'Tối hậu thư' của Triều Tiên?

Vụ phóng tên lửa siêu lớn của Triều Tiên gần đây một lần nữa lại gây dậy sóng dư luận trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều bế tắc.

Động thái này gây lo ngại về gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vốn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đây có thể là “tối hậu thư” của Triều Tiên cảnh báo Washington rằng: Bình Nhưỡng đang cạn dần kiên nhẫn…

Ngày 29-11, Triều Tiên xác nhận đã thử thành công hệ thống bắn liên tiếp của bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Đây là lần phóng thử vũ khí thứ 13 của Triều Tiên trong năm nay và là lần thứ 4 thử bệ phóng tên lửa siêu lớn, nhằm đánh giá lần cuối năng lực của bệ phóng. Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đánh giá, qua vụ bắn thử liên tiếp cho thấy sự ưu việt và độ tin cậy của hệ thống vũ khí này.

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên theo dõi sát sao vụ phóng thử tên lửa mới nhất hôm 28-11. Ảnh: AFP

Nhà lãnh đạo Triều Tiên theo dõi sát sao vụ phóng thử tên lửa mới nhất hôm 28-11. Ảnh: AFP

Trước đó, ngày 28-11, quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng hai vật thể bay từ hệ thống được cho là bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, từ Yeonpo, thuộc tỉnh Nam Hamgyong ở miền Đông Triều Tiên ra biển Nhật Bản.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân Triều Tiên đang đóng băng, động thái của Triều Tiên gây rất nhiều quan ngại. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của nước này Lee Do-hoon đã có các cuộc điện đàm với người đồng cấp của Mỹ Steven Biegun và Shigeki Takizaki của Nhật Bản để thảo luận diễn biến mới nhất kể trên. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này đã nắm được thông tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên và đang giám sát tình hình cùng với các đồng minh trong khu vực. Trong một phản ứng, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã gọi các vật thể được phóng là “các tên lửa đạn đạo” và cam kết chính phủ của ông sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ người dân và tài sản trong nỗ lực phối hợp với cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ và Hàn Quốc. Thủ tướng Abe Shinzo cho biết, mặc dù các vật thể phóng của Triều Tiên không rơi vào vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản nhưng việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa thời gian qua là sự khiêu khích nghiêm trọng đối với các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố kêu gọi Triều Tiên chấp nhận đề nghị của Mỹ và nghiêm túc về đàm phán chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Thông cáo báo chí của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh, Triều Tiên cần tránh đưa ra các tối hậu thư, sau khi Bình Nhưỡng tuần trước tuyên bố sẽ từ bỏ đàm phán phi hạt nhân hóa nếu đến cuối năm nay Washington không đưa ra đề xuất mới nào giúp phá vỡ bế tắc. Bộ Ngoại giao Anh cũng ra tuyên bố kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử tên lửa và nối lại đàm phán với Mỹ hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trước động thái thử tên lửa của Triều Tiên, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon cho rằng, việc Triều Tiên thử nghiệm một bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn dường như là một tín hiệu cho thấy rằng nước này có thể quay trở lại chính sách trước kia nếu không đạt được những điều mong muốn trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

Ông Shin Jong-woo, chuyên gia phân tích thuộc Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul cho rằng, mục đích chính của lần thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên là đánh giá hệ thống phóng loạt liên tiếp và giãn cách 30 giây cho thấy, các nhà khoa học Triều Tiên đã phát triển thành công năng lực tiến công mà lãnh đạo Kim Jong Un yêu cầu.

Được biết, tầm bắn và độ cao tối đa của các quả đạn trong các lần thử mà Triều Tiên vừa tiến hành đều tương đồng. Điểm khác biệt lớn nhất là giãn cách giữa hai loạt rocket trong cùng một lần phóng. Hai quả đạn rời bệ phóng chỉ cách nhau khoảng 30 giây trong vụ thử gần đây nhất, so với 17 đến 19 phút trong hai lần đầu tiên và ba phút ở cuộc thử nghiệm trước đó hôm 31-10.

Theo GS Kim Dong-yup tại Đại học Kyungnam của Hàn Quốc, “với vụ phóng mới nhất, Triều Tiên đã chứng tỏ năng lực phóng đạn liên tục, sẵn sàng sản xuất hàng loạt và triển khai hệ thống này”. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng vẫn cần tiến hành thêm các đợt bắn thử trước khi hệ thống này được biên chế.

Triều Tiên nối lại các vụ phóng thử tên lửa vào tháng 5 năm nay, chấm dứt 18 tháng không thử vũ khí và cho thấy sự mất kiên nhẫn của Bình Nhưỡng khi đàm phán với Washington đang bế tắc. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi tháng 4 đã ra hạn chót vào cuối năm để Washington thể hiện sự “linh hoạt” hơn trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.

Vì vậy, không loại trừ khả năng vụ thử mới nhất có thể là lời nhắc nhở tới Mỹ về thời hạn cuối năm mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đặt ra cho Washington để thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vốn bị đình trệ giữa hai nước.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/toi-hau-thu-cua-trieu-tien-603908