TÔI LÀ THỊ DÂN!

'Tôi là thị dân!'-nhấn mạnh câu khẳng định ấy không phải là cách 'vỗ ngực xưng danh' mà là một lời nhắc nhở, đúng hơn là một lời tự răn của cư dân trong vùng đô thị hóa.

Tại sao vậy?

Xu hướng đô thị hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ với tốc độ ngày càng nhanh trên khắp cả nước. Đó là quy luật tất yếu, khẳng định sự phát triển của cơ đồ, vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước. Đô thị hóa góp phần nâng cao toàn diện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, một trong những thách thức rất lớn được các nhà quản lý và giới chuyên gia văn hóa đặt ra, đó là giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa, giữa hạ tầng kỹ thuật với nếp sống cư dân.

Tốc độ bê tông hóa với mô hình điện, đường, trường, trạm và các thiết chế văn minh công nghiệp đã biến hàng loạt làng, bản, thôn, ấp, phum, sóc... thành khu phố; xã thành phường... chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí là rất ngắn. Theo đó, hàng vạn, hàng triệu nông dân bỗng chốc trở thành thị dân.

Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, đi lên. Ảnh: Trọng Hải

Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, đi lên. Ảnh: Trọng Hải

Khác với thay đổi chóng mặt của hạ tầng kỹ thuật và văn minh công nghiệp, sự chuyển đổi nếp sống, lối sống từ nông dân sang thị dân của đại đa số nhân dân không thể một sớm một chiều có thể thích ứng. Mới hôm qua còn "chân lấm tay bùn" mà hôm nay đã là những người làm chủ đô thị, sinh hoạt bên cao ốc và những công trình hiện đại, thật khó để hòa nhập nhanh chóng. Mâu thuẫn này kéo theo những bất cập về giải quyết các mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với môi trường, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các hộ gia đình với cấp ủy, chính quyền trong từng khu dân cư v.v.. Sự đa dạng, phức tạp của các hoạt động kinh tế-xã hội trong môi trường đô thị hóa đặt ra những thách thức lớn đối với công tác quản lý nhà nước gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong các cộng đồng dân cư.

Sự ra đời của mô hình chính quyền đô thị được cho là giải pháp căn cơ để giải quyết những mâu thuẫn trong xu thế đô thị hóa, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, mấu chốt căn bản và cuối cùng quyết định sự thành công của các mô hình quản lý đô thị hiện đại vẫn nằm ở ý thức từ mỗi người dân.

“Tôi là thị dân!”-đó là sự khẳng định thường trực trong mỗi cá thể cư dân đô thị. Lời khẳng định, lời nhắc, lời tự răn ấy là cơ sở để người dân xác định rõ hơn vị trí, vị thế, vai trò và trách nhiệm của mình trong môi trường mới-môi trường đô thị, được chuyển đổi, phát triển từ chính nền tảng nông thôn bằng sự đột phá của hạ tầng kinh tế.

“Tôi là thị dân!”-đó chính là mệnh lệnh, là động lực để mỗi người dân vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của các bộ tiêu chí về văn hóa ứng xử trong môi trường đô thị. Đô thị hóa gắn với đô thị thông minh. Chỉ khi người dân tự ý thức được sự cần thiết phải thay đổi thói quen sinh hoạt từ những việc nhỏ nhất trong đời sống thường nhật, từ bỏ hủ tục, tiếp nhận cái mới bằng sự thôi thúc của nhu cầu tự thân thì mọi đường lối, chủ trương, mô hình quản lý mới thực sự phát huy tác dụng.

“Tôi là thị dân!”-mỗi người tự răn và nhắc nhớ nhau niềm tự hào ấy để lan tỏa, lưu truyền những nét đẹp văn hóa, cách hành xử văn minh trong môi trường đô thị. Bê tông hay những sản phẩm của văn minh công nghiệp, suy cho cùng chỉ là phương tiện do con người tạo ra để phục vụ đời sống con người. Nó có làm khuất lấp “đất lề quê thói” hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và việc làm của thị dân. Văn hóa của mỗi người là làm cho mọi thứ của mình và xung quanh mình trở nên đẹp hơn lên. Những giá trị của văn hóa phong tục, của bản sắc truyền thống sẽ được bảo tồn, gìn giữ từ chính những cái đẹp hơn lên ấy...

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/toi-la-thi-dan-655914