Tới Đường sách Sài Gòn, gặp ông chủ tiệm từng phá sản với 10 tấn sách

Đi từ đường Hai Bà Trưng vào Đường sách TP.HCM, ta sẽ gặp một tiệm sách thuộc dạng nhỏ nhất, với lối vào hẹp nhất, của ông Lê Huỳnh Trí, người buôn sách cũ suốt 33 năm nay.

Tiệm sách của ông Lê Huỳnh Trí chuyển từ Thủ Đức về Đường sách TP.HCM từ 3 năm trước, ngay từ những ngày đầu con đường đầy ắp tiệm sách này mở cửa đón độc giả. Chính ông Lê Huỳnh Trí từng được ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam kiêm Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, mời đến họp bàn khi ý tưởng về Đường sách đang được thảo luận.

Và ông cũng là người bán sách cũ đầu tiên có một ki-ốt ở Đường sách. Ông bê 1 tấn sách từ kho tàng của mình đến đường Nguyễn Văn Bình, mỗi ngày đi hơn 10 km từ Thủ Đức đến trung tâm thành phố để tiếp tục công việc mà ông gắn bó.

Hôm nay (10/10) là dịp kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam, và cũng là sinh nhật lần thứ 69 của ông Trí.

Bán tống bán tháo 10 tấn sách do phá sản

Câu chuyện về ông Trí từng được cộng đồng mạng và báo chí quan tâm một thời. Sau 30 năm kinh doanh sách cũ ở quận Thủ Đức, đến năm 2015, ông bị chủ cho thuê đất làm tiệm sách đòi mặt bằng, dẫn đến phá sản, gia đình lâm vào cảnh khó khăn.

Lúc đó, không còn gì để mất, ông quyết định bán hết 10 tấn sách cũ trong nhà, chỉ mong thu được ít tiền trả nợ.

Ông Lê Huỳnh Trí bên tiệm sách cũ nhỏ ở Đường sách TP.HCM, 3 năm sau lần phá sản phải thanh lý 10 tấn sách. Ảnh: Liêu Lãm.

Ông Lê Huỳnh Trí bên tiệm sách cũ nhỏ ở Đường sách TP.HCM, 3 năm sau lần phá sản phải thanh lý 10 tấn sách. Ảnh: Liêu Lãm.

Ban đầu, ý định của ông Trí là sang nhượng toàn bộ 10 tấn sách cho chủ kinh doanh mới, thu về nhiều lắm cũng được khoảng 100-150 triệu trang trải nợ nần. Nhưng việc tìm lại người mua toàn bộ là quá khó, nên ông quyết định trưng biển "Dẹp tiệm bán rẻ", "Thanh lý giải nghệ", cầu mong độc giả yêu sách sẽ cứu gia đình mình.

"Có một bạn trẻ trước đó từng mua sách ở chỗ tôi, bạn không mang tiền nên tôi nói cứ cầm sách về, hôm sau trả cũng được", ông Trí kể với Zing.vn, "Mấy năm sau, bạn ấy đã ra trường, đi làm, cũng khá thành đạt, thì nghe được chuyện tôi thanh lý sách, bạn tìm đến tận nơi ủng hộ rồi chụp ảnh đăng lên mạng kêu gọi bạn bè. Sau đó nhiều độc giả khác tìm đến tận nơi mua sách".

Thời đó, ông Trí bán được mỗi ngày 1 tấn sách, bán trong 10 ngày thì hết 10 tấn. Số tiền thu được là vài trăm triệu giúp ông trả nợ. Nhờ có mạng xã hội và báo chí, đến tận bây giờ, ông Trí vẫn có thể xem lại những hình ảnh chính ông ngồi thanh lý sách trong đợt phá sản năm ấy.

Nhưng cũng nhờ vậy, cộng đồng mạng đã góp phần lưu giữ hình ảnh những độc giả đã cứu giúp ông. Ông gọi điều này là chuyện "hi hữu", "có một không hai" trong làng sách, vì "cả đời bán sách rồi lại được độc giả cứu khi gặp nạn".

"Ngày nào xe cộ cũng đến nhà tôi nườm nượp, có những lúc 50 độc giả chen chúc nhau trong tiệm để chọn sách. Công an họ cũng nhìn thấy đông người nhưng không can thiệp vì họ biết nhà này đang phá sản, họ để mình xoay xở nốt", ông nhớ lại.

Bộ sưu tập truyện tranh Doraemon cũ của ông Trí và dãy tiệm sách cũ đầu đường Nguyễn Văn Bình (Đường sách TP.HCM). Ảnh: Liêu Lãm.

Nghiệp làm sách đưa ông đến biến cố tuổi trung niên cay đắng như vậy nhưng không thể ngăn ông Trí tiếp tục theo nghề. Chỉ cần có cơ hội với một ki-ốt nhỏ ở Đường sách Sài Gòn, ông trở lại với nghề dù thu nhập giờ đây không còn tốt như trước.

Tiệm của ông ở vị trí hơi khuất, mặt tiền lại hẹp nên không thu hút độc giả như các tiệm kế bên. Hiện tại, vợ ông bán bún ở nhà để lấy nguồn thu chính nuôi 2 vợ chồng và một người cháu đang tuổi ăn học.

"Có những ngày, doanh thu của tiệm chỉ 200.000 - 300.000 đồng, không đủ để trả công cho các nhân viên", ông Trí bộc bạch. Có những ngày cuối tuần, khách đông, doanh thu cũng tăng lên.

Không bán sách cũ mấy triệu, mười mấy triệu đồng

Ở tuổi 69, ông Lê Huỳnh Trí cũng là người bán sách lớn tuổi nhất ở Đường sách Sài Gòn. Ngay cạnh tiệm ông là một tiệm lớn hơn của ông Long Hoàng, 68 tuổi, là dân quận 1, cũng theo nghề bán sách cũ từ năm 1977 (tức là cách đây 41 năm).

Ông Trí thừa nhận lối bán sách của mình cũng đã "lạc hậu" so với lớp trẻ kinh doanh sách. "Tôi vẫn giữ lối bán sách cũ giá rẻ cho độc giả sinh viên như 33 năm nay", ông nói.

"Các đầu sách ở tiệm tôi, đắt nhất chỉ đến vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, lớp trẻ ngày nay nhanh nhạy hơn nhiều trong kinh doanh. Họ nhập về những bản sách hiếm, sách quý, đề giá cao, mình không theo kịp".

Bà Lê Thị Ơn và ông Long Hoàng, cặp vợ chồng bán sách cũ 41 năm. Ảnh: Liêu Lãm.

Ông Trí nói giờ đây ông chỉ bán túc tắc, và cũng không có nhiều vốn để đầu tư cho các dòng sách "hot", sách tham khảo bán chạy hay sách quý hiếm dành cho giới sưu tầm.

Còn những bản sách cổ trước 1975 thuộc dạng quý, ông vẫn còn cất ở nhà, phần vì muốn lưu giữ, phần vì cũng khó khăn khi định giá, còn đề giá tiền triệu hoặc mười mấy triệu đồng như các tiệm sách cũ khác thì ông không làm.

Ở Đường sách TP.HCM, rất dễ dàng tìm thấy các đầu sách cũ với giá tiền triệu hay mười mấy triệu ở những tiệm sách cũ do người trẻ kinh doanh. Sách cũ ngày nay không chỉ để phục vụ thói quen đọc sách giá rẻ của một số nhóm độc giả chưa rủng rỉnh tiền bạc, mà còn để đáp ứng thú chơi sưu tầm của một nhóm độc giả hầu hết lớn tuổi, có thể mua mà không cần quan tâm giá tiền.

Ông Long Hoàng thổ lộ với Zing.vn: "Tôi lại không thích bán sách cho một nhóm nhỏ sưu tầm ấy, tôi thích bán sách cho những độc giả có ít tiền nhưng ham đọc sách và muốn đọc nhiều. Bán sách không phải là một nghề nhiều tiền, nhưng mang lại nhiều thứ cho cái đầu".

Sơn Tùng M-TP và những thước phim ở hàng sách cũ

Có một điều đặc biệt ở những người bán sách cũ lớn tuổi. Đó là họ theo nghiệp trong một khoảng thời gian rất dài, thường là vài chục năm. Chính vì vậy, họ khó có thể dứt nghiệp, dù đã ở vào lúc có thể an hưởng tuổi già.

Người đọc là động lực của những người bán sách già để tiếp tục công việc cả đời. Ảnh: Liêu Lãm.

Ông Trí nói sau vụ phá sản khiến gia đình điêu đứng, ông định bỏ nghề sách thật. Nhưng nay ông vẫn ngồi đây, trong tiệm của mình, say sưa đọc sách lúc vắng khách, ăn vội bữa cơm hộp lúc 2h chiều để quay lại trông hàng, hoặc chiều chiều vãn thì đi dạo dọc Đường sách, trò chuyện với mọi người.

Ông cũng tiếc nuối thừa nhận trong đợt thanh lý 10 tấn sách năm 2015, ông đã bán đi khá nhiều đầu sách quý, vì lẫn trong đám sách không thể nào lọc ra kịp.

Nhưng sách quý về tay người đọc xứng đáng, có lẽ cũng là một mối duyên hay. Những cuốn sách cũ luôn đặc biệt là vì thế, trong chúng ẩn chứa những số phận, những mối giao đãi vô hình như thế.

Còn ông Long tự hào, chính vì đọc sách nên ông có thể nói chuyện về bất cứ chủ đề nào. "Về các ca sĩ trẻ thì sao?", phóng viên hỏi. "Có gì mà không nói được, Sơn Tùng M-TP từng đến quay phim ở tiệm của tôi", ông trả lời.

Sơn Tùng M-TP mua sách ở một tiệm sách cũ của Đường sách TP.HCM.

Ông nói không sai, tiệm sách của ông Long chính là nơi được Sơn Tùng M-TP chọn để quay một đoạn phim về cuộc sống thường ngày của anh nhân ngày sinh nhật năm nay.

Trong đoạn phim, nam ca sĩ đã ghé tiệm, mua cuốn Chạm tới giấc mơ - tự truyện của chính anh - từ tay bà Lê Thị Ơn, vợ của ông Long và cũng là người cùng ông bán sách 41 năm nay.

Với bà Ơn, Sơn Tùng M-TP hay bất cứ chàng trai, cô gái nào cũng là độc giả như nhau, dù chỉ gặp lướt qua trong 41 năm bán sách đầy duyên nợ.

Mi Ly - Liêu Lãm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/toi-duong-sach-sai-gon-gap-ong-chu-tiem-tung-pha-san-voi-10-tan-sach-post883222.html