Tôi hát Bolero cũng phảng phất Triết học

Duy Cường khởi đầu con đường âm nhạc khá may mắn khi anh giành giải Quán quân Thần tượng Bolero 2018 và được ca sĩ Ngọc Sơn nhận làm học trò. Tháng 9 tới, Cường sẽ có một live show riêng ở Hà Nội, như một cách khẳng định rằng anh sẽ theo con đường âm nhạc một cách nghiêm túc và dài lâu.

- Cường xuất hiện rất ấn tượng khi lần đầu tiên có một tiến sĩ triết học thi Bolero - hai thứ dường như chẳng liên quan gì đến nhau. Vì sao Cường chọn Bolero?

+ Bố mẹ mình yêu Bolero và mình đã nghe Bolero từ rất sớm. Bố mẹ mình đều hát rất hay và thường mở những bài hát Bolero hằng ngày nên từ đó Bolero đã len lỏi vào tâm hồn mình, trở thành một người bạn tri kỷ.

Lý do khác nữa, là mình sinh ra trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn: bố mình bị tai nạn giao thông từ lúc mình học lớp 1, nên mình đã phải phụ giúp mẹ chăm sóc bố ở bệnh viện suốt 5 năm ròng rã. Đó là một tuổi thơ vô cùng vất vả nên mình đã gửi gắm và trút tâm sự của mình vào những bài hát Bolero ngọt ngào, sâu lắng, đậm tình yêu thương.

- Có nhiều tranh cãi về việc người người hát Bolero, nhà nhà hát Bolero thì đời sống âm nhạc Việt Nam sẽ tụt lùi, thậm chí lạc hậu. Cường nghĩ sao về điều này?

+ Với dòng nhạc Bolero, có rất nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là khi Bolero đang nở rộ trong các bữa tiệc âm nhạc ở Việt Nam trong mấy năm gần đây. Có người cho rằng, "mọi người say đắm vào Bolero là sự thụt lùi của âm nhạc".

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng, Bolero là một sản phẩm văn hóa. Vì vậy, chúng ta cần phải có sự bình đẳng trong văn hóa. Đừng nói văn hóa nào thấp, văn hóa nào cao, miễn nó phục vụ tốt đời sống của con người. Và đương nhiên, mọi nghệ thuật đều hướng đến cái đẹp, mà mọi cái đẹp đều để phục vụ cuộc sống.

Nhà Triết học, Mỹ học Canter đã nói: "Thị hiếu (sở thích) là không thể bàn cãi được". Có người thích hội họa, văn học, người thích điện ảnh, âm nhạc. Và tương tự, sẽ có người thích pop ballad, thích rock, dân ca, thính phòng và đương nhiên sẽ có những người thích Bolero. Vấn đề của chúng ta là cần phải tìm ra những giá trị và đặc biệt là những giá trị thẩm mỹ của các tác phẩm Bolero.

- Theo Cường, những giá trị đó nằm ở đâu?

+ Nhạc Bolero du nhập vào Việt Nam từ thập niên 60 ở miền Nam. Tuy rằng tiết tấu, nhịp điệu… của dòng nhạc này là nhập ngoại, nhưng khi về Việt Nam đã được Việt hóa và gắn với những dòng dân ca của Nam Bộ nên rất gần gũi với người dân Việt Nam.

Thời đó, nhiều nhạc sĩ đã viết nên những ca khúc Bolero nổi tiếng như "Đập vỡ cây đàn", "Cho vừa lòng em", "Nhẫn cỏ cho em"… Những bài hát đó ra đời từ rất lâu như vậy nhưng vẫn được mọi người yêu mến. Từ tiệc vui cho đến tiệc buồn, từ người sang trọng đến người bình dân, họ vẫn hát và vẫn yêu bởi nó rất gần gũi để con người có thể gửi gắm vào đó những nỗi lòng của mình.

- Thi và giành ngay giải quán quân và bây giờ là một live show riêng, mọi việc đối với Cường dường như quá thuận lợi, nếu không nói là dễ?

+ Nếu nhìn bề ngoài có thể là quá thuận lợi, nhưng mình nghĩ rằng, mình người khá lý tính khi làm việc nên trước khi làm một việc gì đó, mình phải suy nghĩa, cân đong đo đếm rất kỹ. Con đường đến với nghệ thuật rất tình cờ và lại giành được giải quán quân và nay là liveshow riêng (có lẽ đây là liveshow riêng của một thí sinh đầu tiên mới bước ra từ cuộc thi) nhưng mình đã giành được rất nhiều tình cảm của quý vị khán giả. Liveshow này được tổ chức cũng chính bởi sự tài trợ, ủng hộ của tất cả những người đã yêu mến mình. Kể từ khi tham gia Thần tượng Bolero đến nay đã hơn 8 tháng, thời gian đó không phải là dài nhưng cũng đủ để quý khán thính giả thấy được sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của mình với con đường âm nhạc.

- Nghệ sĩ thường phải có thời gian lao động và cống hiến mới làm live show, còn Cường, mới bước chân vào nghề đã có một liveshow riêng "Tình mẫu tử" vào tháng 9 tới, liệu anh có vội vàng quá không?

+ Mình nghĩ Tổ nghiệp đã giúp mình, đã đưa Ngọc Sơn tới với Duy Cường. Mình không có kỹ thuật hát, cũng không biết phải biểu diễn như thế nào trên sân khấu, nhưng trong thời gian tham gia cuộc thi, mình được thầy Ngọc Sơn rèn luyện và trưởng thành hơn rất nhiều. Tình yêu của quý vị sẽ giúp mình hành động và sẽ có liveshow thành công, nhất là có sự hiện diện của thầy Ngọc Sơn và những giọng ca bolero gạo cội. Mình nghĩ mình vừa liều vừa không liều vì nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ thầy và đơn vị tổ chức, tài trợ.

Duy Cường và thầy, ca sĩ Ngọc Sơn trên sân khấu.

- Liveshow của Cường có nhiều tên tuổi đình đám trong làng Bolero, đặc biệt ca sĩ Ngọc Sơn nhận Cường là truyền nhân. Cường có sợ mình sẽ trở thành phiên bản của Ngọc Sơn?

+ Mình hạnh phúc khi được thầy nhận là truyền nhân đặc biệt nhất và được yêu mến nhất. Mình chưa bao giờ sợ mình sẽ trở thành phiên bản của thầy, vì mình không cố hát giống thầy, đó là điều tối kỵ mà thầy đã nói với mình. Mình đã hát bằng tất cả những gì tự nhiên nhất của mình và phải chăng mình may mắn khi âm sắc phát ra đã có phần giống thầy?

- Live show có rất nhiều cây đa cây đề trong làng nhạc Bolero như ca sĩ Ngọc Sơn, nghệ sĩ Giao Linh. Cường có ngại mình sẽ bị lép vế?

+ Mình không sợ điều này. Bởi mình là thế hệ học trò, truyền nhân của những cây đa cây đề lớn của làng nhạc Bolero. Và đương nhiên, mình cũng tự tin rằng, mỗi một nghệ sĩ sẽ có cách thể hiện của riêng mình. Mình sẽ có cách hát, cách trình diễn rất Duy Cường với tâm thế của một nghệ sĩ trẻ tiếp nối và gìn giữ vẻ đẹp của dòng nhạc đang được công chúng yêu thích này.

- Có nhiều nghệ sĩ lao động nghệ thuật cả đời, họ cống hiến và khá nổi tiếng nhưng không có điều kiện để làm một liveshow riêng. Còn Duy Cường, vừa mới bước chân vào làng nhạc đã có một live show. Có Mạnh Thường Quân nào tài trợ cho Cường?

+ Mạnh Thường Quân lớn nhất của tôi chính là đông đảo tình yêu thương của quý vị khán giả. Bởi sự yêu mến này, một vài đơn vị đã mạnh dạn đầu tư và mời Duy Cường làm nhân vật chính cho liveshow lần này. Đó là những tình yêu thương và niềm tin rất lớn mà nhà tổ chức và khán giả đã dành cho mình.

- Bây giờ, các cuộc thi ca nhạc nở rộ như nấm sau mưa, vì thế người ta cũng nghi ngờ chất lượng của nó. Nhiều thí sinh bước ra từ cuộc thi rồi mất hút, không để lại một dấu ấn gì trong đời sống âm nhạc. Cường thì sao?

+ Đương nhiên, nếu cái gì quá nó cũng sẽ gây bội thực, nhưng với "Thần tượng Bolero", mình luôn tin tưởng về sức hút của nó. Tất nhiên, được giải từ cuộc thi mới chỉ bắt đầu cho một hành trình phía trước còn rất dài và gian nan. Tuy nhiên, mình sẽ không mất hút đâu, bằng chứng là mình đang làm live show và có những dự định dài hơi cho âm nhạc. Mình vẫn đi hát cho niềm đam mê cháy bỏng của mình.

- Nhưng thực tế, có nhiều người ảo tưởng vào sức mạnh của các cuộc thi mà không hình dung ra con đường nghệ thuật là chông gai và khổ luyện?

+ Đúng vậy, các cuộc thi chính là nơi chắp cánh cho đam mê của chính bạn, nhưng nếu bạn không có tài năng (năng khiếu) thì thực sự cũng rất khó để thành công. Con đường đến thành công của âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung rất chông gai, thử thách, vất vả lắm nhưng nếu ai đã dùng hết cái tâm của mình để cháy cùng nó, cộng với sự ưu ái của tổ nghiệp thì khi đã được công chúng đón nhận thì sẽ rất bền vững.

- Cường có ý định đi đường dài với âm nhạc hay không? Nếu có, anh có dự định học hành bài bản không?

+ Điều này mình sẽ trả lời vào tương lai bởi tương lai chưa thể nói được điều gì trước, nhưng với niềm đam mê lớn với âm nhạc thì mình chắc chắn sẽ học hành bài bản và chủ yếu sẽ tầm sư học đạo với người thầy của mình - danh ca, nhạc sĩ Ngọc Sơn.

- Một tiến sĩ triết học có giúp ích nhiều cho Cường khi hát?

+ Có chứ, triết học giúp cho mình có một cái nhìn tổng thể về nghệ thuật. Đó là những cái nhìn, sự hiểu sâu về giá trị về quy luật của nghệ thuật, về âm nhạc. Và mình đã vận dụng nó vào để hiện thực hóa, cụ thể hóa những quy luật đó vào trong từng câu hát. Và như bạn thấy đó, mỗi một bài hát, một câu hát mình đều đặt để rất nhiều cảm xúc vào đó và có khán giả đã nhận xét vui rằng, "mình hát Bolero cũng phảng phất Triết học"(cười).

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của Duy Cường.

Việt Hà (thực hiện)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/nhan-vat-hot/toi-hat-bolero-cung-phang-phat-triet-hoc-507443/