Tối hậu thư có khiến Elon Musk bị phản đòn?

Việc đa số tín đồ Twitter muốn Elon Musk từ chức có thể là đòn phản tác dụng với danh dự của tỷ phú Tesla, hoặc là chìa khóa để ông thoát khỏi vị trí mà ông miễn cưỡng tiếp nhận.

Tỷ phú Elon Musk vẫn chưa có động thái mới liên quan đến khảo sát về việc ông có nên từ chức. Sau bài khảo sát, CEO của Twitter đã có những dòng trạng thái đầy ẩn ý: "Như đã nói, hãy cẩn thận với điều bạn đã ước, khi bạn có thể đạt được nó", ông viết.

Khảo sát bất ngờ được ông Musk đăng tải sau khi tỷ phú Tesla dự khán trận chung kết World Cup ở Qatar, nơi ống kính bắt gặp hình ảnh ông đứng cạnh Jared Kushner, con rể cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Elon Musk đã mở khóa tài khoản của ông Trump với kỳ vọng ông sẽ quay lại Twitter. Song, cựu tổng thống vẫn giữ quan điểm trung thành với mạng xã hội Truth Social của ông.

Với phần đông người ủng hộ CEO của Twitter từ chức, tương lai của nền tảng mạng xã hội này, hay ai là người kế nhiệm, vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Ý định của Elon Musk?

Một điểm được nhắc đến sau sự xuất hiện của ông Musk ở Qatar là về mặt địa lý, Elon Musk đang ở gần Saudi Arabia, nơi có những nhà đầu tư lớn nhất vào Twitter.

Liệu ông có ghé qua Saudi Arabia, hay các nhà đầu tư có đặt câu hỏi về năng lực lãnh đạo Twitter trong vài tháng qua, vẫn đang là một ẩn số.

Cuối cùng, sau chuyến đi đến Trung Đông, ông Musk đã khiến Twitter xôn xao với khảo sát: “Liệu tôi có nên từ chức người đứng đầu Twitter? Tôi sẽ nghe theo kết quả cuộc thăm dò này”.

 Ông Elon Musk xuất hiện trên khán đài sân Lusail theo dõi trận chung kết World Cup ở Qatar hôm 18/12. Ảnh: Reuters.

Ông Elon Musk xuất hiện trên khán đài sân Lusail theo dõi trận chung kết World Cup ở Qatar hôm 18/12. Ảnh: Reuters.

Với hơn 17,5 triệu lượt bình chọn, 57,5% trong số đó ủng hộ việc CEO của Twitter từ chức.

Có 2 luồng giả thuyết xuất hiện sau khảo sát của ông Musk. Thứ nhất, đây là đòn phản tác dụng nếu ông Musk đang cố thúc đẩy cái tôi và thể hiện công khai sự tín nhiệm của người dùng Twitter, theo BBC.

Ngược lại, nó như “một công đôi việc”, khiến ông Musk vừa thuận theo đa số công chúng, vừa có lý do để thoát khỏi Twitter, thương vụ mà ông được cho là phải miễn cưỡng mua lại vào giờ chót để tránh kiện tụng.

Elon Musk được biết đến là người thường nghe theo đa số trong mỗi cuộc thăm dò ông tạo ra. Từ việc mở khóa tài khoản cựu Tổng thống Donald Trump gần đây, hay cả thời điểm bắt đầu thương vụ mua lại Twitter tranh cãi này, ông đều làm theo những gì đa số người dùng bình chọn.

Trước đây, ông cũng từng khảo sát người dùng liệu có nên bán cổ phiếu Tesla ở thời điểm nó đang có giá trị cao hay không.

Người dùng Twitter đang quay lưng với Elon Musk khi đa số muốn ông từ chức. Ảnh: Twitter.

Ai sẽ là người kế nhiệm?

Một câu hỏi lớn được đặt ra là nếu ông Musk nghe theo số đông và từ chức, ai sẽ là người kế nhiệm.

Kể từ khi tiếp quản Twitter, ông Musk được biết đến như người vận hành độc lập mà không có một phụ tá hay người thân cận. CEO Meta Mark Zuckerberg có Sheryl Sandberg, Giám đốc vận hành của Meta. Tại Amazon, Chủ tịch Jeff Bezos có CEO Andy Jassy như trợ thủ của mình. Elon Musk không có một người như vậy tại Twitter.

Một vài nhân vật cấp cao mà ông Musk ban đầu coi là đồng minh, như ông Yoel Roth, cựu Giám đốc bộ phận Tin cậy và An toàn của Twitter, đã rời đi và chỉ trích khả năng lãnh đạo của Elon Musk.

Với bất cứ ai, trước khi muốn trở thành CEO của Twitter, có lẽ cần xem qua bản “mô tả công việc” đầy thử thách: Có một ông chủ khó tính bậc nhất, lực lượng lao động đang mất tinh thần, khi một nửa nhân viên bị sa thải, và phần còn lại bị bắt làm thêm giờ. Ông Musk cũng nói về tình hình tài chính ảm đạm với việc lỗ 4 triệu USD/ngày.

Ngoài ra, áp lực còn đến từ việc các chính sách và quy định liên tục bị ông Musk thay đổi.

Khảo sát về việc từ chức như khép lại một hỗn loạn với những chính sách gây tranh cãi trên Twitter khiến nhiều người mất niềm tin vào tỷ phú Elon Musk.

Ai là người thay thế ông Elon Musk nếu từ chức vẫn là một dấu hỏi. Ảnh: Reuters.

Ngày 15/12, tài khoản Twitter của hàng loạt nhà báo công nghệ bị khóa mà không có giải thích. 3 ngày sau, mạng xã hội này công bố chính sách cấm người dùng chia sẻ bài viết quảng bá nền tảng khác, Verge cho hay.

Bất kỳ nhà lãnh đạo kế nhiệm nào cũng phải đối mặt với thách thức đảm bảo tính an toàn cho khoảng 300 triệu người dùng Twitter, với những nội dung đăng tải thời gian thực - với nguy cơ chứa các nội dung lạm dụng, xúc phạm, phi pháp.

Mối lo còn đến từ sự khó đoán của Elon Musk, và không ai biết trước được dòng tweet tiếp theo của ông có thể gây thiệt hại gì về uy tín hay khiến cơ quan giám sát phải chú ý. Ông Musk đã bị cấm đăng bài liên quan đến Tesla, sau khi ông nói Tesla đang được định giá quá cao khiến giá cổ phiếu sụt giảm.

Sau cùng, con đường duy nhất để cải thiện tình hình là bước tiếp. Một vị CEO mới không mang nhiều ý định tạo ra các cuộc cách mạng không ngừng cho Twitter có thể phần nào xoa dịu các nhà đầu tư và nhân viên.

"Một người thích vũ trụ như ông Musk nghĩ Twitter sẽ cần nhiên liệu tên lửa để đẩy mạnh nó đi. Nhưng có lẽ ông ấy đang học được rằng mạng xã hội và con người không phải cỗ máy. Tương lai của Twitter không nằm trên các vì sao, mà ở những đôi chân trên mặt đất", nhà báo Zoe Kleinman của BBC nói.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-hau-thu-co-khien-elon-musk-bi-phan-don-post1386509.html