Tôi làm phóng sự 'Xuân về trên đảo Bạch Long Vĩ'

Đầu năm 1994, tôi và nhà quay phim quân đội Hoa Đình Đạt nhận nhiệm vụ ra đảo BạchLong Vĩ làm phóng sự về thanh niên xung phong trên đảo - chuyến tác nghiệp để lại ấntượng cho tôi đến hôm nay sau đúng 1/4 thế kỷ.

Bạch Long Vĩ - Hòn đảo rộng vỏn vẹn 3km2. Ảnh: TL

12 tiếng không ăn, không uống

Chiếc tàu của hải quân vùng 1 do Tướng Nguyễn Văn Đấu, Tư lệnh vùng 1 hải quân đưa chúng tôi ra Bạch Long Vĩ. Sáu giờ sáng, tàu chiến 701 bắt đầu rời cảng Hải Phòng với dự báo sóng biển sẽ là cấp 7, cấp 8! Chúng tôi, những nhà báo chưa từng trải nghiệm sóng biển cấp 7 bao giờ, nên cảm giác có chút ngài ngại..

Chỉ sau 30 phút tàu rời cảng, những nhà báo dù từng là lính trên đất liền, lần đầu đi biển cùng các chiến sĩ hải quân mới cảm nhận được sóng cấp 7, cấp 8 trên biển Đông là thế nào. Cả con tàu im phắc tiếng người, nên cảm nhận rõ ràng chiếc tàu chiến oằn mình trên sóng dữ. Sóng biển tung chiếc tàu và chúng tôi lên cao cả chục mét rồi rơi tự do...

Sóng cấp 7, cấp 8 giữa biển Đông cho tôi một trải nghiệm, một thử thách chưa từng có: Nằm nghiêng và hai tay giữ chiếc túi ni lông với tất cả thức ăn cùng mật xanh, mật vàng suốt 12 tiếng đồng hồ. Nửa ngày không ăn không uống được - một cảm giác chưa từng biết. Kinh khủng!

Tôi còn được chứng kiến sĩ quan lái tàu cần cả một phụ tá cầm túi ni lông đứng bên cạnh hỗ trợ khi bị nôn... Một đồng nghiệp nữ tên Phượng trong đoàn tâm sự sau chuyến đi: “Anh biết không, lúc say sóng em chỉ muốn nhảy xuống biển...”

12 giờ đồng hồ hành trình từ cảng Hải phòng ra đảo là hành trình đặc biệt mà tôi và đồng nghiệp không bao giờ quên! Nửa ngày không một ngụm nước, không một chút thức ăn chỉ có nôn ọe cả mật xanh, mật vàng...

Cập bến còn là một thử thách khó quên. Hoàng hôn trên biển trong những ngày tháng Giêng trên đảo là bầu trời xám ngoét, u ám đến buồn thảm... Những chiếc thuyền nhỏ cố cập mạn tàu lớn để đón từng thành viên của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do anh Hồ Đức Việt, Bí Thư thứ nhất Trung ương đoàn khi đó dẫn đầu thăm đảo Bạch Long Vĩ.

Anh Hoa Đình Đạt đã rất nhanh cứu Trưởng đoàn Hồ Đức Việt bằng cái giật tay khi anh Hồ Đức Việt vô tình đặt tay lên mạn tàu chiến. Cú va giữa mép tàu chiến và chiếc tàu nhỏ chỉ diễn ra trong tích tắc. Thiếu tá quân đội nhân dân Việt Nam đã cứu bàn tay của Bí Thư thứ nhất Trung ương đoàn trong sóng biển dữ dội cấp 7, cấp 8.

Hình ảnh hai con tàu cố gắng đến bên nhau khi sóng biển nâng chiếc tàu nhỏ lên cả chục mét rồi dằn xuống biển là hình ảnh thật khó quên với tôi...

Xuân về trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: TL

Làm phóng sự trên đảo

Sau một đêm được ăn uống và nghỉ ngơi, tôi và nhà quay phim Hoa Đình Đạt chạy đua với thời gian để thực hiện phóng sự. Những hình ảnh đầu tiên của chúng tôi là hình ảnh anh Hồ Đức Việt cùng các thành viên trong đoàn thăm và tặng quà đơn vị pháo cao xạ 57. Sau khi có những hình ảnh sống động về cuộc gặp gỡ, chúng tôi sắp xếp để có cảnh quay luyện tập của những người lính cao xạ trên đảo Bạch Long Vĩ, rồi phỏng vấn nhanh về những khó khăn trong cuộc sống đời lính, về nỗi nhớ nhà khi Tết đến, Xuân về...

Chạy đua với nghĩa đen thực sự, chúng tôi đuổi theo đoàn để có hình ảnh anh Hồ Đức Việt thăm các gia đình Thanh niên xung phong trên đảo. Vì giữa biển khơi, nên nhà ở đảo thường xây thấp dưới 3m, tường gạch dày 45cm để có thể trụ vững giữa sóng gió, bão biển nơi đây.

Hình ảnh những đứa trẻ, những công dân của Bạch Long Vĩ nhỏ xíu trong vòng tay của cha, mẹ chúng là những hình ảnh ấn tượng trong phóng sự của chúng tôi.

Hình ảnh những cặp vợ chồng thanh niên xung phong làm vườn, đi biển, đi chợ, nấu nướng và cả những bữa ăn giản dị... được chúng tôi ghi lại một cách chân thực nhất. Giờ nghĩ lại mới thấy tiếc vì công nghệ lúc đó không có flycam để chúng tôi ghi lại những hình ảnh của hòn đảo rộng vỏn vẹn 3km2 Bạch Long Vĩ.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm nhà quay phim Hoa Đình Đạt đã chộp nhanh được những cảnh toàn từ trên đồi cao, nơi trận địa của những người lính cao xạ án ngữ.

Cũng chỉ trong vòng 12h ê-kíp chúng tôi đã hoàn thành những hình ảnh sống động về hòn đảo Bạch Long Vĩ xinh đẹp cùng những con người đang sống chiến đấu trên hòn đảo tiền tiêu phía Đông Bắc của tổ quốc.

Ngọn hải đăng trên đảo Bạch Long Vĩ là nơi ngắm bình minh tuyệt đẹp. Ảnh: Lưu Hương

Làm hậu kỳ chương trình tết 1994

Ngay sau khi trở về, phóng sự 5 phút của chúng tôi được phát sóng đầu bản tin thời sự 19h15 phút trên sóng VTV1. Sếp của chúng tôi, anh Hoàng Dự, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Thanh niên gợi ý: “Tư liệu còn, Vũ Quang làm chương trình Tết nhé”.

Cái tên của phóng sự “Xuân về trên đảo Bạch Long Vĩ” là sợi chỉ đỏ dẫn chúng tôi hoàn thành mạch phóng sự với độ dài 15 phút. Và bài hát “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” là giai điệu vang lên ở phần cuối của phóng sự.

Tôi quyết định mở đầu phóng sự bằng hình ảnh vịnh Hạ Long và đảo Bạch Long Vĩ với câu chuyện truyền thuyết: “Khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang".

"Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ con dân Đại Việt. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và nơi đuôi đàn Rồng quẫy nước trắng xóa là Bạch Long Vĩ.”

Chi tiết đã nâng tầm phóng sự, vì tạo sự liên tưởng của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc với thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, nó là sự tiếp nối của lịch sử dân tộc trong sự nghiệp giữ nước...

Quả thực “khi làm phóng sự hay phim tài liệu, sức tưởng tượng càng mãnh liệt bao nhiêu, thành công càng lớn bấy nhiêu” - đó là chia sẻ của nhà biên kịch đại tá Phạm Minh Lợi của Xưởng phim quân đội mà tôi ghi nhớ. Duyệt chương trình Tết năm ấy là kỷ niệm sâu sắc của chúng tôi với anh Trịnh Tố Tâm khi ấy là Bí thư Trung ương Đoàn phụ trách báo chí.

Cùng với hội đồng nghiệm thu chương trình Tết của Đài Truyền hình Việt Nam, anh Trịnh Tố Tâm chia sẻ đại ý: “Phóng sự Xuân về trên đảo Bạch Long Vĩ” phản ánh sinh động cuộc sống chiến đấu của những người lính và Thanh niên xung phong trong việc giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc ở một hòn đảo tiền tiêu. Rất cần chia sẻ những khó khăn, thách thức mà họ đã và đang vượt qua...!

Một điều mà tôi rút ra cho bản thân khi tác nghiệp: Làm chương trình Tết đôi khi là cái duyên. Từ phóng sự thường nhật, nếu chúng ta khai thác tốt chủ đề, lựa chọn chi tiết tốt cùng với âm thanh hiện trường và âm nhạc chúng ta sẽ có phóng sự hay phù hợp với các chương trình Tết của từng đơn vị báo chí, từng đài truyền hình.

Sau khi phát sóng, tôi nhận được những phản hồi tích cực từ nhiều người nhưng có một lời khen tôi nhớ đó là kiểu khen theo “phong cách Trần Đăng Tuấn”, người thầy của tôi khi còn học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Gặp ở hành lang Trung tâm Kỹ thuật ở Đài Truyền hình Việt Nam sau Tết, thầy tôi buông câu nói: “Ông vừa đi Bạch Long Vĩ về à!” và rồi sau khi nhận một điếu thuốc của tôi, ông châm thuốc rít một hơi và “cắp đít” đi thẳng./.

Vũ Quang

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/toi-lam-phong-su-xuan-ve-tren-dao-bach-long-vi-n12306.html