Tới Indonesia 'sống ảo' dưới đáy hồ trong suốt như pha lê

Được mệnh danh là hồ nước trong suốt pha lê với khung cảnh như chốn thủy cung tráng lệ, Umbul đã trở thành điểm đến lý tưởng cho mọi du khách đến Indonesia.

Du khách đến Indonesia chụp hình "sống ảo" tại hồ nước trong vắt như pha lê. Ảnh: Instagram

Du khách đến Indonesia chụp hình "sống ảo" tại hồ nước trong vắt như pha lê. Ảnh: Instagram

Nằm ở khu vực miền Trung Java của Indonesia, Umbul Ponggok nổi tiếng với nguồn nước sạch tinh khiết nhất mà con người có thể hình dung. Nước hồ liên tục được lọc từ 40 con suối đổ vào, với 800 lít nước mỗi giây. Chính bởi vậy, trong thời đại bùng nổ của các trang mạng xã hội, hồ nước này nhanh chóng được biết đến như một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn.

Du khách thỏa sức tạo dáng trong làn nước trong vắt. Ảnh: Instagram.

Hồ Umbul nổi tiếng với nguồn nước sạch tinh khiết nhất mà con người có thể hình dung. Ảnh: Instagram.

Vào mỗi cuối tuần, Umbul Ponggok tiếp đón hàng nghìn du khách đến thăm. Dân làng đã tự tạo ra một “phim trường” thủy cung tuyệt đẹp cùng với các loại đạo cụ dưới đáy hồ như xe máy, bàn, ghế dài, thậm chí cả TV cũng giúp du khách có những bức hình ấn tượng nhất. Hồ Umbul thậm chí còn có cả tài khoản Instagram của riêng mình, với hơn 40.000 người theo dõi.

Phim trường "thủy cung" tuyệt đẹp. Ảnh: Instagram

Một cô gái tạo dáng cùng đàn cá tung tăng bơi lội. Ảnh: Instagram

15 năm trước, Ponggok chỉ là một ngôi làng nghèo, ít người biết đến tại Indonesia. Hồ Umbul lúc đó khá ô nhiễm vì người dân thường tới đây sinh hoạt, tắm giặt. Người dân trong làng có tỷ lệ thất nghiệp cao và chủ yếu kiếm sống bằng nghề nông, khai thác các mỏ đá. Tuy nhiên đến nay, ngôi làng này đã lọt vào danh sách 10 ngôi làng giàu nhất Indonesia. Vấn đề thất nghiệp không còn nữa và du lịch phát triển đã thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Việc phục hồi hồ nước ô nhiễm trở nên trong vắt là nhờ vào sự sáng tạo của ông Junaedi Mulyono. Ngay sau khi được bầu làm trưởng làng vào năm 2016, ông đã đưa sinh viên từ một trường đại học cách đó hàng chục km đến để nghiên cứu, đưa ra một danh sách các vấn đề của làng, những tiềm năng và giải pháp khả thi.

Dựa trên những thông tin được cung cấp, ông Mulyono đã thành lập một doanh nghiệp thuộc sở hữu của làng với tên gọi Tirta Mandiri. Ông yêu cầu người dân trong làng đầu tư vào du lịch và đảm bảo họ sẽ có được thành công trong nhiều năm tới. Theo đó, hơn 430 hộ gia đình trên tổng số 700 hộ đã làm theo lời khuyên của ông. Sau khi hồ nước được dọn dẹp và làm sạch, khách du lịch đã ghé đến làng ngày càng đông.

Trong suốt 10 năm qua, mỗi gia đình đầu tư 5 triệu rupiah (8 triệu đồng) và nhận lãi 400.000 - 500.000 rupiah mỗi tháng (660.000 đến 800.000 đồng). Ngoài ra, thu nhập thêm từ du khách nhờ phục vụ các dịch vụ đi kèm đã giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống, trẻ em trong làng được đi học đầy đủ.

Ngoài những khách du lịch thông thường, hồ Umbul còn tiếp đón các blogger du lịch có tầm ảnh hưởng từ khắp châu Á, các chính trị gia và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Điều này càng góp phần tạo nên danh tiếng cho hồ.

Những hình ảnh "sống ảo" tại hồ Umbul ngày càng xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội. Ảnh: Instagram.

Video: Hồ nước trong vắt như gương thu hút nhiều khách du lịch đến "sống ảo" (Nguồn: OD):

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/toi-indonesia-song-ao-duoi-day-ho-trong-suot-nhu-pha-le-20190923173639557.htm