'Tôi làm một resort không giống resort'

Anh Vũ Huy - chủ sở hữu Avana Retreat - không đặt doanh thu và số lượng khách là mục tiêu số 1, mà muốn tạo nên một resort khác biệt, hướng đến phát triển du lịch bền vững.

Xuất hiện với vẻ ngoài mộc mạc cùng nụ cười hồn hậu luôn nở trên môi, nhà sáng lập Avana Retreat say sưa kể về tâm huyết dành cho resort của mình. Anh ví Avana Retreat là “một resort không giống resort”, nằm ẩn mình khiêm nhường giữa núi rừng, trông xa chỉ như một bản làng của bà con vùng cao.

Resort không có nhựa, hạn chế rác thải, nhân viên là người địa phương. Thú vị hơn, bên trong Avana Retreat có thác nước tự nhiên và ruộng bậc thang, nơi người Thái, H’Mông “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”.

- Có 25 năm làm việc trong ngành du lịch, cơ duyên nào đưa anh đến quyết định thành lập Avana Retreat?

- Avana Retreat khởi sinh từ tính cách của một người thích khám phá, ưa mạo hiểm. Tôi luôn thích đi bộ khảo sát ở những nơi xa xôi nhất, thậm chí chưa có khách du lịch đặt chân đến bao giờ. Trước đây, tôi cũng thường xuyên dẫn các đơn vị thông tấn nước ngoài đi tham quan các điểm đến nổi tiếng tại Việt Nam.

Avana Retreat là một khám phá mới của tôi về thiên nhiên, con người và văn hóa. Nếu không tìm tòi thì không thấy được. Khi tôi đến, người dân và những hướng dẫn viên du lịch 20 năm đều nói nơi đây không có thác nước. Nhưng tôi tin là có suối thì sẽ có thác nước, cứ đi xem sao. Tôi đi bộ trên đường đất đá rất xấu, mất 4 km thì tìm được thác nước.

- Lần đầu đặt chân đến nơi là Avana Retreat bây giờ, anh có ấn tượng thế nào?

- Khi ấy, nơi này nằm trên một triền núi hoang sơ, gần như không có người. Nhưng mọi thứ đều dễ chịu, có thác nước tự nhiên, rừng nguyên sinh, view nhìn từ trên núi cao, xung quanh là ruộng bậc thang của người Thái, H’Mông, Mường. Sau những ngày tháng bon chen với ô nhiễm, khói bụi ở thành phố, đây là nơi lý tưởng để chúng ta tạm lánh, tìm về một cuộc sống yên tĩnh, thanh bình. Hồi ấy rất khó khăn, đường vào không có, điện cũng không. Tất nhiên là tỉnh cũng có hỗ trợ và khuyến khích, nhưng kinh phí không nhiều, chúng tôi gần như chủ động làm mọi thứ.

- Nhìn Avana Retreat hôm nay, có thể thấy anh đã tạo ra một resort khác biệt. Nhớ lại thuở ban đầu, tại sao anh lại chọn một nơi còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, phải bắt đầu từ con số 0?

- Nếu chọn đơn giản thì tôi đã làm resort ở thung lũng, mọi việc chắc chắn dễ dàng hơn. Nhưng muốn khác biệt thì phải chấp nhận vượt qua thử thách. Avana Retreat là một trong những khu nghỉ dưỡng đầu tiên có thác nước tự nhiên. Đây cũng là nơi giao hòa văn hóa của 3 dân tộc vùng Tây Bắc với sự thân thiện, trung hậu và mến khách. Chẳng có gì đẹp hơn khi mùa xuân đến được lên Tây Bắc để ngắm hoa đào tinh khôi trong sương sớm.

Từ khi đặt bước chân đầu tiên lên đây, tôi đã biết khó khăn nhưng vẫn quyết làm. Theo đuổi du lịch bền vững, Avana Retreat giữ lại từng cái cây. Thậm chí, làm cầu phải tránh cây. Không dừng lại ở đó, tôi tiếp tục trồng thêm rất nhiều cây để phủ xanh nơi này. Bởi vì chỉ có cây cối mới tạo nên màu xanh, ngăn được thảm họa thiên tai. Chúng tôi cũng đang xin với tỉnh về việc hỗ trợ bà con giống cây để tiếp tục phủ xanh rừng.

- Anh có nói rằng Avana Retreat giao thoa giữa 3 nền văn hóa Thái - H’Mông - Mường, nghĩa là khách đến đây sẽ nhìn thấy nụ cười của những người dân bản địa?

- Tôi tin là vậy, đó là điều không nói dối được. Chúng tôi coi những người dân ở đây là nhân tố quan trọng cho sự phát triển du lịch bền vững. Trong Avana, chúng tôi có ruộng bậc thang cho bà con vào canh tác miễn phí. Hoa màu bà con tự thu hoạch và mang về. Chúng tôi hỗ trợ xây những căn nhà kiên cố cho bà con nghỉ ngơi mỗi khi đến đây làm việc. Sự khác biệt nằm ở chỗ đó.

Nếu đi từ dưới xuôi lên đây, xa xa bạn sẽ thấy Avana giống một bản làng ẩn mình giữa cánh rừng nguyên sinh, chứ không phải một resort. Vào ban đêm, khi đèn lên người ta mới thấy giống một khu nghỉ dưỡng. Còn ban ngày khi nhìn cảnh cấy cày, làm ruộng của người dân, không ai nghĩ đây là resort.

- “Một resort không giống resort” là nhận xét khá thú vị. Anh có thể giải thích rõ hơn?

- Tại Avana Retreat không có plastic, không sử dụng chất liệu hay vật liệu nhựa. Tường nhà làm bằng đất, ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Nội thất được chế tác từ gỗ. Đồ ăn thuần organic, không có thuốc trừ sâu hay hóa chất. Các sản phẩm ở đây cũng không phải đồ đóng gói. Dầu gội, sữa tắm hay dầu xả đều đặt được đặt sản xuất với nguyên liệu organic và mùi hương riêng cho Avana.

Chúng tôi nỗ lực không để thiên nhiên phải mang thêm bất cứ gánh nặng nào. Rất may khi tôi khởi xướng điều này, nhân viên ai cũng ủng hộ. Chúng tôi muốn làm một nơi không chỉ cho đời mình mà còn cho mai sau.

- Khi triển khai một công việc kinh doanh, người chủ sẽ luôn đề cao yếu tố doanh thu, thậm chí coi nó là số một. Điều gì khiến anh gác lại mục tiêu đó để xây dựng một resort khác biệt?

- Nếu chọn kiếm tiền, tôi đã đầu tư làm khách sạn tại những nơi như Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc. Có thể thấy, Sa Pa ngày xưa không còn nữa, bây giờ điểm đến này mọc lên nhiều công trường, nhiều nơi đường còn kẹt tắc. Tôi không muốn cố đưa mọi người đến đó để gia tăng thêm sự chật chội. Tôi đặt tâm huyết ở đây, ngay tại nơi hoang sơ này để người ghé đến thấy được sự hồ hởi của bà con dân tộc.

Bà con không cần bạn trả tiền mới được chụp ảnh. Thay vào đó, họ còn chủ động mời bạn vào nhà uống nước. Nơi này heo hút, không có quá nhiều quang cảnh hoành tráng nhưng sẽ mang đến những trải nghiệm mới mẻ về du lịch bền vững. Đương nhiên ai làm kinh doanh cũng vì lợi nhuận. Nhưng quan điểm của tôi là làm tử tế, vì môi trường và người dân, không ồ ạt dẫn đến phá vỡ văn hóa truyền thống.

Rồi sẽ có những người thật đồng điệu tìm đến Avana. Họ đến không thuần túy để du lịch mà là để trải nghiệm, được ngắm một bảo tàng nhỏ trong căn nhà 70 năm của người Thái, tản bộ dưới những hàng cây râm mát, nghe tiếng nước chảy róc rách dưới khe suối... Có thể đơn giản chỉ là vậy.

- Nhưng nếu Avana không xác định tiền bạc doanh thu làm mục tiêu chính, mối quan hệ gắn kết giữa các chủ thể sẽ là gì?

- Đó là sự mật thiết, không phải tiền bạc. Mọi thứ đều gần gũi như mỗi lần tôi lên đây lại có người dân ở dưới bản lên chào hỏi, tất cả yêu quý và tôn trọng nhau. Quan hệ giữa doanh nghiệp và người dân ở đây gần gũi như những người bạn. Nhân viên Avana đa phần là người địa phương. Chúng tôi mang đến việc làm cho họ, dạy tiếng Anh, tổ chức các khóa đào tạo, giúp họ có cơ hội làm việc gần nhà với thu nhập tốt. Tôi còn tổ chức những giải bóng đá để giao lưu giữa các bản.

- Những đứa trẻ địa phương có thể theo cha mẹ đến Avana. Thậm chí, những con trâu cũng có thể xuất hiện tại đây để cày ruộng, tìm cỏ. Như vậy, nghĩa là nơi đây không phải “tử cấm thành” dành cho giới giàu có nghỉ dưỡng. Đây liệu có phải một cản trở?

- Mục tiêu của chúng tôi là đưa khách đến đây để trải nghiệm ở bản làng chứ không phải vào sống trong “tử cấm thành”. Khách du lịch có thể ở đây và thấy được người dân canh tác ra sao, con trâu đi cày như thế nào.

Nơi đây như một cái làng vậy, du khách có thể được thấy hình ảnh người dân vác những rạ lúa trên lưng một cách tự nhiên và chân thật nhất. Tôi sẽ cố gắng để duy trì sự dễ thương, hiền lành, thật thà đó.

- Vừa tôn trọng thiên nhiên vừa mang đẳng cấp của resort 5 sao là một bài toán không dễ giải. Anh đang ở đâu trên hành trình giải toán đó?

- Mai Châu đang định hình du lịch với các homestay và khách sạn tầm trung. Nhưng Avana lại là một khu nghỉ dưỡng miền núi cao cấp. Để có thể vừa tôn trọng thiên nhiên mà vẫn là một resort đẳng cấp 5 sao là chuyện không dễ. Nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, chúng tôi có bộ sản phẩm với mùi hương riêng tại Avana.

Ngoài ra, Avana có 4 bể bơi vô cực nước ấm được phác họa theo hình những tầng ruộng bậc thang. Khu spa xây dọc theo suối, bước chân đến đâu đều nghe tiếng suối chảy. Đến đây, du khách có thể ăn tối lãng mạn bên thác với nến và hoa hồng.

Tại 41 villa có 41 bức tranh bằng đồng khác nhau về văn hóa con người Mai Châu, được họa sĩ vẽ riêng cho Avana. Mỗi ban công villa có diện tích rộng gần bằng một căn phòng, nhìn ra ruộng bậc thang, thung lũng hoặc đồi núi. Đồ vật trong phòng được chăm chút cẩn trọng, lựa chọn tinh tế để mang đến sự hài lòng cao nhất có thể.

Tất cả các hạng phòng đều có bồn tắm nhìn ra thiên nhiên. Hơn thế, số lượng phòng có giới hạn, cam kết dừng lại ở 41 villa chứ không mở rộng thêm để trì sự yên tĩnh và riêng tư. Song sau tất cả, sự cao cấp vẫn phải đặt trong sự hài hòa với thiên nhiên. Đó mới là bản sắc của Avana.

- Những chia sẻ ở trên có phải là một phần kim chỉ nam của Avana? Kim chỉ nam cho văn hóa của Avana là gì? 25 năm qua, anh giữ nguyên tắc làm du lịch ra sao?

- Gần gũi, thân thiện và giá trị con người là 3 yếu tố Avana đặt lên hàng đầu. Công ty lớn cỡ não, có bao nhiêu tiền không phải điều tôi thật sự hướng đến. Điều quý giá nhất tại môi trường làm việc của Avana là tất cả đã cùng nhau vượt qua khó khăn.

Tôi luôn muốn làm gì đó khác biệt. Tôi cũng không ít lần bị từ chối vì hồi xưa không có tiếng tăm. Nhiều khi tiếp cận các công ty du lịch, họ còn chẳng muốn gặp mình. Tôi luôn chọn đi theo con đường riêng, chưa bao giờ coi giàu có là ưu tiên. Thay vì tính toán “Làm sao để có nhiều khách nhất”, tôi muốn “Làm sao để khách về nhà sẽ nhớ đến mình nhất”. Không phải tiễn khách về là hết trách nhiệm.

Trong công ty cũng vậy, quan trọng không phải số lượng mà là tình cảm. Tôi từng chỉ muốn công ty của mình có 50 người, miễn là họ thấu hiểu nhau. Nhưng vì sau đó công ty phát triển, nhu cầu lên tới 400 nhân sự. Dù vậy, đông hay ít không phải là vấn đề, quan trọng là tất cả hiểu nhau, vui vẻ và hạnh phúc. Tôi luôn nói không với cạnh tranh thiếu lành mạnh. Bởi như vậy thì khó phát triển bền vững được.

- Nếu mô hình của Avana thành công và được nhiều nơi học hỏi, anh có lo mình sẽ mất đi sự độc quyền và khác biệt?

- Tôi nghĩ là không cần lo lắng. Nếu người ta làm tốt cho du lịch, giảm đi những dự án phá hoại môi trường cảnh quan thì quá tốt. Tôi không bao giờ đồng ý làm một khu du lịch mà phải cắt cả quả đồi, san phẳng rừng cây.

Tôi mong muốn mọi người làm du lịch vì cộng đồng, gắn kết với thiên nhiên. Tôi hy vọng được thấy lại cá heo ở Hạ Long, mong chờ Sa Pa trở lại không khí cổ tích như xưa. Mọi người cần trồng nhiều cây xanh hơn nữa. Hãy để những resort ẩn mình vào núi rừng. Đừng quan trọng lượng khách nhiều hay ít, mà nên đặt mục tiêu bền vững lên trên hết.

- Nghĩa là Avana sẽ giới hạn lượng khách trong mức nhất định?

- Chúng tôi không từ chối khách hàng. Tuy nhiên, Avana sẽ không làm du lịch ồ ạt, không marketing ầm ĩ để hút khách bằng mọi giá. Chúng tôi làm du lịch theo cách gần gũi, giao hòa với thiên nhiên thay vì quảng bá sự xa hoa lộng lẫy. Chúng tôi kỳ vọng tìm được những khách hàng đồng điệu, yêu những trải nghiệm trở về thiên nhiên và văn hóa.

- Từ đầu buổi trò chuyện, anh nhắc nhiều về “du lịch bền vững”. Vậy anh đặt kỳ vọng gì cho công cuộc phát triển bền vững của du lịch Việt?

- Du lịch bền vững không thể ngày một, ngày hai mà thành. Khi tôi không vứt điếu thuốc xuống sông Đà, những người xung quanh rất ngạc nhiên. Nhưng không vì sự ngạc nhiên đó mà tôi thay đổi cách mình làm. Mọi thứ đều cần có thời gian, mình cứ có niềm tin, mọi người sẽ ủng hộ.

Sa Pa, Hội An, Hạ Long hay Phú Quốc, chúng ta đều có thể làm tốt hơn nếu xác định được mục tiêu du lịch bền vững. Cù Lao Chàm nói không với nhựa, vậy là túi nylon dần biến mất ở đây. Tôi tin tưởng khi chúng ta chung tay, Việt Nam sẽ đẹp bền vững.

Giang Hoàng Lam

Đồ họa: Hướng Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-lam-mot-resort-khong-giong-resort-post1198089.html