Tôi học được nhiều từ nhân vật trong bài viết

Đoạt giải báo chí 'Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam' năm 2020, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, giải thưởng là sự vinh danh dành cho người viết và cho nhân vật.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khám phá các miền trời Tổ quốc.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khám phá các miền trời Tổ quốc.

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, quan trọng là nhân vật, bởi thêm một lần nữa nhà giáo Anh hùng lại được động viên, được nhớ tới với lòng yêu mến, kính trọng.

Chia sẻ về tác phẩm “Anh hùng nhà giáo đầu tiên của Việt Nam và lá thư viết bằng máu” viết về nhà giáo Anh hùng Nguyễn Văn Bôn, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng xúc động: Chúng ta cùng nhìn lại năm 1962, thầy Nguyễn Văn Bôn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định bảng vàng công nhận là Anh hùng đầu tiên của ngành Giáo dục Việt Nam. Đó là một sự kiện rất lớn nhưng chúng ta gần như không nhắc đến ông. Có thể do cuộc sống mưu sinh, thời bao cấp, chiến tranh… nhưng tôi nghĩ rằng không nên quên lãng một con người như thế lâu như vậy. Có thể họ cũng không có nhu cầu mọi người nhớ đến họ, nhưng họ nên tồn tại, xuất hiện trong dư luận, trong sách vở, trong báo chí để có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, cho các nhà báo, các nhà giáo trên cả nước, trong đó có tôi.

Nhà báo luôn “xông pha” vào những miền đất lạ để viết và trải nghiệm cuộc sống của người làm báo.

Nhà báo kể: Tôi phát hiện ra ông bởi vì trong một lần tôi đi bộ ở ngã ba biên giới giáp giữa 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào, vùng đất một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe trong 15 ngày liên tục, tình cờ nghe người dân kể về một người anh hùng một cách rất kính trọng. Tôi thấy vùng đất rất lạ nên đã quyết định tìm hiểu để viết chân dung về nhà giáo Nguyễn Văn Bôn. Mọi người nói ông vẫn còn sống và tôi rất ngạc nhiên vì người ta đặt cả một ngọn núi mang tên ông. Tôi nghĩ là sự vinh danh của người vùng cao Hà Nhì với một con người anh hùng của họ như thế quá tuyệt vời.

Tôi vô cùng xúc động, khi về miền xuôi, tôi đã đi tìm, nhưng không tìm được vì không ai biết gì về ông Bôn cả. Tôi mới gọi tổng đài 108 Hải Phòng để hỏi xem toàn bộ thành phố Hải Phòng có bao nhiêu người tên là Nguyễn Văn Bôn, thì họ bảo có 8 người. Khi tôi gọi điện thì có người đã mất, người không làm nghề giáo, người thì là trẻ con, tôi cứ loại trừ dần và cuối cùng đã tìm được ông. Gặp ông, tôi và ông đều rất bất ngờ và xúc động. Sau đó, toàn bộ câu chuyện của ông đã được tôi dựng lại, và tôi đã làm một việc mà tôi rất tâm đắc là tự lái ô tô đưa ông trở lại vùng đất mà mấy chục năm ông chưa trở lại.

Tôi nhớ hôm đó, ông có nói với tôi rằng “Cậu quan tâm đến tôi chẳng kém gì con tôi, con tôi cũng chưa làm được việc đó cho tôi”. Tôi rất vui và với những tư liệu có được tôi đã dựng lại chân dung về cuộc đời ông. Và ở sự kiện vinh danh lần này, thêm một lần nữa đưa ông trở thành một tượng đài truyền cảm hứng cho mọi người về một lối sống giống như là Pavel Korchagin trong Ruồi trâu, muốn cống hiến tuổi trẻ của mình cho một lý tưởng sống.

Tỉnh Lai Châu sau loạt bài của chúng tôi đã rất quan tâm và có nghị quyết là khi ông “về trời” sẽ đặt tên phố là Nguyễn Văn Bôn. Tôi nghĩ rằng, tôi đã trọn vẹn với nhân vật của mình, tôi rất vui và ông còn vui hơn. Ở cái tuổi hơn 80, ông còn lấy lương anh hùng của mình để giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ trẻ em. Đấy là hình tượng mà tôi học được rất là nhiều.

Một con người khi họ hành động, cống hiến, bản thân họ đã giúp đời giúp mọi người xung quanh, giúp chính cuộc đời họ trở thành một cái gì đó cho gia đình, cho dòng họ của họ. Quan trọng hơn, thông qua hình tượng của họ, kể cả khi họ đã mất thì hình ảnh đó vẫn truyền cảm hứng cho người khác, giống như một tượng đài.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/toi-hoc-duoc-nhieu-tu-nhan-vat-trong-bai-viet-RwaLLgoMR.html