Tội không tố giác tội phạm: Dấu hiệu pháp lý và hình phạt

Báo BVPL có bài 'Vụ án cô gái giao gà: 6/9 đối tượng bị truy tố với khung hình phạt cao nhất là tử hình', tôi muốn hỏi dấu hiệu pháp lý của Tội không tố giác tội phạm và hình phạt của tội này.

Không tố giác tội phạm, được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm được Bộ luật Hình sự quy định (tại Điều 389) mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện.

Tội không tố giác tội phạm được quy định tạiĐiều 390 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”

Các yếu tố cấu thành tội phạm:

Khách thể

Hành vi không tố giác tội phạm xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và người phạm tội.

Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

+ Có hành vi (không hành động) không báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc một tội phạm đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã được thực hiện xong mà mình biết rõ.

+ Tội phạm đang chuẩn bị: Trong trường hợp người phạm tội đang tiến hành tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm.

+ Tội phạm đang thực hiện: Trong trường hợp người phạm tội đang thực hiện các hành vi phạm tội mà chưa hoàn thành tội phạm đó (tức tội phạm đã hoàn thành).

+ Tội phạm đã được thực hiện là trường hợp người phạm tội đã thực hiện xong những hành vi cấu thành của một tội phạm cụ thể.

Tội phạm mà người phạm tội biết rõ là đang chuẩn bị, đang hoặc đã thực hiện phải là một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự, đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm này.

Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Tại khoản 2 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 quy định những đối tượng sau đây không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm: Ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Tuy nhiên họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nếu người phạm tội đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng như nêu ở trên.

Người không tố giác tội phạm nếu đã có hành vi can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Về hình phạt

Bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Được áp dụng trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan.

Luật sư: Đặng Anh Đức (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/tu-van-phap-luat/giai-dap-phap-luat/toi-khong-to-giac-toi-pham-dau-hieu-phap-ly-va-hinh-phat-79736.html