, trong đó 2 người bị trục xuất khỏi Đan Mạch.

Tuy nhiên, cảnh sát không nêu rõ các nhân viên này có phải là người Trung Quốc hay không. Công sát khẳng định cuộc thanh tra này không liên quan tới những vụ việc dư luận chú ý và những cáo buộc gần đây xung quanh Huawei.

H.Bình (Theo Reuters)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-phu-nhan-gian-diep-an-ninh-mang-20190205085233363.htm