Tôi đi tu: [Bài IV] Người số 37 và tôi

Đấy là một chàng thanh niên khỏe mạnh đẹp trai nhưng thỉnh thoảng bị rung bần bật toàn thân. Người đấy chắc chắn là tu không 'đậu' và người thứ 2 không 'đậu' là tôi.

 Cách và nội dung trao đổi giữa thiền sinh với sư thầy, ban tổ chức.

Cách và nội dung trao đổi giữa thiền sinh với sư thầy, ban tổ chức.

Thất vọng. Hy vọng. Lại thất vọng

Chiều ngày tập tu thứ 4, chương trình chuyển qua nội dung Thiền Tuệ. Tiếng sư cô trầm nhẹ và đều - Chúng ta khởi đầu quán toàn bộ cơ thể mình bằng tâm an phú, quân bình…

Cũng vẫn tư thế ngồi thiền nhưng tập trung suy nghĩ lên đỉnh đầu, nếu tâm an tốt thì chỉ một thời gian ngắn sẽ xuất hiện một vùng cảm thọ (có thể hiểu như con trỏ của máy tính), như một thợ sơn nước, người thiền sẽ điều khiển cảm thọ ấy đi hết đầu xuống mặt, cổ, hai tay, lưng bụng, phần dưới cơ thể rồi 2 chân, xong lại vòng ngược lên, tuần tự không bỏ sót.

Nếu chỗ nào thân bị đau (như bị té xe trước đây nhưng đã lành) hay tâm bị tổn thương gặp chuyện bức xúc, đau buồn, căm giận thì cảm thọ sẽ dừng lại một vài giây, chỉ quan sát không phản ứng… cứ thế, cứ thế, đau của thân sẽ giảm, buồn của tâm sẽ mờ và cảm giác sung sướng rồi sẽ tới.

Qua ngày thứ 4, ngày thứ 5, rồi thứ 6, thêm nửa ngày thứ 7 mà tôi chẳng thấy cảm thọ của mình đâu, tâm tiếp tục lảng tránh, lang thang. Tôi lại viết giấy xin gặp sư cô.

Sáng ngày thứ 8 thì sư cô lại tiếp riêng một nhóm trong đó có tôi - Không cần quan sát hơi thở nữa, thả lỏng người và cố gắng bất động càng lâu càng tốt. Đau cũng phải gắng chịu, đau mà mình không thèm để ý thì rồi cũng quên đau, bất động không được 2 tiếng thì cũng phải 1 tiếng hoặc non tý xíu.

Tôi bấm giờ thử xem mình ngồi bất động được bao lâu, lần thứ 1 được 29 phút, lần 2 được 34 phút, và lần cao nhất được 57 phút. Như lần trước, tôi mừng vô cùng vì tôi láng máng thấy cảm thọ đã xuất hiện, có lúc rõ ràng như có thể sờ được nó.

Đêm ngày thứ 8, lần đầu tiên tại chùa tôi mất ngủ, có lẽ bởi hưng phấn do thành quả ngồi bất động hồi chiều cộng với không khí tịch mịch quá chăng. 10 rồi 11 giờ khuya, mặc cho tôi vỗ về, giấc ngủ vẫn không đến.

Tôi tháo chiếc đồng hồ đeo tay để lên bàn nhưng vẫn nghe tiếng tích tắc, tích tắc. Sau cơn mưa rào trời cao hơn, bốn bề lặng im phăng phắc, những cây sao cổ thụ cao vút cũng lặng im như tượng Phật. Lũ côn trùng ngủ quên không một tiếng rên. Trăng hạ huyền sáng quá, sáng đến từng kẽ lá, sáng đến từng ngọn cỏ. Trăng sáng của Chí Phèo Nam Cao, của ca dao tát nước đầu đình.

Tôi say rượu với đồng nghiệp báo Nông nghiệp Việt Nam tại trại bò Ea Sô cũng một đêm trăng sáng. Đêm say rượu ở Mù cang Chải cũng trăng sáng. Đêm say rượu với nông dân Gò Tháp Mười cũng sáng trăng… Tâm tôi đi cùng ông giẳng ông giăng đến tận 4h00, khi mọi người lục tục dậy bắt đầu ngày tu thứ 9.

Người số 37 và tôi

Ngay buổi khai mạc, mỗi thiền sinh được cấp một mã số, tôi mang số 62, số cuối cùng của thiền sinh nam. Cách tôi 0,8m ở bên phải là một nam sinh viên năm thứ 2 đại học Bách Khoa mang số 61, Hàng trước, ông bạn nguyên giám đốc một nông trường công ty cao su Chư Pah mang số 57, người mang số 56 quê Bình Dương có con gái đang tu tại chùa.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp đại học cô bé theo bè bạn lên chùa làm thiện nguyện rồi thích xin xuất gia luôn, người mang số 55 là một Phật tử ở Cát Tiên, Lâm Đồng. Duy nhất có một người không số, đấy là một nhà sư năm nay 86 tuổi, đang tu ở chùa Trảng Bàng- Tây Ninh.

Đó là nhưng người gần gũi trong khóa tu, nhưng có một người ở xa phía trên không nhìn rõ mặt nhưng lại gây ấn tượng mạnh với tôi, mang số 37. Không hiểu tại sao tôi lại thích số bù 37 hoặc 73. Gặp vé số có 2 số này là mua ngay, trên đường gặp xe có số này thế nào cũng ngoái nhìn.

Đấy là một chàng thanh niên khỏe mạnh đẹp trai nhưng thỉnh thoảng bị rung lên, rung bần bật toàn thân. Khi bị rung như vậy, trợ thiền phải dìu ra ngoài cả tiếng sau mới tiếp tục được.

Sau đó không biết sao mà anh ta hết rung nhưng lại thỉnh thoảng hét toáng lên, cả thiền đường rộng 900 m2 đang chìm trong im lặng bị rung chấn. Đến ngày tu thứ 8 thì không còn thấy anh ta xuất hiện nữa.

Người đấy chắc chắn là tu không “đậu” và người thứ 2 không “đậu” là tôi. Danh sách tu không đậu chắc chắn còn thêm nhưng tôi thấy gương mặt của những đồng tu xung quanh tôi đều rạng rỡ hẳn lên.

Bill Gates nên trả tiền bản quyền cho Phật giáo

Kết thúc ký sự này xin được nói thêm 2 điều, một là chúng ta đi tu để làm gì? Điều này ni sư Hằng Liên luôn nhắc tới nhắc lui trong 10 ngày tu tập, là để mưu cầu cuộc sống an vui, hạnh phúc và hòa hợp chứ không mơ mộng xa xôi đến giải thoát, vì để được giải thoát cần rất nhiều đạo hạnh và cả cơ duyên.

Hai là Phật giáo là khoa học hay mê tín? Thế giới vẫn chưa hiểu câu nói của Einstein: “Nếu chọn một đạo giáo thì tôi sẽ chọn Phật giáo” nhưng những thành tựu khoa học gần đây càng chứng tỏ Phật giáo là khoa học tâm lý với các trạng thái phi vật chất như là sung sướng, đau đớn, khoái cảm, hờn giận, căm thù, yêu thương, giải thoát…

Nhà khoa học Einstein từng nói: “Nếu chọn một đạo giáo thì tôi sẽ chọn Phật giáo”.

Năm 1973, giải Nobel Y học được trao cho 3 nhà khoa học nghiên cứu môn khoa học mới mẻ nhất - Khoa học hành vi. Và khoa học hành vi dẫm chân tại đó cho đến 2020 này các nhà khoa học Nhật Bản mới công bố được bài báo khoa học về việc gene của cá chọi biến đổi như thế nào khi nó chọi nhau.

Trong lúc đó, từ xưa Phật giáo đã biết tham, sân, si là cội nguồn của đau khổ và làm thế nào để được hạnh phúc, hòa giải, xóa bỏ hận thù, sống hòa hợp với xã hội và môi trường.

Và đây, khoa học máy tính hiện nay đang sử dụng các kỹ thuật bộ nhớ trong, bộ nhớ ngoài, nén file, refresh, hibernate… những kỹ thuật đó đã được Phật giáo sử dụng từ hơn 2.500 năm trước. (Hết)

Quang Ngọc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/toi-di-tu-bai-iv-nguoi-so-37-va-toi-d272007.html