'Tôi giúp cha mẹ phân biệt tin giả khi dịch Covid-19 bùng phát'

Khi làn sóng tin giả về dịch bệnh lan rộng từ mạng xã hội đến ngoài đời thực, nhiều bạn trẻ trở thành 'bộ lọc', giúp người thân kiểm chứng thông tin, tránh bị đánh lừa.

“Chiều tan làm về nhà luôn nhé, đừng có ghé qua chỗ nào khác. Mẹ nghe nói TP.HCM sắp phong tỏa đấy”, Minh Ngọc (22 tuổi, TP.HCM) nhận được tin nhắn từ mẹ.

Thời điểm ấy, TP.HCM vừa ghi nhận thêm ca dương tính mới nhưng cô mới chỉ đọc thấy thông tin phong tỏa địa điểm có người bệnh hay khuyến cáo tránh tụ tập đông người.

Nguồn cơn hóa ra bắt đầu từ một bài đăng của ai đó trên mạng xã hội, với dòng chữ in hoa nổi bật “Thông tin mật”.

 Đại dịch xuất hiện cũng là lúc tin giả xoay quanh chủ đề này tràn lan trên mạng. Ảnh: Reuters.

Đại dịch xuất hiện cũng là lúc tin giả xoay quanh chủ đề này tràn lan trên mạng. Ảnh: Reuters.

“Mẹ mình sau khi đọc lập tức gọi ngay, liên tục dặn mình không được đi đâu trong lúc phong tỏa. Mẹ còn bảo tin này chưa công bố rộng rãi, may mình biết trước. Nghe vậy đủ biết là tin giả. Mình vừa buồn cười vừa thương mẹ lo cho con cái”, Ngọc kể.

Cô bạn nói thêm: “Giờ, người lớn tuổi chơi mạng xã hội cũng nhiều. Mình thường xuyên nhắc cha mẹ cảnh giác, phân biệt được tin thật, giả”.

Khi tin giả về dịch bệnh tràn lan trên mạng xã hội, nhiều người trẻ tuổi đóng vai trò như bộ lọc thông tin, giúp người thân lớn tuổi trong nhà tránh khỏi các thông tin tức thất thiệt, dễ gây thêm hoang mang.

Tin giả làm khó người lớn tuổi

Mất một hồi lâu, Ngọc mới thuyết phục được mẹ rằng bài đăng kia có nhiều lỗ hổng về tính xác thực. Các ca nhiễm dương tính tại TP. HCM đều đã khoanh vùng, truy vết kịp thời nên việc phong tỏa diện rộng là vô căn cứ.

“Thông tin mật mà được chia sẻ rộng rãi tới cả nghìn người, rõ ràng là vô lý”, Ngọc nhấn mạnh.

Tương tự, Minh Anh (19 tuổi, Hà Nội) cũng không hiểu thông tin “Hà Nội sắp không kiểm soát được dịch bệnh” được bố nói với cả nhà xuất phát từ đâu.

Cẩn trọng với từng nút like, share trên mạng xã hội cũng góp phần ngăn chặn tin giả lan truyền. Tranh: Vice.

Thấy con gái không tin, bố Minh Anh liền đưa ra clip ghi lại cảnh đường phố vắng vẻ kèm dòng chữ “Hà Nội ngày đầu phong tỏa” từ một YouTuber đông lượt theo dõi.

"Chỉ là vài dòng chữ ngắn ngủi nhưng đủ khiến đảo lộn tâm lý, sinh hoạt thường ngày của rất nhiều người”, cô bạn nói.

Với Hà Trang (24 tuổi), cảm giác bị chia sẻ fake news không mấy vui vẻ.

"Khu vực mình ở chưa hề có ca nhiễm nào, mẹ người yêu lại gửi một cái tin nói phố gần nhà mình có mấy ca dương tính liền, rồi khuyên mình không nên tới những chỗ khác. Trước đó, mình vẫn thường sang nhà bạn trai chơi cuối tuần".

Dù đã giải thích và đưa cả thông báo cập nhật từ nguồn chính thống, Trang cho hay mẹ bạn trai cô vẫn tỏ ra lo lắng.

"Vài ngày sau mình lại nhận được những bài đăng dạng kiểu vậy. Mình cũng thông cảm thôi, tin giả thường đi kèm với các từ ngữ giật gân mở đầu như 'tin hot', 'khẩn cấp', 'thông tin mật', 'mới nhất từ chính phủ' để người đọc không mảy may nghi ngờ".

Ca nhiễm Covid-19 ở chung cư SunView Town (TP Thủ Đức, TP.HCM) được phát hiện ngày 18/5. Ảnh: Hoàng Giám.

Chỉ đọc và chia sẻ thông tin từ nguồn tin cậy

"Mẹ thấy người ta nói thế trên mạng" là câu trả lời Tuấn Minh (24 tuổi) nhận được mỗi lần hỏi mẹ về thông tin "phun thuốc khử trùng chống virus corona trên bầu trời toàn quốc", "có người chết vì covid tại cửa khẩu" đọc từ nguồn nào.

Mỗi khi mẹ đọc phải tin giả, Minh lại ngồi phân tích điểm bất hợp lý ở những tin tức kiểu này cho mẹ. Theo Minh, số lượng trang tin nhảm nhí giờ có rất nhiều, khó tránh khỏi cảnh đôi lúc bị đánh lừa nếu không cẩn thận, suy nghĩ kỹ.

"Để giúp mẹ tránh rơi vào những nội dung gây hoang mang, mình đưa cho mẹ một số nguồn tin tưởng, dặn mẹ chăm xem thời sự, đọc báo chính thống. Cẩn thận hơn, mình cài thêm vài ứng dụng đọc báo bản thân hay đọc vào điện thoại phụ huynh", chàng trai nói.

Với Minh Anh, cô cho rằng những người ở độ tuổi trung niên có xu hướng đọc tin tức qua vòng bạn bè trên mạng xã hội. Chuyện đông người chia sẻ dễ dẫn đến hiểu lầm là độ tin cậy cao.

"Không chỉ người lớn tuổi, thế hệ trẻ tuổi hơn cũng dễ hoang mang bởi những thông tin trên mạng. Bản thân mình cũng từng tin vào fake news vài lần nên hiểu việc giúp bố mẹ chọn lọc thông tin tốt hơn là điều cần thiết để tin giả không lan xa thêm".

Nhiều người thừa nhận mệt mỏi hơn khi phải đối diện với không ít thông tin thất thiệt về dịch virus corona từ chính người thân, bạn bè, đồng nghiệp mỗi ngày. Ảnh: FB.

Đó cũng là cách mà Hương Trang nói với mẹ mình khi thấy một số bài đăng như “phòng ngừa virus SARS-CoV-2 bằng cách uống nước chanh ấm, ăn tỏi tép”, “nhiều ca nhiễm Covid-19 không rõ nguồn lây ở Hà Nội” ở trên trang cá nhân của mẹ.

“Bản thân mẹ mình không tin tưởng 100% nhưng vẫn chia sẻ lại vì nghĩ rằng thà cẩn thận còn hơn không”, Trang nói.

Cô cho rằng đây là tâm lý phổ biến của những người lớn tuổi, các bậc cha mẹ trước “ma trận thông tin về Covid-19”. Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, họ chọn tin vào mọi nguồn thông tin sẵn có với hy vọng bảo vệ bản thân và gia đình.

"Càng những lúc dịch bệnh, càng cần tỉnh táo, nhất là với người lớn khi sức đề kháng của cơ thể, lẫn sức đề kháng với tin giả, tin đồn thất thiệt sẽ yếu hơn người trẻ. Việc nắm được thông tin đúng, đủ sẽ giúp cha mẹ bớt hoang mang, hành động hợp lý hơn để bảo vệ bản thân và gia đình", Hương Trang nói.

Trong bài viết riêng cho Zing, tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn - giáo sư dịch tễ học thuộc Đại học Notre Dame, Australia - từng nhấn mạnh kiểm tra nguồn thông tin là điều quan trọng để tránh bị đánh lừa bởi tin giả.

Thông tin trên mạng có rất nhiều, người dân nên chọn lọc theo dõi một số nguồn đáng tin cậy như trang thông tin chính thức của chính phủ, thông báo từ Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các viện nghiên cứu, trung tâm y khoa nổi tiếng, tập san khoa học chính thống.

Nếu phát hiện tin giả, người dân có thể phản ánh tại địa chỉ tingia.gov.vn. hoặc gọi đến số 18008108 để báo cáo.

Hiền Thy - Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-giup-cha-me-phan-biet-tin-gia-khi-dich-covid-19-bung-phat-post1217506.html