'Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa'...

Sau 19 năm ra đi, năm 1961, nhà thơ Tố Hữu có dịp quay trở lại thăm nhà mẹ Tơm. Mọi kỷ niệm ùa về trong ký ức người chiến sĩ cách mạng để rồi ngay sau đó bài thơ 'Mẹ Tơm' ra đời được nhà thơ tái hiện đầy sinh động và cũng rất đời thường, trở thành bà mẹ huyền thoại được nhiều người biết đến.

Thầy Đào Thanh Hương, giáo viên dạy sử Trường THCS Đa Lộc truyền đạt kiến thức lịch sử cho các em trong đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử tại nhà mẹ Tơm. Ảnh: Lê Hà

Chúng tôi về quê Mẹ Tơm, thôn Đông Thành, xã Đa Lộc (Hậu Lộc), nắng hạ miền ven biển năm nay thật gay gắt, bỏng rát. Cùng đi với chúng tôi về thăm nhà mẹ có thầy Đào Thanh Hương, giáo viên lịch sử, Trường THCS Đa Lộc và cán bộ văn phòng đảng ủy xã. Ngôi nhà gỗ thoáng mát với vườn cây xanh trĩu quả đã nhanh chóng làm dịu đi cái nóng nực ngày hè. Qua câu chuyện các anh kể về lịch sử quê mình, về câu chuyện mẹ Tơm, chúng tôi cảm nhận được tình yêu và niềm tự hào của các anh, của thế hệ con cháu vùng quê cách mạng hiện lên chân thực.

Đó là sau khi chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành) thất bại, năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa chuyển về Nga Sơn củng cố tổ chức và in báo “Đuổi giặc nước”. Thấy có báo của Việt Minh, bọn mật thám và quan lại truy lùng ráo riết. Tình thế nguy cấp, Tỉnh ủy lâm thời phải chuyển sang Hậu Lộc tiếp tục hoạt động. Ngôi nhà ba gian lợp bằng mái rơm trên cồn cát hoang vắng của gia đình mẹ Tơm được chọn làm căn cứ. Lúc bấy giờ, hai người con trai đầu của mẹ làm nghề cắt tóc dạo đã được cách mạng giác ngộ và sẵn sàng đi theo cách mạng. Hai anh đã đưa các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc cùng một số đồng chí khác về gia đình thuyết phục mẹ Tơm đồng ý cho các đồng chí trú ẩn và hoạt động. Thời đó không có điều kiện tiếp xúc với tầng lớp trí thức nên không hiểu nhiều về thời cuộc, chỉ có lòng căm thù giặc sâu sắc là thể hiện rõ trong tâm trí của mẹ nên khi nghe các đồng chí nói về đây tìm cách đánh Pháp, đuổi Nhật là mẹ đồng ý ngay. Từ đây, cả gia đình mẹ bắt đầu làm cách mạng. Nhà mẹ trở thành cơ quan Tỉnh ủy lâm thời, mỗi thành viên trong gia đình đều là chiến sĩ.

Ngày ngày chồng mẹ ở nhà đan rá, rổ canh chừng người lạ đến nhà. Còn mẹ mỗi ngày tần tảo trồng rau, mò cua bắt ốc bán để mua gạo. Trước khi nấu cơm, mẹ đều bớt lại một ít để dành đến khi cần dùng. Những lần đi chợ, phía dưới chiếc rổ của mẹ thường có cả xấp truyền đơn. Khi có điều kiện là mẹ rải truyền đơn. Hai người con trai của mẹ ngày ngày đi cắt tóc dạo, số tiền gom được đưa mẹ để dành một ít cất đi phòng có lúc cần giúp cách mạng. Ngôi nhà của mẹ lúc nào cũng có bọn quan lại dòm ngó, nghi vấn, nhưng không vì thế mà mẹ run sợ, nhà mẹ chia nhau canh gác cửa trước, cửa sau để đề phòng, bảo đảm bí mật, an toàn cho các chiến sĩ hoạt động.

Những người chiến sĩ cách mạng đều được mẹ nuôi giấu bằng tình yêu thương của một người mẹ. Ai cho gì mẹ cũng để dành phần các chiến sĩ cách mạng thay cho để phần cho các con của mình. Nhiều đêm mẹ phải thức trắng đêm chăm sóc chiến sĩ cách mạng bị ốm, bị sốt rét... tình cảm đó khắc sâu trong tâm khảm mỗi chiến sĩ cách mạng. Những năm sau đó, khi bị giặc phát hiện, nhà mẹ bị đốt cháy, hai con trai của mẹ bị giặc bắt, tra tấn, tù đày. Cán bộ phải dời địa điểm sang nơi khác. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chồng của mẹ Tơm qua đời trong một cơn bạo bệnh ở tuổi 62. Không lâu sau đó, giữa trưa hè bỏng rát đầu năm 1953, mẹ Tơm cũng trở về cát bụi.

Sau 19 năm ra đi, năm 1961, nhà thơ Tố Hữu có dịp quay trở lại thăm nhà mẹ Tơm. Mọi kỷ niệm ùa về trong ký ức người chiến sĩ cách mạng để rồi ngay sau đó bài thơ “Mẹ Tơm” ra đời được nhà thơ tái hiện đầy sinh động và cũng rất đời thường, trở thành bà mẹ huyền thoại được nhiều người biết đến. Nhưng đặc biệt hơn là bài thơ được xuất bản trong tập Gió lộng. Toàn bộ nhuận bút của tập thơ đã được nhà thơ Tố Hữu gửi tặng để xây dựng Trạm Y tế xã Đa Lộc. Năm 1961, túp lều tranh của mẹ Tơm bị bão lụt đánh sập hoàn toàn. Con cháu của mẹ đã dựng lại ngôi nhà ngói. Năm 2009, nhà mẹ được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng. Đến năm 2011, căn nhà gỗ tinh tươm đã được hoàn thành, là nơi lưu giữ những kỷ niệm về mẹ Tơm và gia đình. Nơi đây, giờ là địa chỉ cách mạng để thế hệ trẻ nhiều nơi tìm về và trong mỗi tiết giảng dạy lịch sử địa phương, thầy Đào Thanh Hương lại say sưa truyền đạt cho các thế hệ học sinh hiểu thêm về truyền thống cách mạng để các em ý thức hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong giữ gìn, phát huy truyền thống của quê hương.

Lấy truyền thống làm nền tảng để phát triển, nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo và người dân Đa Lộc đã nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất để xây dựng quê hương. Đặc biệt, nhiều năm gần đây, xã Đa Lộc là một trong những địa phương sớm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả. Xã đã chuyển đổi 14,51 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm công nghiệp; 4,36 ha sang trang trại chăn nuôi công nghiệp; 16,68 ha cá - lúa và trang trại tổng hợp; 3 ha trồng rau an toàn; cải tạo gần 15 ha vườn tạp trồng cây ăn quả... Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã có thu nhập tốt và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống. Toàn xã đã có 16 trang trại, các trang trại đều đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 75 phương tiện khai thác biển với tổng công suất 1.566 CV, sản lượng khai thác năm 2019 đạt 407 tấn, tăng 27,63% về giá trị so với năm 2015; 323 hộ kinh doanh, buôn bán; 2 HTX, 11 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, xuất khẩu lao động vẫn là nguồn thu lớn với khoảng 300 lao động gửi về đã góp phần thúc đẩy sản xuất địa phương phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, kiên cố thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên quê hương cách mạng. Qua rà soát, xã Đa Lộc còn 61 hộ nghèo, 184 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 42 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu đại hội 5,8%, cao gấp 2,6 lần so với năm 2015. Xã Đa Lộc phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới cuối năm 2020. Thành công đó là sự đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống quê hương cách mạng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức.

Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/90-nam-dang-bo-tinh/toi-lai-ve-que-me-nuoi-xua/121538.htm