'Tôi là người bị màu sắc thống trị'

Chỉ nhận mình là người đi qua cánh đồng hội họa, nhưng được sắc vàng dẫn lối, Nguyễn Quang Thiều đã sáng tạo biết bao bức tranh với trọn vẹn cảm xúc.

Trong căn phòng trên tầng hai trụ sở nhà xuất bản Hội Nhà văn treo những bức tranh đen trắng, Nguyễn Quang Thiều ngồi say sưa nói về thế giới của màu sắc. Từ lâu, ông được công chúng yêu mến bởi sự tận hiến cho nghệ thuật, sự tận hiến đó không chỉ thể hiện trong thế giới ngôn từ, mà còn có trong hội họa - một địa hạt mà Nguyễn Quang Thiều nói ông chỉ là người đi ngang qua.

Ở lĩnh vực văn chương, Nguyễn Quang Thiều là tác giả của hàng chục tập thơ, văn xuôi, truyện thiếu nhi, sách dịch… Ông đã nhận nhiều giải thưởng thơ ca trong và ngoài nước. Nguyễn Quang Thiều là Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản Hội Nhà văn, mới đây được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nên công việc rất bận rộn. Nhưng người nghệ sĩ vẫn dành thời gian cho sáng tạo, kể cả văn chương lẫn hội họa.

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Y Nguyên.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Y Nguyên.

Chìa khóa mở vào thế giới hội họa

“Tôi chơi với nhiều họa sĩ”, Nguyễn Quang Thiều mở đầu câu chuyện về hội họa của ông. Nhưng nhà thơ không nghĩ mình sẽ cầm cọ. Cho tới một ngày, họa sĩ Phạm Long Quận từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà ông.

Một hôm, ông lấy một chút màu bóp nhẹ lên toan, thấy một màu vàng lộng lẫy hiện ra. Thứ màu rực rỡ từ vạt cải ven sông trong tuổi thơ vốn đã để lại dấu ấn sâu đậm với Nguyễn Quang Thiều, nó đã theo ông vào truyện ngắn nổi tiếng, và giờ, chính màu vàng ấy đã dẫn lối ông đi vào thế giới màu sắc.

Được Phạm Long Quận động viên, thúc giục, Nguyễn Quang Thiều vẽ, cứ vẽ, để màu vàng cuốn mình đi. Năm 2005, Nguyễn Quang Thiều được Hoàng Minh Tường rủ tham gia một triển lãm nhóm có tên “Nhà văn vẽ”. Ông mang tới trưng bày 14 bức, trong đó 3 bức tặng bạn bè, số tranh còn lại đều được mua hết.

Tranh Người thổi sao 4 của Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: NVCC.

Sau lần triển lãm ấy, ông không vẽ nữa, cất dọn hết họa cụ, số tranh đã vẽ cũng chẳng còn trong nhà. Khi ấy, nhà thơ đã 48 tuổi, ông nghĩ hội họa cần phải học cho nghiêm cẩn, mà tuổi ông thì khó để học nữa.

7 năm sau, Nguyễn Quang Thiều đến nhà ông Trịnh Văn Sỹ - một người bạn trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông - chơi, rất bất ngờ khi thấy một số bức tranh mình vẽ trước đó được đóng khung, treo trang trọng trong nhà bạn.

Hóa ra nhiều năm trước, nhà thơ Dương Kiều Minh sang nhà Nguyễn Quang Thiều chơi, thấy những bức pastel, mực màu trên giấy mà Nguyễn Quang Thiều bỏ đi, nên đã mang về nhà giữ. Biết mình mắc bệnh nặng, Dương Kiều Minh tặng lại những bức tranh đó cho ông Sỹ.

Mến mộ Nguyễn Quang Thiều, ông Sỹ muốn được vẽ tặng một bức tranh. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi ấy vì xúc động với câu chuyện của những người bạn mà lấy màu ra vẽ lại. Bức tranh ông vẽ tặng ông Sỹ khi ấy có tên là Người thổi sáo.

Tác phẩm ra đời cũng từ một khoảnh khắc mà Nguyễn Quang Thiều coi là tác động sâu sắc tới quan niệm của ông về hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung.

Có một quãng thời gian, Nguyễn Quang Thiều rơi vào trạng thái buồn bã. Một buổi sáng se lạnh, ông ngồi uống cà phê và gặp một người mù thổi sáo đi qua. “Người mù ấy đã nhìn tôi rất lâu, và nâng sao lên thổi”, Nguyễn Quang Thiều nhớ lại.

Âm điệu ấy có thể vụng về, nhưng nó thổi bay những buồn rầu trong nhà thơ. Khoảnh khắc ấy như là chìa khóa thay đổi Nguyễn Quang Thiều.

Tranh Người thổi sáo 5, sơn dầu trên toan của Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: NVCC.

Vẽ để sống trọn vẹn

Và khi thế giới ấy đã mở ra, Nguyễn Quang Thiều đã ở lại, bị cuốn đi trong thế giới màu sắc. Nguyễn Quang Thiều nói một trong những hạnh phúc của đời ông là được làm thân với những họa sĩ danh tiếng như Thành Chương, Đào Hải Phong, Lê Thiết Cương, Hoàng Phượng Vỹ.

“Lê Thiết Cương thỉnh thoảng tặng tôi những chiếc bút rất đẹp, và nói tôi hãy vẽ đi, đừng hỏi ai, ‘tuổi này ông đừng đi học ở đâu nữa’”, Nguyễn Quang Thiều kể. Đào Hải Phong cũng gửi toan đến… Đó là những thông điệp mà các họa sĩ khuyến khích nhà thơ vẽ tranh.

Họa sĩ Lê Thiết Cương kéo Nguyễn Quang Thiều vào những triển lãm nhóm. Và một ngày, chủ soái Gallery 39 đã công bố: “Đây là họa sĩ Nguyễn Quang Thiều”. Điều đó khiến cho vị Phó tổng thư ký Hội nhà văn Á - Phi bối rối: “Tôi xấu hổ vì danh xưng họa sĩ, nhưng cũng hạnh phúc biết bao bởi Lê Thiết Cương là người rất khó tính trong nghệ thuật, anh ấy đã gọi tôi là họa sĩ”.

Nguyễn Quang Thiều nói: “Tôi không phải họa sĩ, mà là người bị màu sắc thống trị, cuốn đi, nhất là màu vàng. Tôi không phải họa sĩ chuyên nghiệp, nên không sợ hãi khen chê. Tôi vẽ những hình ảnh xuất hiện trong đầu, tôi vẽ những giấc mơ, có lúc bài thơ vang lên và tôi vẽ bài thơ ấy”.

Người ta nói Nguyễn Quang Thiều làm tất cả: Làm thơ, viết văn, vẽ tranh, làm xuất bản, làm đồ chơi cho cháu, nấu ăn, muối dưa, trông cháu…

Nhưng Nguyễn Quang Thiều nói: “Tôi làm tất cả không phải để trở thành tất cả. Tôi chỉ là người muốn sống trọn vẹn. Tôi rất bận, một năm nhà xuất bản ra hàng nghìn đầu sách mà tôi vẫn về đón cháu mỗi chiều. Nhưng không gì khiến tôi ngừng sáng tạo được. Quan trọng là, tôi được sống, được đi trong một đoạn đường, đoạn đường vô tận trong thế giới của tôi”.

Không gì khiến tôi ngừng sáng tạo được. Quan trọng là tôi được sống, được đi trong một đoạn đường, đoạn đường vô tận trong thế giới của tôi.

Nguyễn Quang Thiều

Dù nhiều lần nhắc mình chỉ là người đi ngang cánh đồng hội họa, song tranh của Nguyễn Quang Thiều vẫn được nhiều người yêu mến.

Trong triển lãm Người thổi sáo - triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Nguyễn Quang Thiều - sắp tới, có nhiều bức ông vẽ trong ba năm gần đây. Ở đó cũng có nhiều bức Nguyễn Quang Thiều vẽ đã được công chúng yêu thích và mua, giờ phải đi mượn lại để triển lãm.

Trong triển lãm này, hình tượng sáng tác chủ đạo của Nguyễn Quang Thiều là người thổi sáo. Khoảnh khắc gặp người mù thổi sáo ấy thành đề tài bất tận cho hội họa Nguyễn Quang Thiều. Ông vẽ muôn hình vạn trạng người thổi sáo, khi thì đứng dưới gốc cây, khi đang ngồi, lúc như đang bay.

Hai hình tượng nữa thường xuất hiện trong các tác phẩm của ông đó là những chú chim và bình gốm. Nếu chim là hình tượng của thiên nhiên, của thanh bình, thì bình gốm là hiện diện của bình chữ, bình nước, bình hạt giống - ba biểu tượng quan trọng với Nguyễn Quang Thiều.

Và ấn tượng hơn cả ở những tác phẩm tại triển lãm của Nguyễn Quang Thiều vẫn là màu vàng - màu sắc đã dẫn ông đi vào thế giới đầy mê đắm của màu sắc và không bao giờ rời xa.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có tên "Người thổi sáo" sẽ được khai mạc vào lúc 10h sáng, ngày 7/1/2021 tại Trung tâm Art Space, Đại học Mỹ Thuật , số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội, kéo dài đến hết ngày 15/1/2021.

Triển lãm này do nhóm Nhân sĩ Hà Đông đứng ra tổ chức. Triển gồm hơn 53 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Hầu hết số tranh trong triển lãm này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trong 3 năm gần đây còn lại là những bức khác được mượn lại của những người đã sở hữu chúng.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-la-nguoi-bi-mau-sac-thong-tri-post1168605.html