Tôi là ai?

Ngày xưa đây thuộc về niềm tự hào của những ai sống ở chế độ trước. Khoảng cách block này với block kia đã được tính toán khoa học.

Mỗi căn hộ 80 m2 nhưng có tới ba phòng ngủ, một phòng khách kê được ba bàn ăn khi giỗ tết, balcon trước và balcon sau và cửa sổ lý tưởng kiểu Tây. Cây lá kim từ thời ấy vẫn còn sừng sững, chúng tôi gọi chúng là chứng nhân.

Nhưng cả khu chung cư nhanh chóng xuống dốc từ sau năm 1975, “đập thì thương mà vương thì tội” kiểu xập xệ như khu Giảng Võ, khu Thành Công ngoài Hà Nội. Chính quyền thống nhất “cung cách làm ngơ”, dân muốn làm gì mặc. Làm ngơ cho những người thâm căn cố đế máu tiểu nông thì các bạn biết rồi đấy.

 Ảnh mang tính minh họa.

Ảnh mang tính minh họa.

Khi chúng tôi về làm cư dân Sài Gòn, chung cư đã thọ hơn ba thập kỷ. Chân cầu thang nơi có cổng rào và không có; tự túc mắc đèn và không thèm tự túc; bãi thải của chó mèo và nhiều đồ hư hỏng vứt thành góc phế liệu… Nhưng chúng gống nhau ở một điểm: mỗi khi một trong mười căn hộ chung cầu thang sửa chữa thì y rằng là thợ hồ thản nhiên trộn bê tông trên chiếu nghỉ, nơi vốn có màu đá granite vàng chanh lộng lẫy.

Hàng mấy chục năm tùy tiện, quanh năm sửa chữa cơi nới để mình phải hơn nhà hàng xóm, những vệt xi măng chết trên nền granite là nỗi xấu hổ mãi mãi, như gương mặt lỡ dao kéo quá đà không cách chi tìm lại được vẻ thanh tân tươi đẹp xưa kia.

Không hiểu vì sao người Việt sau 1975 của mình đồng loạt thống nhất một cách sống ma-kê-nô. Tầng dưới lấn chiếm thì tầng trên cũng lấn chiếm bằng lồng sắt để trồng trọt, phơi phóng và chăn nuôi. Có nhà còn nuôi những bốn con chó hoặc năm con mèo. Bỗng dưng không chú ý chừng vài cái tết thì đã nghe thấy tiếng gà gáy vây bọc, lũ gà tre và lũ gà chọi.

Những cây bàng ngày trước dân hả hê rằng chúng cho bóng mát, giờ ai sở hữu chúng thì chổi loạt xoạt sáng chiều vẫn không xuể, hỏi cánh cây xanh đi tỉa xén ở đường chính phía ngoài “sao không xén trong đây”, họ thản nhiên, “chi mấy triệu đi rồi xén!”

Haha, người trồng cây bàng đã cao chạy xa bay tận xứ thiên đường, người cắm cổ quét lá hôm nay đã là người thứ n của những lần sang tên đổi chủ. Và, các bạn ạ, chung cư là phải có tình trạng vẽ bậy, đái bậy, kim tiêm vứt bậy mà không lần nào chúng bị bắt quả tang. Đơn giản vì đêm xuống, những thứ xập xệ cứ như đồng lõa, con người rút sâu vào lô cốt của mình, hơi đâu!

Nền xi măng ở chân cầu thang khai mù như chuồng heo. Khách của chúng tôi tứ phương trời, quanh năm khách. Nguyễn Quang Thân sáng kiến “Lát gách men bóng cho sạch!”. “Gạch men chúng vẫn đái, thì sao?” “Đái xuống gạch men, nước tiểu không thấm xuống như với nền xi măng, thứ đó bắn vào ống quần, chúng ngại”.

A ha, quá giỏi, quá đúng, quá hay! Chúng tôi tự bỏ tiền ra lát chân cầu thang và Nguyễn Quang Thân lại dùng bộ óc mê kỹ thuật vẽ sơ đồ đường điện, sao cho cả hai đầu đều bật và tắt được công tắc điện mỗi đêm cho hai bóng, trước căn hộ của mình và cả dưới chân cầu thang. Tôi còn “phát lương” tháng cho người hốt rác, chỉ để cậu ta mỗi khuya hốt giúp thứ rác lá bàng mà ngày nào tôi cũng quét gom một chỗ.

Dẹp được nạn người đái nhưng thi thoảng vẫn phải xử lý chuyện mèo hoang và chó của nhà ai đó “ghé chơi”. Nạn kim tiêm cũng vãn, đơn giản vì bây giờ chúng đã có thuốc viên, thậm chí thuốc uống mà vẫn phê, vẫn lắc thoải mái.

Một lần, người nhà của chúng tôi ở Hà Nội vào chơi hè, chú em đi taxi về trước, lát sau con gái và người rể ngoại quốc của chú ấy sẽ từ cảng hàng không quốc tế về sau. Bước vào, chú ấy đau khổ “Chị ơi, sao cầu thang của mình nhiều cứt đái quá!”.

Thôi rồi, tôi biết ngay, tụ điểm lắc choác ở ngay tầng dưới vừa có kẻ phê thuốc, té ra. Tôi chạy vù xuống, may quá, nếu không có chú em hay biết và báo tin, thứ của nợ kia sẽ dây vào giày dép ai và khi ấy, còn phải cực chán! Tôi chạy ào lên, găng tay, tro than đước, túi đựng rác, cây lau, xô nước thơm… vừa làm vừa sợ cháu rể ngoại quốc biết rằng người Việt mình sống như thế đấy. Hú hồn. Nhưng tôi nhớ mãi cái cảm giác ở bàn tay (dù có đeo găng) khi phải chụp xuống cái mớ còn âm ấm ấy. Rùng mình tới tận bây giờ.

Tôi không là nhà văn nhà báo nhà gì cả. Tôi chỉ là người phụ nữ bình thường tâm nguyện còn sống là còn để mắt tới cộng đồng. Nhiều lúc tuyệt vọng, lắc đầu, bất lực sao người Việt chúng ta cứ thản nhiên sống và đạp đổ trên đầu người khác. Nhưng những người này đi Singapore, đi Mỹ, đi Nhật, đi Hàn, đi châu Âu bỗng khác. Có cái gì đó bên trong người Việt chúng ta vậy? Tự hỏi, tự trả lời và vẫn tự tay xử lý mọi thứ bẩn thỉu cho cầu thang của mình sạch và sáng, mỗi ngày.

Miệt mài, như thể vẫn viết báo, viết văn, miệt mài.

DẠ NGÂN (Kiến thức gia đình số 26)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/toi-la-ai-post243927.html