Tôi ép con học đến suýt đổ bệnh chỉ vì một câu nói của mẹ chồng

Chuyện đã xảy ra gần 1 năm về trước, bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy ngao ngán, mệt mỏi... Chỉ vì vội vàng một chút, hiếu thắng một chút mà tôi đã suýt hại con ngay khi con bước chân vào lớp 1.

“Đại chiến mẹ chồng nàng dâu” xung quanh chuyện chọn trường cho con

Vợ chồng tôi đều lớn tuổi mới cưới (tôi 30 còn chồng 37 tuổi) nên khi sinh được bé trai đầu lòng thì cả hai nhà nội ngoại đều mừng. Vì chồng tôi là con trai một, nên con chúng tôi lớn lên trong sự nâng niu chăm sóc hết mực của ông bà nội.

Từ tiền sữa, tiền bỉm, tiền học mẫu giáo... của cu Bon, tất tật đều do ông bà nội cho. Nói thật là nhiều khi được quan tâm quá cũng hơi ngột ngạt, nhưng tôi nhanh chóng cho qua mọi việc, phần vì bận công việc, phần vì nghĩ “ông bà thương mới thế”.

Đến tháng 5 năm ngoái, con trai tôi tròn 6 tuổi và chuẩn bị bước chân vào lớp 1. Lúc này một bài toán đau đầu đặt ra là: chọn trường nào cho con?

Chồng tôi bản tính xuề xòa, quyết định rất nhanh: “Cho con học trường công ngay gần nhà, tiện đưa đón, con đỡ mệt mà mình cũng đỡ mệt”.

Bố mẹ chồng thì phán một câu xanh rờn: “Có mỗi thằng cháu đích tôn, bố mẹ mày lại định cho vào học trường làng là thế nào? Tìm trường quốc tế nào xịn một chút, đầu tư cho nó học, hết bao nhiêu ông bà cho”.

Tôi đứng giữa, chẳng biết theo “phe” nào. Chồng cũng có lý, mà bố mẹ chồng cũng có lý. Tôi bắt đầu tìm hiểu thông tin trên mạng, vào hết diễn đàn này đến hội nhóm kia để xem kinh nghiệm của các mẹ đi trước mách về việc chọn trường.

Chồng tôi thì không thể hiện quan điểm rõ ràng, tính anh vốn như vậy, chỉ bảo tôi: “Em tự biết như thế nào là tốt cho con”. Tuy nhiên bố mẹ chồng thì ra sức bảo vệ quan điểm. Ông bà khăng khăng cho rằng phải học trường quốc tế thì mới tốt cho cháu vì hệ thống trường Việt Nam bây giờ vẫn còn nhiều vấn đề không đảm bảo, nào là bệnh thành tích, nào là trẻ không được phát triển toàn diện, số lượng học sinh mỗi lớp đông...

Bố mẹ chồng còn dẫn ra con anh A, chị B hàng xóm, cũng học trường quốc tế từ nhỏ, sau này tiếng Anh tốt, tìm học bổng đi du học, bố mẹ được nở nang mày mặt. Rồi cả “danh dự gia đình” cũng được lấy ra để gây áp lực vì: “Nhà 4 người lớn đi làm nuôi mỗi thằng bé mà không lo được cho nó học trường tử tế, hàng xóm người ta nói cho”.

Mẹ chồng lấy "danh dự gia đình" ra để gây áp lực với tôi chuyện chọn trường cho con - Ảnh minh họa

Sợ mang tiếng, mẹ ép con học đến mức... sinh bệnh

Trong lúc “rối như canh hẹ”, chưa biết quyết định như thế nào, tôi gọi điện hỏi một số người bạn đã từng trải qua việc chọn lựa trường khi con chuẩn bị vào lớp 1. Tình cờ là hỏi cả 3 người thì cả 3 đều bảo: nên cho con học trường tư, nhưng phải là trường của Việt Nam.

Mẹ chồng tôi khăng khăng: “Trường Tây thì nhất định phải hơn trường ta”.

Cuối cùng bà còn nói dỗi: “Thôi con anh chị, anh chị muốn thế nào thì tùy. Sau này con cái học không ra gì thì đừng trách ai”.

Những người bạn này đều phân tích 1 điểm chung: trường quốc tế tuy tốt thật, nhưng cách giáo dục của họ quá coi trọng các hoạt động thể chất, trẻ được chơi nhiều, học mà như chơi... nên không rèn được tính kỷ luật, kiến thức học được cũng rất sơ sài.

Có người bạn còn dẫn ra những trường hợp trẻ học ở trường quốc tế, sau đó vì lý do bất khả kháng chuyển sang trường Việt Nam thì thấy kiến thức bị hổng chỗ nọ hụt chỗ kia, không thể nào theo kịp các bạn.

Sau một hồi mắt chữ O mồm chữ A đi hóng chuyện các bà mẹ nhiều kinh nghiệm, tôi quyết định “xù lông nhím” để bảo vệ quan điểm cho con học trường Việt Nam. Bố mẹ chồng có vẻ vô cùng sốc vì từ trước đến nay các vấn đề nuôi dạy con vợ chồng tôi đều răm rắp nghe theo ông bà, ông bà bảo A là A, B là B... thế mà lần này một mình tôi dám “cãi lại”.

Tôi phân tích cho ông bà những nhược điểm của hệ thống trường quốc tế mà tôi biết được sau khi tìm hiểu kỹ, ông bà vẫn không ủng hộ. Mẹ chồng tôi khăng khăng: “Trường Tây thì nhất định phải hơn trường ta”. Cuối cùng bà còn nói dỗi: “Thôi con anh chị, anh chị muốn thế nào thì tùy. Sau này con cái học không ra gì thì đừng trách ai”.

Thời điểm đăng ký trường cho con đã cận kề, tôi quyết định đăng ký cho con học một trường tư có tiếng vào loại nhất nhì ở Hà Nội. Tuy đã chọn được trường tốt cho con nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng trĩu nặng vì vừa lo tự chi trả hết các khoản chi phí, về nhà tôi lại đối diện với thái độ mặt nặng mày nhẹ của mẹ chồng.

Thời gian đầu khi mới đi học, cu Bon có vẻ khá vui. Được mua sách vở mới, làm quen với bạn mới... con rất hào hứng. Thỉnh thoảng xem vở con cũng như trao đổi với cô giáo chủ nhiệm, tôi thấy cô nhận xét con có khả năng nhận thức khá nhanh.

Tôi nghĩ cần nhân cơ hội này để động viên con học, quyết tâm chứng minh để bố mẹ chồng thấy học trường Việt con vẫn có thể giỏi giang không kém cạnh gì.

Tôi nhờ cô giáo chủ nhiệm của con xem có những kỳ thi học sinh giỏi nào thì đăng ký cho con tham gia thi. Thi giải toán trên mạng, tiếng Anh, viết chữ đẹp... cả các môn năng khiếu như cờ vua, bóng rổ... tôi đều động viên con tham gia. Quả nhiên học kỳ I cũng đạt được những thành tích nhất định. Tôi càng phấn khởi và dành nhiều thời gian để kèm thêm cho con học. Có khi 10 giờ, 11 giờ đêm hai mẹ con tôi vẫn loay hoay với những bài thi thử trên mạng hoặc “luyện” tiếng Anh với nhau...

Con tôi gần như mắc bệnh tự kỷ vì áp lực học hành - Ảnh minh họa

Mọi chuyện đang suôn sẻ thì 1 tháng sau khi bắt đầu học kỳ II, con bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu mệt mỏi. Về nhà có hôm con quẳng sách, chạy vụt lên phòng ngủ, đóng chặt cửa ở trong phòng, nhất định không chịu xuống ăn tối...

Con rất dễ nổi nóng, nhiều khi chỉ một lý do bé xíu cũng khiến con khóc ầm lên, ném đồ đạc sách vở. Nhiều hôm đến sát giờ học thì con kêu đau bụng, không muốn đi học làm tôi lại phải xin nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con.

Tâm trạng rối bời, tôi gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm của con để hỏi xem vì sao con lại thay đổi đột ngột như vậy.

Điều mình cần chưa chắc con đã cần

Cô giáo cũng cho biết ở lớp cu Bon ít nói hơn trước, giờ ra chơi ít chơi với các bạn, hay ngồi lầm lỳ một mình. Cô giáo khuyên tôi nên dành thêm thời gian trò chuyện với con, cô cũng sẽ không đăng ký cho con tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi để giảm bớt áp lực học.

Thế nhưng, câu cuối cùng của cô mới làm tôi lặng người: “Em nghĩ nếu một vài tuần nữa con không chuyển biến thì chị nên cho con đi khám bác sĩ tâm lý, em sợ rằng con đang có những dấu hiệu của bệnh tự kỷ”.

Tôi quá sức hoảng hốt, không hiểu mình đã làm điều gì sai. Phải chăng chỉ vì hiếu thắng với bố mẹ chồng mà tôi ép con học quá sức, kỳ vọng ở con quá nhiều? Phải chăng tôi đã sai ngay từ đầu khi không nghe lời mẹ chồng, rằng “trường Tây phải hơn trường ta”?

Trẻ không cần những ganh đua, thành tích trong học tập như người lớn mong chúng đạt được - Ảnh minh họa

Tối hôm đó, ngay sau khi nói chuyện với cô giáo của con, tôi nhắc con đi ngủ sớm. Không luyện viết chữ đẹp, không luyện nghe tiếng Anh, ... chỉ thực hiện mong muốn quen thuộc của con là “mẹ ôm con một tí cho con dễ ngủ”.

Sau khi con đã ngủ ngon, tôi khe khẽ nhấc tay con ra và ngồi nói chuyện với chồng, tâm sự thật những lo lắng rối bời trong lòng.

Hóa ra chồng tôi vẫn biết nhưng không lên tiếng phản đối những việc tôi đã làm. Anh chỉ nói nhẹ nhàng: “Em đừng tự tạo áp lực cho mình, cho con về thành tích học. Học trường quốc tế hay trường Việt, trường công hay trường tư, thực ra đều không quan trọng. Quan trọng là con thấy vui với chuyện học. Còn chuyện ông bà nội hài lòng, không hài lòng em cũng đừng lăn tăn quá. Ông bà già rồi, mình nên chủ động. Cuộc sống của mình, của con thì mình phải tự quyết”.

Tôi thấy thật may mắn vì dù sao mình vẫn có một người chồng hiểu chuyện, chỉ có bản thân mình là vội vã, hiếu thắng. Thời gian qua tôi đã vô tình đẩy cu Bon vào một cuộc đua thành tích để “giữ thể diện” cho mẹ, suýt chút nữa thì làm hại con.

Dành thời gian chơi cùng con, đọc sách cùng con, mẹ con tôi dần lấy lại cân bằng - Ảnh minh họa

May mắn là sau khi tôi nhận ra mọi chuyện cũng vừa đến dịp nghỉ Tết. Tết năm ngoái tôi đã dành rất nhiều thời gian trò chuyện, đọc truyện đọc sách cho con, cho con ra ngoài chơi...

Cu Bon vui ra mặt, có phần cũng hơi ngỡ ngàng vì sự thay đổi của mẹ. Cháu dần dần lấy lại được khí sắc bình thường, vui vẻ, khỏe mạnh như chưa từng có những “khủng hoảng” đã xảy ra trước đó.

Sắp đến năm học mới, lại thêm một lớp trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Mong rằng các bậc phụ huynh đừng vì những câu chuyện của người lớn mà tạo thêm áp lực cho con trẻ, bắt trẻ gánh thêm gánh nặng “thể diện gia đình” hoàn toàn không cần thiết.

Anh Phương

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/toi-ep-con-hoc-den-suyt-do-benh-chi-vi-mot-cau-noi-cua-me-chong-d9753.html